Nam Định quyết tâm 'đổi thuỷ sản lấy công nghiệp' [Bài 4]: Biển đã bị xâm hại!

Bình luận · 851 Lượt xem

Tỉnh Nam Định đang đối mặt với thực trạng nhức nhối về môi trường biển, dù các dự án công nghiệp quy mô lớn mới đang ở giai đoạn bắt đầu triển khai.

Từ năm 2017 đến 2019, Công ty Sông Đà - Hà Nội được Sở TN-MT tỉnh Nam Định cấp phép khai thác 4 mỏ cát tại khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng, mục đích san lấp khu công nghiệp. Tổng trữ lượng khai thác là 6.102.180m3 trên phạm vi 180 ha mặt biển, thời hạn khai thác 5 năm.

Điều đáng nói, ví trí các mỏ cát biển nằm ngay phía trước khu vực đã được Nam Định quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển...

Công ty Sông Đà - Hà Nội, chủ mỏ, trước đó là công ty con thuộc Tổng Công ty Sông Đà. Hiện tại, Tổng Công ty Sông Đà đã thoái vốn tại đơn vị này.

Cấp mỏ cát biển “trước cửa” khu quy hoạch sinh thái

Kè sinh thái tại huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở từ lâu. Cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định cho rằng, nguyên nhân khiến khu kè bị sạt lở là do… biến đổi khí hậu, người dân địa phương khẳng định, nguyên nhân chính là do tàu hút cát, bởi mấy năm trở lại đây, Nghĩa Hưng không hứng chịu cơn bão nào.

Người dân cho biết, chỉ khi nào dừng việc khai thác cát biển mới có thể ngăn chặn được nguy cơ kè tiếp tục sạt lở.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định kiểm tra thực tế điểm sạt lở trên bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông vào tháng 3/2019. Ảnh: TTXVN.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định kiểm tra thực tế điểm sạt lở trên bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông vào tháng 3/2019. Ảnh: TTXVN.

Ông Đinh Văn Bàng, (thôn Quần Vinh, xã Phúc Thắng) cho biết: 4- 5 năm qua, tàu hút cát biển có mặt ở xã Nghĩa Lợi cũng là lúc kè bị sạt lở. Mỗi năm, tình trạng sạt lở lại càng tồi tệ hơn, mỗi ngày một dài, và tiến sâu vào đất liền.

Theo người dân, đội tàu hút cát biển bất kể ngày đêm, tuỳ thuộc vào con nước. Khi nước lên, đội tàu có những lúc lên tới cả chục chiếc, ken thành một dãy dài trên biển. Lý do: nước lớn, tàu mới tiến sát được vào gần bờ hơn, việc hút cát dễ dàng hơn, năng suất hơn so với hút ngoài khơi, xa bờ.

“Phải khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường” -  Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi còn là Bộ trưởng TN&MT phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5 ngày 4/8/2022.

Ông nhận định: “Những năm qua vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp…

“Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”

Đây là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ chủ trương phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp… Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường. 

Tháng 11/2018, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại QĐ số 2896.

Tháng 7/2020, Nam Định ban hành QĐ 1645 huỷ bỏ quy hoạch, chuyển hướng sang phát triển công nghiệp.

Tháng 10/2021, Nam Định ký QĐ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện tại xã Nghĩa Hải - Nghĩa Thành - Nghĩa Lâm huyện Nam Định, quy mô 341ha. Trước đó, địa phương này cũng phê duyệt KCN Rạng Đông - Aurora quy mô hàng nghìn ha với lĩnh vực chính là dệt - nhuộm. 

Các Dự án này đều được quy hoạch tại vị trí ven biển Nghĩa Hưng, nơi trước đó được quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm của Nam Định.

Anh Vũ Văn Phong, người dân xã Nghĩa Lợi cho hay: "Có những đêm con nước lớn, dàn tàu cả chục chiếc bật đèn sáng choang, từ trên đê nhìn xuống như một thành phố nổi. Tiếng động cơ ầm ầm, dù sóng biển, gió biển át đi nhưng vẫn không vợi bớt những âm thanh chát chúa đó".

Chủ tịch xã Nghĩa Lợi Nguyễn Văn Tuý phân trần: “Tàu hút cát hoạt động bất kể ngày đêm, chính quyền xã có ra cũng chỉ ghi nhận và báo cáo lên trên. Bởi thẩm quyền của xã chỉ quản lý từ mép sóng trở vào còn từ mép sóng trở ra và ở trên biển thì không phải thẩm quyền của xã”.

Đội tàu hút cát của Công ty Sông Đà - Hà Nội. Ảnh chụp sáng ngày 16/3.

Đội tàu hút cát của Công ty Sông Đà - Hà Nội. Ảnh chụp sáng ngày 16/3.

Tháng 8/2021, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã bắt giữ 4 tàu trọng tải lớn có hành vi khai thác cát trái phép tại khu vực phía trước kè bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng, gồm 2 tàu mang biển kiểm soát Nam Định; 1 tàu mang biển kiểm soát Hải Dương, 1 mang biển kiểm soát Bắc Ninh.

