Mù Cang Chải [Kỳ 2]: Cảnh sắc kỳ vỹ

Bình luận · 255 Lượt xem

Với tiềm năng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà. Hiện nay ngành công nghiệp 'không khói' ở Mù Cang Chải đang từng bước được đánh thức.

Con người thân thiện

Những năm gần đây, tiềm năng du lịch của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) bắt đầu được khai thác thành những sản phẩm du lịch. Với chủ trương phát triển du lịch “xanh - bản sắc - an toàn - thân thiện”, Mù Cang Chải đã đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

 

Sau đại dịch Covid lượng khách đến với Mù Cang Chải tăng cao, riêng trong năm 2022, huyện Mù Cang Chải đã đón và phục vụ trên 350.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 270 tỷ đồng.

 

Du khách Nguyễn Thị Thúy Lan đến từ Phú Thọ cho biết, nơi đây thu hút tôi bằng cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của ruộng bậc thang, màu xanh bạt ngàn của núi rừng với những giá trị nguyên sơ của thiên nhiên và con người. Sự yên bình, gần gũi của thiên nhiên và con người khiến tôi thấy thư thái và thoải mái. Chắc chắn, chúng tôi sẽ còn trở lại đây vào những mùa du lịch sau.

 

Theo số liệu thống kê của địa phương, mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Mù Cang Chải dao động từ 300.000 -1.500.000 đồng/người/ngày (Đối với khách du lịch đi trong ngày: bình quân 300.000 đồng/người/ngày, đối với khách lưu trú nội địa trung bình 1.000.000 đồng/người/ngày đêm, đối với khách du lịch quốc tế lưu trú 1.500.000 đồng/người/ngày đêm).

 

Nếu như năm 2016 doanh thu từ du lịch của huyện chỉ đạt trên 60 tỷ đồng thì đến năm 2020 tăng lên 100 tỷ đồng, năm 2022 đạt 270 tỷ đồng. Tuy nhiên mức doanh thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của huyện, do các sản phẩm du lịch dịch vụ còn nghèo nàn, ít các dịch vụ gia tăng, nguồn thu du lịch chủ yếu từ ăn uống, lưu trú.

 

Đến năm 2023, trên địa bàn toàn huyện đã có trên 900 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, trong đó có hơn 100 nhà nghỉ, homestay, hơn 70 nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, đáp ứng nhu cầu phục vụ trên 5.000 lượt khách/ngày. Ngoài ra, các dịch vụ khác như vận chuyển du khách, dịch vụ kinh doanh các mặt hàng lưu niệm cũng từng bước phát triển.

 

Anh Giàng A Dê ở xã La Pán Tẩn - chủ cơ sở du lịch hometay Helo Mù Cang Chải, nằm trên độ cao hơn 1.000m, xung quanh khu vực anh trồng đào rừng, tam giác mạch. Anh Dê chia sẻ: các ngôi nhà trong khu du lịch được thiết kế bằng gỗ thông kiểu truyền thống của đồng bào vùng Mông nhằm gây ấn tượng về sự gần gũi với du khách.

 

Anh Dê còn liên kết với các hộ dân trong bản tạo tuor chuỗi du lịch khép kín. Du khách được trải nghiệm đánh bắt cá suối, thực hành các bước trồng lúa trên ruộng bậc thang như cày bừa làm đất, cấy lúa, gặt lúa và thưởng thức các món ăn dân tộc.

 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, điều đáng mừng là hiện nay thị trường khách quốc tế đến với địa phương chiếm khoảng 15 - 20% tổng lượng khách. Khách quốc tế tiếp cận đến khu vực theo các tour du lịch xuyên Việt bằng phương tiện đường bộ từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

 

Đối tượng khách du lịch chủ yếu là khách châu Âu (Pháp, Anh, Đức), cChâu Mỹ (Mỹ, Canada), Trung Quốc, một số ít đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản với mục đích chính là khám phá cảnh quan ruộng bậc thang; tìm hiểu văn hóa truyền thống, trải nghiệm du lịch cộng đồng; du lịch mạo hiểm; nghiên cứu khoa học. Các điểm tập trung khách quốc tế chủ yếu là khu du lịch sinh thái Mù Cang Chải Ecolodge, Bản Thái Kim Nọi, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn Khau Phạ…

 

Bà Hanzawa Satomi, tình nguyện viên của tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản Zica (tình nguyện viên hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng và kết nối du khách Nhật Bản đến Mù Cang Chải) đánh giá: Bên cạnh những tiềm năng du lịch do thiên nhiên ban tặng, Mù Cang Chải còn là một vùng đất có lịch sử lâu đời gắn với lịch sử phát triển của các dân tộc Mông, Thái. Những giá trị lịch sử và văn hóa chính là tài nguyên nhân văn quan trọng để khai thác phát triển du lịch.

 

Với mục tiêu “Phát triển du lịch xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện” Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện du lịch. Đến năm 2025, Mù Cang Chải phấn đấu đón và phục vụ 300.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 60.000 lượt, tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng bình quân 12%/năm. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Bình luận