Doanh nghiệp chia sẻ đến cùng với nông dân trồng lúa

Bình luận · 240 Lượt xem

TIỀN GIANG Liên kết sản xuất với Công ty HK Green, nông dân trồng lúa ở Tiền Giang lúc nào cũng lãi khá, dao động từ 28 - 35%/vụ, riêng vụ hè thu 2023 lãi trên 50%.

Mô hình liên kết trồng lúa của Công ty HK Green với nông dân Gò Công. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình liên kết trồng lúa của Công ty HK Green với nông dân Gò Công. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân lãi bình quân 30%/vụ

Ở tỉnh Tiền Giang, ngày một nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, chia sẻ khó khăn, chia sẻ lợi nhuận, thay đổi suy nghĩ người dân, tin tưởng, gắn bó cùng chuỗi liên kết sản xuất với bà con. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất lúa của Công ty TNHH Sản xuất - Kinh doanh HK Green (Công ty HK Green, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) với trên 30 hợp tác xã nông nghiệp ở Tiền Giang.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Châu Minh Hải - Giám đốc Công ty HK Green và được nghe ông chia sẻ những lời ruột gan về quá trình liên kết xây dựng thương hiệu cho gạo VD20 Gò Công và những sản phẩm gạo sạch Gò Công trong mấy năm qua.

HK Green vốn là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón nhưng dường như “mang nặng nợ” với giống lúa VD20, với nông dân ở Gò Công nên ông Hải đã đầu tư xây dựng thương hiệu gạo đặc sản của vùng đất này.

Doanh nghiệp đã liên kết với các HTX để vận động nông dân sản xuất theo chương trình cánh đồng lớn. Công ty tham gia cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua lúa gạo cũng như liên kết với thương lái, doanh nghiệp lương thực bao tiêu lúa cho bà con.

Lúa trong mô hình liên kết sản xuất với Công ty HK Green dù bón phân hữu cơ nhưng luôn đạt năng suất cao hơn ngoài mô hình. Ảnh: Minh Đảm.

Lúa trong mô hình liên kết sản xuất với Công ty HK Green dù bón phân hữu cơ nhưng luôn đạt năng suất cao hơn ngoài mô hình. Ảnh: Minh Đảm.

Cách đây 7 năm, mô hình đầu tiên được HK Green triển khai ở huyện Gò Công Tây là tại xã Bình Nhì (30ha) và Bình Tân (25ha) với giống lúa VD20. Sau đó mở rộng ra xã Vĩnh Hựu, Đồng Thạnh, Long Vĩnh... rồi có mặt khắp vùng Gò Công và các huyện phía tây Tiền Giang như Cái Bè, thị xã Cai Lậy. Hiện nay, diện tích liên kết vụ thu đông của Công ty với nông dân là khoảng 1.200ha và vụ đông xuân trên 2.000ha.

Ngoài sản xuất lúa VD20, HK Green còn sản xuất các giống lúa đặc sản khác như: Đài Thơm 8, ST25, Nàng Hoa 9… Riêng đối với giống lúa VD20, diện tích liên kết ổn định khoảng 330ha, sản lượng gạo khoảng 150 tấn/vụ. Đối với sản lượng này, HK Green bao tiêu toàn bộ và sản xuất gạo đặc sản VD20 Gò Công. Gạo này đã đạt giải Nhì cuộc thi gạo ngon tại Festival Lúa gạo Việt Nam. Sản phẩm gạo VD20 Gò Công đã được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận OCOP 4 sao.

Theo tính toán, sản xuất theo chuỗi liên kết với HK Green nông dân có lãi từ 28 - 30% ở vụ thu đông và vụ đông xuân từ 30 - 35%. Riêng vụ hè thu 2023, giá lúa tăng cao hơn cùng kỳ 1.000 đồng/kg nên bà con đạt lợi nhuận hơn 50%. Nhờ đạt lợi nhuận cao nên nông dân rất phấn khởi và luôn gắn bó với HK Green trong chuỗi liên kết sản xuất lúa. Điển hình như tại HTX Tân Điền ở huyện Gò Công Đông, bà con đã tham gia chuỗi liên kết với HK Green từ 4 năm nay.

Ông Võ Thanh Tâm, Giám đốc HTX cho biết, HTX liên kết với HK Green để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Hợp tác với Công ty HK Green, bà con được mua chịu phân bón tới lúc thu hoạch, được Công ty hướng dẫn bón phân theo quy trình, phun xịt phòng trừ sâu bệnh. Khi lúa chín, HTX thu mua toàn bộ lúa cho bà con và được Công ty HK Green mua lại toàn bộ gạo.

Về hiệu quả khi sản xuất theo quy trình của Công ty HK Green, ông Tâm khẳng định chi phí giảm khoảng vài trăm nghìn đồng/công mỗi vụ. Một công lúa (1.000m2) chỉ tốn khoảng 700.000 đồng tiền phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh. Dù bón phân hữu cơ nhưng năng suất lúa rất đạt (hơn 6 tấn/ha), hạt lúa chắc, bóng mẩy.

