Ở xã Yên Mỹ, cán bộ Lộc được xem là người tiên phong trong việc áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ vào sản xuất chè và cây ăn quả tại hộ gia đình. Bởi vậy khi Trung tâm Nghiên cứu - Khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) đề xuất thí điểm canh tác lúa theo hướng hữu cơ, ông Lộc đồng ý ngay. Sau đó, Đảng ủy, HĐND xã đã họp và thống nhất cao về đề án này. Thế nhưng khi họp triển khai mô hình cho bà con trong xã, tổ vận động gặp không ít khó khăn.
Năm ngoái, ông Lộc chủ trì vài cuộc họp tại thôn và xã về chuyên đề lúa hữu cơ, nhưng các hộ dân đều lắc đầu với ý tưởng này. “Nếu chuyển đổi từ trồng từ lúa sang cây màu khác thì họ đồng ý, nhưng nói làm nông nghiệp quy trình hữu cơ thì ai cũng thẳng thừng chối phắt. Một phần vì nông dân chưa biết quy trình canh tác lúa hữu cơ là gì. Một số hộ dân khác bán tín bán nghi về sản lượng (thấp) nên không mấy ai quan tâm. Có người bi quan đến mức, nếu mô hình thành công là may, còn thất bại thì dân phải gánh hậu quả. Tổ vận động phải đến từng nhà động viên người dân tham gia mô hình, nhưng họ ậm ờ rồi để đó”, ông Lộc chia sẻ.
Đến cuộc họp thứ 4, thời điểm sắp hết khung thời vụ của vụ mùa 2023, tổ vận động và cán bộ Viện Nông nghiệp Thanh Hóa trực tiếp xuống thôn để vận động và phổ biến chuyên môn, cách làm lúa hữu cơ cho bà con. Một mặt người dân đồng thuận triển khai mô hình, mặt khác ra điều kiện với lãnh đạo xã: Thứ nhất, phải cam kết bảo lãnh về năng suất, chất lượng lúa sản xuất hữu cơ; thứ 2, cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con; thứ 3, nếu canh tác lúa thất bại, cán bộ phải chịu hoàn toàn chi phí và đền bù năng suất như đã bảo lãnh cho dân…
Cán bộ Lộc là người có thâm niên làm công tác lãnh đạo nhưng chưa bao giờ bị người dân ra điều kiện với mình như như vậy. Mặc dù muốn tốt cho bà con, nhưng ông Lộc khi ấy có vẻ chạnh lòng. Trước bàn dân thiên hạ, ông Lộc đứng lên cam kết nhận “rủi ro chính trị" nếu mô hình trồng lúa hữu cơ không thành công. Cuộc họp hôm đó kết thúc, 57 hộ dân tại xã Yên Mỹ cùng ký vào cam kết tham gia canh tác lúa hữu cơ, kèm các điều kiện nêu trên.
Là người trực tiếp tham gia cuộc họp, TS Nguyễn Trọng Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) cho rằng, lý do khiến canh tác lúa theo quy trình hữu cơ chưa phổ biến là do tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận người dân. Do đó, muốn làm nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ thì phải giúp người dân thay đổi tư duy trong sản xuất.
“Nông dân đã quá quen thuộc với phương thức canh tác sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Tuy nhiên, việc lạm dụng các chất hóa học không những ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sinh thái và sức khỏe của người dân. Do vậy, cần tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích và quy trình canh tác lúa hữu cơ. Bên cạnh đó, để người dân yên tâm, tin tưởng, chúng tôi cam kết bảo lãnh năng suất, hỗ trợ phần chi phí tăng thêm do sản xuất theo quy trình hữu cơ và đảm bảo giá bao tiêu sản phẩm nên mọi người mới đồng ý tham gia”, ông Quyền chia sẻ.
Tôi băn khoăn đặt câu hỏi với ông Quyền: Làm nông nghiệp hữu cơ khó vậy, tại sao không liên kết với doanh nghiệp có tiềm lực, năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp để chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa hữu cơ thay vì phải vận động đến từng hộ? Ông Quyền đáp: “Vấn đề ở đây không phải là làm để trình diễn mô hình hay vì kinh tế. Mục đích của chúng tôi là muốn tác động và làm thay đổi nhận thức sâu rộng cho người dân về canh tác lúa hữu cơ, từ đó hướng tới phong trào toàn dân sản xuất lúa hữu cơ".
"Hiện nay, phần lớn diện tích canh tác lúa ở Thanh Hóa là do nông hộ sản xuất. Chúng tôi mong muốn xây dựng chuỗi liên kết giá trị giữa nhà nông - hợp tác xã - nhà khoa học và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để tạo ra một nền nông nghiệp sạch, bền vững. Sự tác động dây chuyền từ phía người dân sẽ giúp lan tỏa tích cực đến việc thực hiện canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Hay nói cách khác, muốn làm "cách mạng xanh" trong nông nghiệp thì chủ thể phải là nông dân”, ông Quyền nói.
