Thành phố có kênh rạch đẹp nhất thế giới

Bình luận · 201 Lượt xem

Năm 2019, tổ chức Getty Images xếp Cần Thơ là một trong 15 thành phố có kênh rạch đẹp nhất thế giới, sánh vai cùng Venice, St. Petersburg, Amsterdam, Bruges, Florida…

Cần Thơ có diện tích khoảng 1.400km2. Dân số hơn 1,4 triệu người. Diện tích nội thành 53km2. Đất phù sa bồi lắng bởi sông Hậu. Phát triển nông nghiệp rất thuận lợi, nhờ nước ngọt quanh năm. Địa chất được hình thành chủ yếu thông qua sự bồi lắng trầm tích biển và phù sa sông Mekong. Có hai loại trầm tích là Holocene (phù sa mới) và Pleistocene (phù sa cổ). Cần Thơ có khá nhiều cù lao nổi tiếng trên sông Hậu. Điển hình là các cồn Ấu, cồn Khương, cồn Sơn, cù lao Tân Lập.

Cần Thơ có mạng lưới sông rạch đan xen khá dầy. Vườn cây ăn trái xanh mượt cặp đường lộ. Chúng thường song hành với kênh rạch, đi qua nhiều cây cầu. Tổ chức Getty Images xếp Cần Thơ là một trong 15 thành phố có kênh rạch đẹp nhất thế giới vào năm 2019, sánh vai cùng Venice (Ý), St. Petersburg (Nga), Annacy (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Birmingham (Anh), Bruges (Bỉ), Florida (Mỹ)...

 

Chợ nổi Cái Răng là nơi chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng sông Hậu. Chợ cách trung tâm thành phố khoảng 6 cây số. Mất 30 phút đi thuyền từ bến Ninh Kiều. Chợ họp từ sáng sớm, có 3 - 4 trăm ghe họp chợ mỗi ngày. Mỗi một chiếc ghe sẽ bán một món hàng khác nhau. Chủ ghe sẽ treo món đồ mình bán lên một cây sào. Người ta gọi là cây “bẹo” để người mua dễ dàng nhận ra. Du khách trải nghiệm ăn sáng, với món ăn miền Tây trên những chiếc xuồng bơi chung quanh ghe lớn. Cách phục vụ linh hoạt và gây sự hiếu kỳ của người nước ngoài. Chợ được hình thành từ đầu thế kỷ 20. Chợ nằm trên trục đường thủy “sông Cần Thơ - kênh Xáng Xà No”. Khả năng giao thương trong khu vực tây sông Hậu rất thuận tiện.

Cái Răng theo truyền thuyết có con cá sấu lớn về đây. Răng của nó cắm vào miếng đất này, bởi liền theo đó, có cầu Đầu Sấu. Cụ Vương Hồng Sển có giải thích khác: Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer “karan”, nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) chuyên làm nồi đất và “karan”. Ghe chất đầy mui rồi thả theo sông cái đến đậu ghe tại chợ Cái Răng để bán. Mọi người phát âm karan thành Cái Răng. Ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu. Ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, thủy sản từ Cà Mau, Rạch Giá.

Ghe xuồng tập họp buôn bán làm cho chợ nổi Cái Răng hết sức nhộn nhịp. Chợ thường họp khá sớm từ lúc mờ sáng cho đến khoảng 8, 9 giờ là tan. Tạp chí Rough Guide của Anh bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Thuyền bán hàng “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”. Chợ nổi Cái Răng được liệt kê trong danh sách sáu chợ nổi đẹp nhất châu Á (trang web youramazingplaces). Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không gian văn hóa chợ nổi Cái Răng là đề tài nghiên cứu rất lý thú đang được triển khai.

 
 

Bến Ninh Kiều được đặt theo tên địa danh lịch sử Ninh Kiều (nay là Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Đây là chiến trường khốc liệt. Vua Lê Lợi và nghĩa binh Lam Sơn đã dũng cảm đánh thắng quân Minh xâm lược. Kế hoạch phản công của Vương Thông bị phá sản, quân Minh chấp nhận đàm phán. Quân xâm lược chết đuối dưới sông Ninh Kiều rất nhiều. Nhiều chỉ huy quân Minh bị giết, Vương Thông bị thương. Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô Đại Cáo, có đoạn: 

Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm;

Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.

