Cần Thơ đưa nhiều nghiên cứu, công nghệ mới ra sản xuất

Bình luận · 233 Lượt xem

Với lợi thế tập trung nhiều đơn vị khoa học, đào tạo của vùng ĐBSCL, Cần Thơ có cơ hội thuận lợi để sớm đưa nhiều nghiên cứu, công nghệ ra sản xuất.

Hoạt động nghiên cứu lai tạo giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Hoạt động nghiên cứu lai tạo giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

TP Cần Thơ với vị trí thuận lợi là trung tâm vùng ĐBSCL nên tập trung nhiều đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và có nhiều thuận lợi trong chuyển giao, ứng dụng phát triển công nghệ cho cả khu vực. Trong đó nổi bật là các công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ…

Tại Viện Lúa ĐBSCL, một trong những thành tựu nổi bật là đã nghiên cứu, chọn tạo ra hàng chục giống lúa mới cao sản ngắn ngày chuyển giao ra sản xuất có hiệu quả khắp vùng ĐBSCL. Tại vùng ĐBSCL, trong 12 giống được trồng phổ biến nhất từ năm 2000 đến nay đã có 10 giống do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo là OM1490, OM4498, OMCS2000, OM2517, OM4088, OM3536, OM4218, OM4900, OM6162 và OM6976.

Các giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo được nông dân trồng phổ biến ở các vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên (chiếm 37,68%), vùng Đông Nam Bộ (chiếm 45,38%) và đặc biệt ở ĐBSCL chiếm trên 80% diện tích gieo trồng. 

Tại Trường Đại học Cần Thơ, sau thời kỳ thực hiện nghiên cứu bảo tồn các giống lúa và giống cây trồng bản địa, đưa ra các giải pháp ứng dụng bảo vệ thực vật hiệu quả, Trường đã thực hiện nghiên cứu khoa học mở rộng nhiều lĩnh vực mang tính đa ngành. Những năm gần đây, Trung tâm Dịch vụ Khoa học Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) đã có nhiều hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và chuyển giao khoa học công nghệ.

Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu kết quả nghiên cứu, chuyển giao các giống lúa triển vọng xuất khẩu. Ảnh: Hữu Đức.

Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu kết quả nghiên cứu, chuyển giao các giống lúa triển vọng xuất khẩu. Ảnh: Hữu Đức.

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Khoa học Nông nghiệp thông báo đã nhận nghiên cứu cũng như chuyển giao các quy trình công nghệ liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm là chuyển giao quy trình sản xuất khô cá, chà bông, các sản phẩm từ trái gấc, sim, khóm, chuối, xoài... Trung tâm cũng chuyển giao quy trình sản xuất nấm dược liệu đông trùng hạ thảo; chuyển giao quy trình nhân giống cây trồng bằng phương pháp cấy mô (hoa lan các loại, khóm, chuối); chuyển giao quy trình sản xuất một số loại rau có giá trị kinh tế cao như dưa lê, dưa lưới, cà chua, rau thủy canh; chuyển giao quy trình sản xuất các loại cây trồng như sầu riêng, xoài, cây có múi; chuyển giao các quy trình chăn nuôi quy mô nông hộ cũng như chăn nuôi công nghiệp như chăn nuôi heo, gà, vịt...

Trung tâm Dịch vụ Khoa học Nông nghiệp cũng đã thực hiện liên kết, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cùng với các địa phương trong vùng ĐBSCL trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững. Điển hình như nghiên cứu và chuyển giao thành công quy trình sản xuất mắm cá trắm cỏ và rượu gạo Ngan Dừa; các quy trình sản xuất nông nghiệp trên rau màu, nấm rơm, cây ăn trái, thủy sản... Tại TP Cần Thơ, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ điện di Protein thực hiện phục tráng giống lúa Jasmine cho Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ...    

 
Bình luận