Vụ này, lúa trong mô hình liên kết sản xuất của nông dân với Công ty HK Green năng suất đạt hơn 6 tấn/công, lãi hơn 3 triệu đồng/công. Ảnh: Minh Đảm.

Vụ này, lúa trong mô hình liên kết sản xuất của nông dân với Công ty HK Green năng suất đạt hơn 6 tấn/công, lãi hơn 3 triệu đồng/công. Ảnh: Minh Đảm.

Nhờ đầu vào, đầu ra ổn định nên mô hình liên kết ngày càng mở rộng, từ 30ha ban đầu nay đã phát triển trên 150ha. Bà con thường sản xuất lúa VD20 ở vụ đông xuân. Vụ hè thu 2023, bà con sản xuất giống lúa ST25, giá lúa ở mức cao, ổn định từ 8.500 - 8.600 đồng/kg, tính ra mỗi công thu về 4,5 triệu đồng, lãi khoảng 3 triệu đồng.

Ông Võ Thanh Tâm, Giám đốc HTX Tân Điền cho biết thêm: “Công ty HK Green bán phân trực tiếp cho HTX với giá gốc, đồng thời hỗ trợ thêm 300 ngàn đồng/ha. Phân hữu cơ nhưng hiệu quả rất tốt, lúa cứng cây, ít sâu bệnh, ít đổ ngã, hạt sáng chắc, mỗi bao lúa nặng hơn so với bón phân vô cơ từ 2 - 3kg. Công ty HK Green luôn rất nhiệt tình, chuyển phân bón tới nhà cho bà con”.

Thuyết phục thương lái tham gia chuỗi liên kết

Để có được diện tích liên kết sản xuất lúa hơn 2.000ha, sản phẩm gạo VD20 Gò Công đạt OCOP 4 sao, ông Châu Minh Hải - Giám đốc Công ty HK Green chia sẻ đã trải qua rất nhiều khó khăn.

Ông kể, những ngày đầu vận động nông dân tham gia mô hình rất khó, muốn họ làm theo quy trình của Công ty đưa ra lại càng khó hơn. Để nông dân chịu làm theo, Công ty phải cam kết nếu bón phân theo quy trình của Công ty mà lúa không đạt năng suất so với ruộng kế bên thì sẽ bù lỗ và còn hỗ trợ thêm 50 đồng mỗi kg lúa. Bên cạnh đó, Công ty cam kết thu mua lúa cho bà con với giá tăng thêm từ 100 – 200 đồng/kg so với giá thị trường.

Nông dân được Công ty HK Green tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo quy trình của Công ty. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân được Công ty HK Green tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo quy trình của Công ty. Ảnh: Minh Đảm.

Vấn đề nhức nhối nhất là các thương lái, hàng xáo ở địa phương thường mua kiểu đưa giá cao để nông dân bẻ kèo với doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ chỉ mua 1 - 2ha với giá cao rồi... bỏ chạy! Vấp phải sự tranh mua này nên 2 năm qua, tỷ lệ thu mua lúa của Công ty trong vùng liên kết đạt cao nhất cũng chỉ 70%. Để giải quyết vấn đề hóc búa này, ông Hải cho biết đã nhờ chính quyền địa phương vào cuộc, một phần vận động nông dân, một phần vận động ngay chính thương lái địa phương tham gia vào chuỗi liên kết.

“Tới một nơi nào đó, chúng tôi đều nhờ chính quyền địa phương vào cuộc. Nếu họ quan tâm thì chắc chắn thành công 100%. Tôi mời những anh lái lúa về hội trường ủy ban xã cùng họp. Tôi giải trình với họ rằng tôi đầu tư đầu vào theo quy trình của Công ty và thu mua lúa trong chuỗi liên kết nên họ không được mua ép giá, phải mua theo thời điểm và cộng thêm tiền cho bà con từ 50 - 100 đồng/kg. Nếu họ mua lúa như cam kết, tôi sẽ mua gạo cho họ”, ông Châu Minh Hải chia sẻ.

Ông Châu Minh Hải giới thiệu gạo đặc sản VD20 Gò Công đạt OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Châu Minh Hải giới thiệu gạo đặc sản VD20 Gò Công đạt OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Đảm.

Thực tế, mô hình có sự tham gia của thương lái địa phương đã giúp chuỗi liên kết ở xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) thêm bền vững và ngày càng mở rộng. Đối với HK Green thì nói phải đi đôi với làm. Khi tỉnh Tiền Giang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong đại dịch Covid-19, nông dân không bán được lúa, HK Green lúc đó đã đăng ký xe "luồng xanh" mua lúa cho nông dân. Thời điểm đó, nhà kho của doanh nghiệp tồn đọng 10.000 tấn lúa tươi. Dù lỗ nặng nhưng ông Châu Minh Hải vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng.

Bình luận