Con đường Hai Bà Trưng xưa kia có tên Lê Lợi. Người ta đặt tên bến Ninh Kiều để gắn với chiến công của người xưa. Bến nổi tiếng tới bây giờ, đẹp cả tên và cảnh vật. Năm 2017, Cần Thơ xây thêm cầu đi bộ Ninh Kiều (cầu Tình Yêu), một điểm nhấn mới của Cần Thơ đối diện ngôi chợ cổ để nam thanh nữ tú dập dìu.                   

 
 

Nằm trên đường Hai Bà Trưng, phường Tân An. Ngôi chợ có hơn 100 tuổi này, mang nhiều tên gọi khác nhau: chợ Lục Tỉnh, chợ Hàng Dương, chợ Cần Thơ. Nó được khởi công xây dựng và khánh thành vào năm 1915, cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây ở Sài Gòn. Thoạt tiên chợ Lục Tỉnh là đầu mối giao thương với sáu tỉnh. Sau đó, nhiều chợ khác mọc lên, hoành tráng hơn, chợ Lục Tỉnh dần dần chỉ còn là nơi buôn bán trên bến Hàng Dương, với danh xưng chợ Hàng Dương.

Năm 2005, chợ được đầu tư xây dựng lại trên nền tảng kiến trúc cũ. Hàng tươi sống được chuyển hết về chợ Cái Khế. Tên chợ cổ Cần Thơ được gọi từ đó. Năm 2010, thành phố phát triển tuyến phố đi bộ và khu ẩm thực tại khu vực bến Ninh Kiều với khu chợ đêm và khu vực bán đồ lưu niệm. Ngôi chợ cổ có thêm tên gọi mới là “chợ đêm Cần Thơ”. Kiến trúc nhà lồng chợ, vòm trần cong với một mô típ độc đáo. Mái ngói lợp kiểu âm dương biểu hiện chất Á Đông. Không gian mở tạo cảm giác thoải mái, đặc trưng miền sông nước. Nhất là khi nhìn chợ từ dưới sông Cần Thơ lên. Đêm xuống, hệ thống đèn trang trí làm chợ cổ lung linh và huyền ảo cả vùng sông nước miền Tây. “Đờn ca tài tử” vang vọng theo con thuyền du lịch đưa khách xuôi ngược trên Cầm Thi Giang.

 
 

Trường được thành lập vào năm 1917, hoàn thành để sử dụng vào năm 1921. Đây là cơ sở giáo dục lâu đời nhất của Trấn Giang. Collège de Cần Thơ ra đời sau Collège de Mỹ Tho (1879). Ba tôi đã học tại trung học Cần Thơ này đến lớp Đệ Nhị, với nhiều ký ức đẹp. Kiến trúc trường cổ kính, trang nghiêm. Đến tháng 8 năm 1945, trường có tên Việt là Trung học Phan Thanh Giản. Ngôi trường trung học lớn nhứt miền Tây mang tên Đại Học sĩ suốt 40 năm. Năm 1985, trường đổi tên là Châu Văn Liêm. Danh sách học sinh của trường là danh nhân đất Việt nhiều lắm. Tiêu biểu là Phạm Hoàng Hộ, Châu Văn Liêm, Phạm Văn Bạch, Lương Định Của, Sơn Nam, Ung Văn Khiêm, Lưu Hữu Phước...

 

Tiêu biểu cho văn hóa của người Khmer Nam Bộ tại Cần Thơ. Đây là một lối kiến trúc Angkor tráng lệ được xây dựng từ năm 1964, ở giữa thành phố miền Tây. Chùa tọa lạc tại số 36 đường Hòa Bình. Thật sự chùa đã có từ năm 1948, bằng tre lá. Năm 1954, phần cổng chùa được xây theo mô hình tháp của Angkovat. Năm 1988, chùa chính thức khánh thành. Chính giữa chùa là chánh điện hai tầng, phía trước chánh điện là tháp để Xá Lợi Phật, có họa tiết kiến trúc tinh xảo, nhất là phần nóc. Một màu vàng rực rỡ, tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Cổng chùa là Tháp Tam Bảo được sơn son thếp vàng. Điểm nhấn là bảo tháp. Xung quanh bảo tháp được đắp nổi phù điêu tam bảo, tiên nữ Keynor, chim thần Kurd, tượng Phật bốn mặt.