Ý tưởng về cuộc “cách mạng xanh” trên đồng ruộng
Để chuẩn bị cho cuộc “cách mạng” làm thay đổi căn bản tư duy canh tác lúa, Trung tâm Nghiên cứu - Khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) đã phối hợp với UBND xã Yên Mỹ tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Cán bộ Lộc cho biết, giai đoạn chuẩn bị canh tác lúa áp dụng quy trình hữu cơ mất cả năm trời để khảo sát chân ruộng, đánh giá nguồn nước, đầu tư hệ thống thủy lợi, cho đến việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Hiện nay, xã Yên Mỹ đã đầu tư hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm hoặc lẫn tạp chất hóa học khi tưới cho lúa. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ dân ký cam kết phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa hữu cơ như: Không được sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, phân bón vô cơ, thuốc trừ cỏ, chất cấm trong sản xuất...
Cũng theo cán bộ Lộc, người dân khi tham gia mô hình rất sợ lúa sinh trưởng kém, bị nhiễm sâu bệnh, thậm chí mất trắng cả vụ nếu không sử dụng thuốc BVTV hóa học. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ hướng dẫn phun phòng trừ bệnh bằng chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên, người dân đều đồng tình hưởng ứng. Mặc dù thời gian sử dụng chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh kéo dài hơn nhưng đổi lại sức khỏe người dân và môi trường được đảm bảo.
Chị Hoàng Thị Liên (thôn Ổn Lâm, xã Yên Mỹ) có 3 sào lúa áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Vụ mùa năm 2023, gia đình chị không dùng bất kỳ loại phân bón vô cơ và thuốc hóa học nào để canh tác lúa, nhưng ruộng lúa vẫn cho năng suất cao.
“Mặc dù canh tác lúa hữu cơ còn mới, nhưng năng suất vụ mùa ước đạt từ 2,2 - 2,5 tạ/ha (ngang bằng, thậm chí vượt so với một số chân ruộng của các hộ liền kề không áp dụng quy trình hữu cơ). Tuy nhiên, vấn đề không phải là năng suất mà mong muốn của gia đình là làm ra sản phẩm gạo an toàn và chất lượng hơn phục vụ bản thân cũng như người tiêu dùng”, chị Liên chia sẻ.
Từ thành công bước đầu của mô hình canh tác lúa áp dụng quy trình hữu cơ, lãnh đạo UBND xã Yên Mỹ cho biết, trong vụ tới, toàn xã sẽ mở rộng diện tích lúa hữu cơ lên 50ha, tiến tới xây dựng sản phẩm lúa hữu cơ mang thương hiệu Yên Mỹ. Từ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, cán bộ Lộc cho rằng, để chuyển từ trồng lúa thông thường sang trồng lúa áp dụng quy trình hữu cơ là việc làm không đơn giản bởi đó là một quá trình đòi hỏi chính quyền địa phương, người dân phải thật sự quyết tâm và kiên trì với mục tiêu của mình.
Tại xã Tế Nông (huyện Nông Cống), mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên vùng đất sâu trũng có tiềm năng phát triển rươi được thực hiện từ năm 2022 đến nay trên diện tích 5ha, do Trung tâm Nghiên cứu - Khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) thực hiện. Nhiều nông dân trong xã phấn khởi vì canh tác lúa hữu cơ cho năng suất không thua kém sản xuất nông nghiệp đơn thuần như trước đây, trong khi họ lại có thêm nguồn thu khác từ chân ruộng là con rươi, con cáy...
Ông Phạm Trọng Đông ở thôn Hợp Nhất (xã Tế Nông) cho biết, đây là vụ thứ 3 gia đình ông canh tác lúa theo hướng hữu cơ, đem lại năng suất và thu nhập ổn định. “So với canh tác lúa đơn thuần, lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ đòi hỏi tăng thêm công chăm bón, nhưng đổi lại năng suất ổn định, chất lượng gạo sạch, ngon và đảm bảo môi trường trong lành. Bình quân mỗi bông lúa đạt từ 200 - 230 hạt, ít hạt lép. Năng suất trung bình đạt khoảng 2,5 - 3 tạ/sào tùy vào chân đất”, ông Đông cho biết.
Việc trồng lúa áp dụng quy trình hữu cơ không chỉ giúp gia đình ông và các nông hộ khác có thực phẩm sạch để sử dụng mà còn giúp nông dân có thêm thu nhập từ việc bán cáy, nuôi rươi trên đồng ruộng.
“Môi trường sạch giúp cho sinh vật phát triển với mật độ dày, đặc biệt là cua, cáy. Hiện nay, trung bình mỗi sào ruộng của gia đình tôi có thêm thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/năm từ tiền bán cáy. Thời gian tới, gia đình tôi dự kiến sẽ áp dụng canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ rươi để nâng cao hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích”, ông Đông chia sẻ.