Thời điểm bắt giữ, vị trí các tàu hút cát thực hiện việc hút trộm cát cách kè biển bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông chỉ khoảng vài trăm mét và nằm ngoài khu vực mỏ cát được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác cát.

Trên Báo Tin tức (Thông Tấn xã Việt Nam) ngày 19/3/2019, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng khi đó là ông Sái Hồng Thanh (nay là Bí thư Huyện uỷ Nghĩa Hưng) cho biết: công trình dài hơn 2km có nhiệm vụ bảo vệ khu du lịch tránh khỏi tình trạng sạt lở, xói mòn.

Đây là một trong những hạng mục thuộc dự án kè lấn biển, hạ tầng kinh tế biển nằm ngoài đê biển huyện Nghĩa Hưng do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2012 - 2014 với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng - nguồn kinh phí Trung ương.

 
Tàu hút cát biển của công ty Sông Đà - Hà Nội nhìn từ khu vực kè sạt lở vào sáng ngày 15/3.

Tàu hút cát biển của công ty Sông Đà - Hà Nội nhìn từ khu vực kè sạt lở vào sáng ngày 15/3.

“Sau khi hoàn thành, dù đã trải qua nhiều cơn bão mạnh, sóng lớn kết hợp với triều cường dâng cao song bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông vẫn đứng vững” – Báo Tin tức đề dẫn.

Điều đáng nói, Khu du lịch Rạng Đông thuộc Khu Dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Nơi đây là bến đỗ của hàng trăm loài chim quý di cư, chim nước, với những cánh rừng ngập mặn, đầm lầy, bãi bồi ven biển và cửa sông rộng hàng trăm ha, nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao…

Bờ kè sạt lở thời điểm tháng 3/2023...

Bờ kè sạt lở thời điểm tháng 3/2023...

và thời điểm tháng 9/2021. Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường.

và thời điểm tháng 9/2021. Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường.

Năm 2005, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch Rạng Đông với tổng diện tích gần 200ha với tham vọng biến nơi này thành khu tắm biển, nghỉ dưỡng sinh thái hiện đại.

Tháng 8/2010, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế biển huyện Nghĩa Hưng” do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư, sau đó được điều chỉnh, mở rộng quy hoạch từ 200ha lên gần 1.000ha, mục tiêu là xây dựng nơi đây trở thành khu thương mại, du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng ven biển...

Vì sao UBND tỉnh Nam Định lại cấp phép 4 mỏ cát biển, vị trí liền trước khu vực được quy hoạch phát triển du lịch, nghỉ dưỡng ven biển - mà để bảo vệ khu vực này, địa phương phải chi 100 tỷ đồng xây dựng bờ kè chống xói lở (giờ đây đã bị xói lở!!!) cho khu sinh thái?

Bên trong Khu công nghiệp Dệt nhuộm Rạng Đông với tổng diện tích hơn 2.000ha, tỷ lệ san lấp mới được một phần rất nhỏ, nhu cầu sử dụng cát san lấp sẽ còn là rất lớn.

Tan tác rừng ngập mặn?

Trưa ngày 16/3, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam tận mắt chứng kiến hai vòi hút như những con rồng khổng lồ hối hả hút cát san lấp mặt bằng xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (thuộc tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định) - dự án vừa khởi công vào giữa tháng 11/2022.

Vòi hút cát để san lấp công trình xây dựng nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn.

Vòi hút cát để san lấp công trình xây dựng nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn.

Điều đáng nói, những vạt rừng phòng hộ ven biển gần khu vực dự án đang xây dựng, đã bắt đầu toang hoác.

Dọc tuyến đê biển thuộc địa phận xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng), những pano quảng bá lễ khởi công dự án vẫn còn treo trên các thân cột điện, dù mưa gió, bụi… đã làm những dòng chữ ố màu, bong tróc.

Hình ảnh tàu hút cát của Tập đoàn Xuân Thiện ngoài khu vực cửa sông

Hình ảnh tàu hút cát của Tập đoàn Xuân Thiện ngoài khu vực cửa sông

 
 
 
 
Cây cối tan hoang xung quanh khu vực tàu hút cát.

Cây cối tan hoang xung quanh khu vực tàu hút cát.

Mặt bằng của nhà máy kết cấu bê tông nằm ở ngoài đê biển, sát với cửa sông Đáy. Liền đó, vẫn còn tấm biển “Dự án trồng rừng ngập mặn – giảm nhẹ rủi ro thảm hoạ” do Hội chữ thập đỏ Đan Mạch – Nhật Bản tài trợ giai đoạn 1997 – 2015. Đây là dự án trồng rừng ngập mặn triển khai tại 16 xã ven biển thuộc 3 huyện Nghĩa Hưng – Giao Thuỷ - Hải Hậu. Diện tích rừng ngập mặn trồng mới, trồng dặm, trồng xen tại huyện Nghĩa Hưng là 2.001ha.