Chính điện hướng về mặt trời mọc, vì hướng Đông là hướng của thần thánh. Cầu thang dẫn lên chính điện có rắn thần Naga được chạm khắc rất tinh tế ở hai bên tay vịn. Xung quanh gian chính điện được trang trí bằng phù điêu đắp nổi, và các tượng gắn với truyền thuyết Reahu, Apsara, chim thần Kâyno, Chằn Yeak. Chùa chỉ thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, theo giáo lý Theravada. Tôi thích ngắm chùa vào chiều hôm ở đằng sau chính điện Munisenray. Đặc biệt tôi đã chụp ảnh chùa từ phía hồ Xáng Thổi. Chùa như đang nổi bồng bềnh ở trên cõi trần tục vậy. Nắng chiều phản chiếu sắc vàng của chùa trên nền trời xanh, tỏa vầng hào quang, đẹp rực rỡ.

Chùa tổ chức lễ truyền thống Cholchonam Thomay mừng năm mới (ngày 13-15 tháng Ba âm lịch) và Okombook hay còn gọi là Lễ cúng trăng (ngày 15 tháng 10 âm lịch). Ngoài ra còn có lễ cúng ông bà “Đôn ta” từ ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch, theo văn hóa Khmer Nam Bộ.

 

Con đường thủy vận chuyển lúa gạo ở tây sông Hậu chủ yếu là hệ thống kênh Xáng Xà No. Kênh có chiều dài gần 40 cây số, chảy qua Cần Thơ và Hậu Giang. Chữ Xà No bắt đầu từ  Sóc Snor; có nghĩa là xóm có nhiều cây điên điển (Sesbania sesban).

Thực dân Pháp tiến hành đào kênh Xáng Xà No từ 1901 đến 1903. Con kênh nối sông Cần Thơ từ Vàm Xáng - Phong Điền đến rạch Cái Tư, nhánh sông Cái Lớn chảy ra biển Tây. Đây là công trình thủy nông lớn nhất Nam Kỳ lúc ấy. Sơn Nam viết: “Kênh Xà No dài tổng cộng 34km, bề ngang trung bình 60m, dưới đáy 40m, tổng phí tổn: 3.680.000 quan Pháp. Việc thi công hoàn toàn do 4 chiếc xáng, mỗi chiếc mạnh 350 mã lực, mỗi gàu múc 375 lít, thổi bùn xa đến 60m. Xáng hoạt động nhờ đốt nồi súp - de bằng củi”.

Dân cư tranh thủ cất nhà dọc bờ kênh, chọn địa thế làm ăn thuận tiện cho họ. Con kênh đã tạo nên cảnh quan đặc sắc cho vùng tây sông Hậu. Nhiều cửa hàng bán buôn ven sông Xà No đã tạo nên những thị tứ sầm uất. Sau đó, người Pháp tiếp tục cho đào những con kênh cắt ngang, cứ cách 500m thì đào một kênh nhỏ, 1.000m đào một kênh lớn, như hệ thống xương cá.

Tôi đi từ Một Ngàn đến Bảy Ngàn để điều tra lúa mùa địa phương vào những năm 1980. Bây giờ thay đổi quá nhiều. Nông thôn mới chuyển mình nhanh quá. Tiềm năng lúa gạo được khai thác đầy ấn tượng trên cánh đồng hoang hóa trước kia. Đó là nhờ hiệu quả của kênh xáng Xà No, kênh Lái Hiếu, kênh Thốt Nốt, kênh Rạch Giá - Hà Tiên, Quản Lộ - Phụng Hiệp, hệ thống kênh quy tụ ở thị tứ Ngã Năm, Ngã Bảy. Hệ thống thủy nông mới sau năm 1975 đã góp phần rất lớn trong cải tiến tình trạng dẫn thoát nước, rửa phèn. Cụ thể kênh Xáng Xà No đã giải quyết tiêu thoát nước cho khoảng 40.000 ha đất nông nghiệp Hậu Giang. Người Pháp đã thống kê rằng: thời xưa Nam Kỳ xuất cảng 500.000 tấn gạo/năm; khi có kênh Xáng Xà No, con số này tăng lên 1,3 triệu tấn (gấp 1,6 lần). Kênh trở thành “con đường lúa gạo” lớn nhất Đông Dương thời ấy.

Bình luận