Gia đình chính sách có nguy cơ 'đứng đường' sau thu hồi đất

Bình luận · 475 Lượt xem

Mảnh đất từ thời các cụ, nhiều thế hệ đã sinh sống ổn định nay thành đất quản lý của xã khiến một gia đình chính sách nguy cơ 'đứng đường' sau thu hồi đất.

Phương án hỗ trợ gây "sốc" 

Ngày 31/3/2023, UBND huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) có Quyết định thu hồi diện tích 1461,7m2 đất của hộ bà Nguyễn Thị Thắng (thôn Bãi Cát, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên) để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Bắc Sông Cấm tại xã Dương Quan.

Khu nhà đất gia đình bà Thắng ở thôn Bãi Cát, xã Dương Quan, nằm trong diện thu hồi, giải tỏa. Ảnh: Cường Vũ.

Khu nhà đất gia đình bà Thắng ở thôn Bãi Cát, xã Dương Quan, nằm trong diện thu hồi, giải tỏa. Ảnh: Cường Vũ.

Quyết định của UBND huyện Thủy Nguyên, nêu rõ khu đất này do UBND xã Dương Quan quản lý. Theo dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây cối hoa màu, vật kiến trúc trên đất, ban đầu gia đình bà Thắng được nhận tổng số tiền là 1 tỷ đồng. Trong đó, tiền bồi thường chi phí đầu tư vào đất nông nghiệp là 16 triệu đồng, tiền cây cối hoa màu được 145 triệu đồng. Còn lại là ngôi nhà 1 tầng rộng 124m2 và các công trình phụ trợ được bồi thường 768 triệu đồng. 

Tuy nhiên, phương án sau này của huyện Thủy Nguyên đã thay đổi, cắt hết phần bồi thường cho ngôi nhà và công trình phụ trợ, giảm xuống chỉ còn 147 triệu đồng, không được hỗ trợ tái định cư.

Dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ ban đầu là 1 tỷ đồng. 

Dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ ban đầu là 1 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, phương án mới nhất giảm xuống chỉ còn 147 triệu đồng. Ảnh: Cường Vũ.

Tuy nhiên, phương án mới nhất giảm xuống chỉ còn 147 triệu đồng. Ảnh: Cường Vũ.

Cho rằng phương án hỗ trợ, bồi thường của chính quyền không thỏa đáng và không đúng đối tượng nên ngày 8/4/2023, bà Thắng có đơn kêu cứu, gửi Báo Nông nghiệp Việt Nam và UBND huyện Thủy Nguyên.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thắng cho biết: Năm 1987, tôi kết hôn với anh Nguyễn Văn Thủy (SN 1964), bố chồng tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Mừng (SN 1927, hi sinh 1966), mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Trinh (SN 1927, mất năm 2011). Sau kết hôn, chúng tôi sống tại nhà chồng ở thôn Bãi Cát, xã Dương Quan.

Theo bà Thắng, mảnh đất này từ thời các cụ (người đẻ ra bố mẹ chồng bà Thắng) là ông Nguyễn Văn Tắc (đã chết), cụ bà Lê Thị Duyên là Mẹ Việt Nam anh hùng (chết năm 1966) đã sinh sống ở đây.

Gia đình bà Thắng hiện đang thờ cúng mẹ Việt Nam anh hùng và hai liệt sĩ. Ảnh: Cường Vũ.

Gia đình bà Thắng hiện đang thờ cúng mẹ Việt Nam anh hùng và hai liệt sĩ. Ảnh: Cường Vũ.

Sau khi mất, cụ Tắc và cụ bà Lê Thị Duyên để lại đất cho các con quản lý, sử dụng. Hiện nay, gia đình bà Thắng đang thờ cúng 3 người theo chế độ nhà nước, một mẹ Việt Nam anh hùng và hai liệt sĩ tại căn nhà trong diện sắp giải tỏa ở thôn Bãi Cát, xã Dương Quan.

Mặc dù khu đất được nhiều thế hệ sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai và hàng năm có đóng thuế đất phi nông nghiệp nhưng đến giờ lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về việc này, bà Thắng cho hay: "Trước đây gia đình cũng nhiều lần làm đơn gửi chính quyền xã và huyện đề nghị cấp sổ nhưng không làm được, họ bảo đất này thuộc quản lý của xã".

Còn về căn nhà khang trang trên đất, bà Thắng cho biết gia đình xây từ năm 2018 và "khi xây không thấy xã nói năng gì, cũng không bị phạt".

Gia đình chính sách nguy cơ "đứng đường"

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, cán bộ địa chính xã Dương Quan cũng thừa nhận khu đất này đúng là từ thời các cụ cho đến bố mẹ chồng bà Thắng đã ở đây. Thời kỳ chiến tranh, gia đình đã từng di chuyển đi nơi khác sau đó quay về cải tạo đất, xây nhà để sinh sống. Đến năm 1972, khi lập bản đồ đo vẽ thì khu đất này lại không có đất thổ cư mà chỉ là đất nông nghiệp. Khoảng những năm 1991 đo vẽ, lập lại bản đồ cũng không có đất thổ cư, không có tên tuổi gì thể hiện đây là đất của gia đình bà Thắng.

"Bây giờ, khi có dự án vào, để xác lập nguồn gốc thì chính quyền phải đối chiếu với những giấy tờ đang có, đang quản lý. Biết là gia đình cũng thiệt thòi nhưng chúng tôi không thể lập khống cho gia đình được. Hiện xã đã kiến nghị lên huyện, xem xét lại chính sách hỗ trợ cho gia đình bà Thắng", vị cán bộ xã cho hay.

Hàng năm gia đình vẫn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Ảnh: Cường Vũ.

Hàng năm gia đình vẫn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Ảnh: Cường Vũ.

Trong khi gia đình bà Thắng vẫn đang khiếu nại thì ngày 12/4/2023, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ bà Nguyễn Thị Thắng do không chấp hành bàn giao đất đã thu hồi. Thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất từ ngày 20/4/2023.

Bà Nguyễn Thị Thắng cho rằng quyết định thu hồi đất của huyện Thủy Nguyên được ban hành trái pháp luật, bởi lẽ: bà Thắng không phải là chủ thể sử dụng đất hợp pháp mà đây là tài sản chung của các ông, bà gồm: Nguyễn Văn Mưng, Nguyễn Thị Reo, Nguyễn Thị Thông, Nguyễn Văn Thủy. Thửa đất có nguồn gốc là 4 ông, bà có tên nêu trên được nhận thừa kế theo pháp luật từ bố mẹ đẻ của các ông bà.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Reo, sinh năm 1959; bà Nguyễn Thị Thông, sinh năm 1961; ông Nguyễn Văn Thủy, sinh năm 1964 và ông Nguyễn Văn Mưng, sinh năm 1966. Khi sinh ra và lớn lên, các ông, bà đều sinh sống trên thửa đất này, không tranh chấp với ai. Do đó, UBND xã Dương Quan cho rằng thửa đất do UBND xã quản lý là không phù hợp với quy định pháp luật.

Liên quan đến vụ việc, Luật sư Nguyễn Văn Chung của Công ty Luật Bình Minh, phân tích: Ngày 31/3/2023, UBND huyện Thủy Nguyên ban hành Quyết định số 2423/QĐ-UBND "Về vệc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Bắc Sông Cấm tại xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên" đối với diện tích 1.461,7m2 với số tiền 149.868.000đ (Một trăm bốn mươi chín triệu, tám trăm sáu mươi tám nghìn đồng), Quyết định này xác định không đúng chủ thể người được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, là không phù hợp với quy định pháp luật.

Bình luận