GS Đặng Hùng Võ: "Nếu là nhà máy chế biến kim loại đặt tại ven biển, đây là nguồn gây ô nhiễm và sẽ huỷ hoại nguồn sinh thái biển. Việt Nam đã chứng kiến thảm hoạ nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng. Việc bố trí công nghiệp chế tạo kim loại ở đâu cần xem xét. Kinh nghiệm của Trung Quốc họ tổ chức nhà máy ở vùng Đông Bắc của họ, không đưa ra môi trường biển. Về nguyên tắc là không nên, thậm chí là không được tổ chức các cơ sở chế biến, chế tạo kim loại tại các vùng biển.

Trải hơn 20 năm, rừng ngập mặn đã bắt đầu khép tán, tạo thành một dải xanh rì ôm kín khu vực ngoài mép nước, bảo vệ cho vùng đầm bãi bên trong an toàn suốt bao năm qua.

Tuy nhiên, từ thời điểm dự án nhà máy cấu kiện bê tông triển khai san lấp mặt bằng, hai tàu hút cát nhập khẩu từ nước ngoài được Tập đoàn Xuân Thiện nhập về, làm nhiệm vụ hút cát.

Một lãnh đạo xã Nam Điền cho biết, việc bơm hút cát được tiến hành hơn một tháng qua. Đường ống hút cát kích cỡ lớn được nối dài nhiều km, từ tàu hút xối thẳng sát chân đê biển.

Dự án trồng rừng ngập mặn do Hội chữ thập đỏ Đan Mạch - Nhật Bản thực hiện tại Nghĩa Hưng.

Dự án trồng rừng ngập mặn do Hội chữ thập đỏ Đan Mạch - Nhật Bản thực hiện tại Nghĩa Hưng.

 

Đứng từ trên đê nhìn xuống, một khoảng trống hoác ước vài trăm mét chiều rộng trắng xoá một màu nước. Hai bên vùng trống đó là màu xanh của rừng ngập mặn càng tạo nên sự tương phản.

Ông Nguyễn Văn Cương (hộ dân thuê đất đầm bãi trong Cồn Xanh để nuôi trồng thuỷ sản) cho biết: khu vực trống hoác đó trước kia là rừng ngập mặn của Dự án chữ thập đỏ. Từ khi có tàu hút cát san lấp, vạt rừng nói trên bỗng nhiên bị biến mất.

“Chúng tôi ăn ngủ đầm bãi ngoài này bao nhiêu năm, chỗ nào có cây, chỗ nào không có cây chúng tôi đều thuộc. Khu vực tiếp giáp cửa sông nơi có tàu hút, tôi khẳng định là rừng ngập mặn đã bị phá huỷ” – ông Cương cho hay.

Theo ông Cương, phần diện tích rừng ngập mặn “bị biến mất” khoảng 2ha. Cây bị nhổ bỏ lên, thuỷ triều cuốn đi, dễ dàng xoá dấu tích.

Chứng thực những lời ông Cương khẳng định, khu vực ngoài cửa sông, những đám cây chưa bị sóng cuốn vẫn còn lập lờ trên mặt nước. Kế bên là chiếc tàu hút cát công suất “khủng” vẫn miệt mài làm việc.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định cho biết, chủ đầu tư cam kết không xâm hại đến bất kỳ một cây nào trong rừng phòng hộ; cam kết tuyệt đối bảo vệ môi trường biển. Dự án của Tập đoàn Xuân Thiện cũng không lấy 1m2 rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin phản ánh của PV, lãnh đạo Kiểm lâm Nam Định cho biết “sẽ thành lập tổ công tác đi thực tế, kiểm tra xử lý ngay lập tức”.

Với những gì đang đe doạ môi trường sinh thái biển, câu trả lời cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định!

"Quy hoạch phải dài hạn, tối kỵ huỷ bỏ, điều chỉnh giữa chừng"

Một quy hoạch phải đảm bảo yêu cầu lâu dài cho những người thực hiện quy hoạch, để họ được hưởng lợi và yên tâm. Thay đổi quy hoạch xoành xoạch là một điều tối kỵ, không có nước nào làm như thế cả.

Việc điều chỉnh quy hoạch cần phải trả lời rõ các câu hỏi: vì sao thay đổi quy hoạch; trình tự thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đó như thế nào; lợi ích của quy hoạch đó cho ai, vì lợi ích cho tư nhân hay là nhu cầu của cơ quan quản lý… Cần thời gian để phân tích chứ không thế nói điều chỉnh là điều chỉnh ngay được.

Ngoài ra, việc thay đổi mục tiêu từ phát triển kinh tế thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản sang mục tiêu công nghiệp trong đó chấp thuận các dự án ngành nghề Dệt nhuộm; sản xuất cấu kiện bê tông; sản xuất thép quy mô lớn… tại khu vực ven biển đều hết sức nhạy cảm với môi trường.

Đối với việc lập quy hoạch ven biển càng phải hết sức thận trọng, bởi nó sẽ tác động lên môi trường biển. Việt Nam đã có cam kết là bảo vệ, giữ cho môi trường biển trong sạch.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Bình luận