Dự án VnSAT góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương

Bình luận · 258 Lượt xem

Lãnh đạo các địa phương tham gia dự án VnSAT khẳng định đã mang lại hiệu quả và giúp đơn vị hình thành vùng cà phê bền vững.

Ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Năng (Đăk Lăk) cho biết, dự án VnSAT đã hỗ trợ cho 2 HTX về cơ sở vật chất, tập huấn khoa học kỹ thuật về mô hình tái canh cà phê. Đối với các nông hộ, dự án đã hỗ trợ 7 mô hình sản xuất cà phê bền vững; 7 mô hình tái canh cây cà phê về phân bón, cây giống và khoa học kỹ thuật.

Theo ông Sự, qua quá trình theo dõi mô hình tái canh cà phê bền vững địa phương nhận thấy, vườn cây sinh trưởng tương đối, tỷ lệ cây sống cao đạt trên 90% năm thứ nhất. Dự án tập huấn khoa học kỹ thuật nên giúp người dân nắm bắt, thực hiện tốt công tác tạo bồn, làm cỏ và trồng cây che bóng tạm thời cho vườn cây bằng muồng hoa vàng. Người dân có hiệu quả kinh tế khi thực hiện mô hình trồng xen cây ăn quả: cà phê xen bơ.

Dự án VnSAT giúp hình thành vùng cà phê bền vững tại Đăk Lăk và Đăk Nông. Ảnh: Quang Yên.

Dự án VnSAT giúp hình thành vùng cà phê bền vững tại Đăk Lăk và Đăk Nông. Ảnh: Quang Yên.

Đặc biệt, dự án VnSAT đã tác động đến ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong vùng sản xuất đó là hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, không thải bao bì, vỏ thuốc ra ngoài môi trường mà quản lý xử lý tập trung. Người dân sử dụng dụng cụ, đồ bảo hộ lao động đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho chính người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái trong vườn và khu vực sản xuất cà phê.

"Dự án VnSAT tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tuyên truyền cho người dân về hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của các hộ dân.

Việc chuyển từ sản xuất theo kinh nghiệm thuần túy sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến đồng bộ, các hộ dân có thể tự hạch toán thu chi trên chính vườn cây của mình để hoạch định ra kế hoạch thu chi trong gia đình một cách hiệu quả nhất nhằm nâng cao đời sống gia đình. Thành công của mô hình đã góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người sản xuất cà phê từ đó các thành viên tham dự, thăm quan mô hình sẽ chủ động áp dụng vào vườn cây của gia đình để sản xuất ngày càng hiệu quả hơn", ông Sự nói.

Tương tự, ông Phan Hoàng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Búk (Đăk Lăk) cho biết, dự án VnSAT đã giúp địa phương định hình được mô hình cà phê bền vững. Dự án giúp nâng cáo giá trị sản phẩm cà phê của địa phương. Các loại cà phê tái canh đa số là giống mới cộng với việc người dân được tập huấn khoa học kỹ thuật nên vườn cây được đầu tư bài bản.

Dự án VnSAT hỗ trợ các HTX, Tổ hợp tác đầu tư nhà màn để phơi cà phê. Ảnh: Quang Yên.

Dự án VnSAT hỗ trợ các HTX, Tổ hợp tác đầu tư nhà màn để phơi cà phê. Ảnh: Quang Yên.

"Bây giờ người dân trồng theo giống mới, chủ yếu là các loại TR4, TR9 của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nên năng suất từ 5-6 tấn/ha còn cà phê truyền thống chỉ từ 2-3 tấn/ha. Tất cả các dự án tái canh của người dân trên địa bàn đều mang lại hiệu quả cho người nông dân. Đặc biệt, người dân cũng được đào tạo các quy trình chế biến từ đó hình thành các chuỗi cà phê bền vững", ông Lâm nói và cho biế,t trước đây khi chưa có dự án VnSAT, người dân sản xuất cà phê theo cách truyền thống, với giống cà phê cũ thì năng xuất rất thấp.

Ngoài hỗ trợ nông dân, dự án cũng giúp 2 HTX trên địa bàn xây dựng đường giao thông vào khu sản xuất, sân phơi, nhà kho... để hoạt động. "Với tình hình kinh phí địa phương và các HTX mà để đầu tư cơ sở vật chất này cũng rất khó khăn. Nhờ có dự án mà các HTX được hình thành và có định hướng phát triển rõ ràng", ông Lâm nói và khẳng định dự án VnSAT đã mang lại nhiều lợi ích cho địa phương.

Còn tại Đăk Nông, ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn huyện Krông Nô khẳng định, dự án đã giúp địa phương hình thành, phát triển vùng cà phê chất lượng cao. Dự án VnSAT hỗ trợ thực hiện cà phê bền vững trên địa bàn 3 xã Nâm Nung, Tân Thành và thị trấn Đăk Mâm.

Một số HTX được hỗ trợ máy rang, chế biến giúp cà phê nâng cao chất lượng. Ảnh: Quang Yên.

Một số HTX được hỗ trợ máy rang, chế biến giúp cà phê nâng cao chất lượng. Ảnh: Quang Yên.

Đến nay, khu vực trồng cà phê tại xã Nâm Nung đang hướng tới vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Dự án VnSAT cũng hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật theo hướng sản xuất cà phê bền vững và máy sấy, máy bắn màu, nhà kính để phơi cà phê cho các HTX. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ trên 40 tỷ đồng tại địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng là đường giao thông kết nối các vùng sản xuất.

"Sau thời gian triển khai, dự án đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế tập thể. Dự án giúp địa phương hình thành liên kết, sản xuất theo chuỗi từ đó nâng cao hiệu quả cũng như tính cạnh tranh về chế biến sâu", ông Lộc khẳng định.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Bình luận