Dấu hiệu sai phạm dự án xử lý sạt lở khẩn cấp ở Thái Nguyên

Bình luận · 877 Lượt xem

Dự án giá trị hơn 22 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng đã phát sinh nhiều vấn đề.

Khép hồ sơ đổ thải

Dự án “Sửa chữa đột xuất xử lý vị trí mất an toàn giao thông tại km34 – 35+200 QL.3C (Đèo So), địa phận tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn”, đoạn thuộc xã Quy Kỳ, huyện Định Hoá, do Sở Giao thông vân tải tỉnh Thái Nguyên (Sở GTVT) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, khi thi công sẽ hạ thấp mặt đường khoảng 10m và cắt nhiều khúc cua trên đèo So. Điều này cũng đồng nghĩa, có hàng chục ngàn mét khối đất thừa phải đào lên và chở đi bãi đổ thải do nhà thầu thoả thuận với người dân địa phương, được sự xác nhận của chính quyền địa phương và được sự đồng ý của chủ đầu tư. 

Lý thuyết thì là như vậy, nhưng khi thi công công trình thì nhà thầu là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam lại không thực hiện đúng hết những cam kết đó. Doanh nghiệp đổ đất thải vào diện tích nhà bà Hoàng Thị Tân, tại km33+930 – km34+100 với khối lượng 50.000 m3. Ngoài ra, một phần diện tích rừng rất lớn có thể lên tới hơn 1ha đã bị san lấp và thành chỗ đổ thải trái phép, kéo dài chạy dọc theo tuyến đường QL.3C khoảng hơn 200m.

af4b4f1d15e8c9b690f9

Doanh nghiệp thi công đổ đất thải vào diện tích nhà bà Hoàng Thị Tân, tại km33+930 – km34+100 với khối lượng 50.000 m3. Ảnh: Toán Nguyễn.

Làm việc chính quyền địa phương, ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ thông tin, việc doanh nghiệp san lấp, đổ thải, tác động vào đất rừng thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá. Còn về bãi đổ thải, doanh nghiệp đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ và làm việc với chủ đầu tư là Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên, UBND xã Quy Kỳ chỉ là đơn vị phối hợp.

Trong thời gian làm việc với ông Điển (lúc 13h50p, ngày 30/03/2023), đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam, là đơn vị thi công đến xin ông Điển ký biên bản xác nhân vị trí đổ đất thừa với mục đích khép hồ sơ để gửi cho chủ đầu tư. Nhưng ông Điển từ chối ký vào biên bản của doanh nghiệp, với lý do không được tham gia tiến hành xác nhận vị trí đổ đất thừa; Thứ 2 là tên ghi trong biên bản ở phần đại diện cho chính quyền địa phương là ông Luân Đức Quỳnh (Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ). Trong khi ông Quỳnh xin nghỉ ốm, không có uỷ quyền cho Phó Chủ tịch UBND xã ký thay nên không ký được; Thứ 3, thời gian ghi trong biên bản là ngày 10/05/2022, nhưng thực tế hiện tại là 30/03/2023, sai lệch mốc thời gian quá lớn (hơn 10 tháng).

2- Copy

Ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ (bên phải) từ chối ký vào biên bản xác nhận vị trí đổ thải của đại diện đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam (đứng bên trái); cùng biên bản với nhiều điểm bất thường. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngày 03/03, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam là đã làm việc với đại diện chủ đầu tư Dự án “Sửa chữa đột xuất xử lý vị trí mất an toàn giao thông tại km34 – 35+200 QL.3C (Đèo So), địa phận tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn” là ông Lê Ngọc Phớt, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên. Rất bất ngờ là ông Phớt lại trình ra biên bản xác nhận vị trí đổ đất thừa đã được chủ tịch UBND xã Quy Kỳ ký xác nhận. Sau khi phóng viên chứng minh là biên bản này mới được ký, thì ông Phớt đã có lý giải là trước ký rồi, nhưng một số điểm chưa đầy đủ, giờ ký lại cho chuẩn, đúng quy định.

Về phần đổ thải vào đất rừng, ông Phớt giải thích đó là phần diện tích đất đã được thu hồi để thực hiện dự án. Tuy nhiên ông không đưa ra được bất kỳ tài liệu nào chứng minh việc mình nói là đúng và đầy đủ căn cứ. Thậm chí, ông Phớt là người phụ trách trực tiếp dự án “Sửa chữa đột xuất xử lý vị trí mất an toàn giao thông tại km34 – 35+200 QL.3C (Đèo So) địa phận tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn”, nhưng lại không cung cấp được thông tin là dự án được bàn giao khi nào, giải ngân vốn ra sao?

4a20aaeaf11f2d41740e

Nhiều diện tích đất rừng bị đổ thải trái phép, kéo dài khoảng 200mchạy dọc theo tuyến đường đèo So. Ảnh: Toán Nguyễn

Theo Quyết định số 1918, ngày 13/04/2021của Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Quyết định phê duyệt Dự án “Sửa chữa đột xuất xử lý vị trí mất an toàn giao thông tại km34 – 35+200 QL.3C (Đèo So), địa phận tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn” là công trình bảo trì đường bộ và giao cho Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Tổ chức tư vấn lập dự án là Công ty CP tư vấn xây dựng giao thông Thái Nguyên; Tổng kinh phí thực hiện dự án là 22,365 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 18,688 tỷ đồng.

Công trình vừa đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố

Mặc dù công trình “Sửa chữa đột xuất xử lý vị trí mất an toàn giao thông tại km34 – 35+200 QL.3C (Đèo So) địa phận tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn” vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng đã phát sinh một số vấn đề có dấu hiện sai phạm. Ngoài việc đổ thải đã nêu ở trên, hiện nay người tham gia giao thông đi qua đoạn đường này cảm thấy lo sợ do vấn đề sạt lở, mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Đó là việc xuất hiện đoạn đường dài khoảng 100m trên đèo So bị sạt lở nghiêm trọng và đã vùi lấp 1/2 mặt đường, vùi lấp rãnh thoát nước. Có ít nhất 4 điểm sạt lở nằm cả 2 bên đường, mỗi điểm kéo dài từ 5 – 15m, ước tính hàng ngàn m3 đất đá sẵn sàng đổ ụp xuống bất cứ khi nào, thường trực đe doạ tính mạng của người tham giao thông.

Anh T, một nhân viên xe khách chạy tuyến Chợ Đồn (Bắc Kạn) – Định Hoá – Thái Nguyên nói: “Chúng tôi ngày nào cũng 2 lượt đi và về ở tuyến đường này, nên thấy việc đoạn đường vừa mới làm xong nhưng đã sạt lở, cảm thấy rất mất an toàn. Lúc nào cũng lo lắng là đi đến đoạn này thì bị sạt lở tắc đường không đi được, chưa kể là có thể đất sạt lở vùi lấp cả xe và hành khách. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý vấn đề sạt lở, để người dân cảm thấy an toàn khi đi lại qua đoạn đường này”.

cdb9d4108ce550bb09f4

Công trình mới đưa vào sử dụng từ năm 2023 đến nay, tuy nhiên đã xuất hiện sạt lở vùi lấp 1/2 mặt đường, đe doạ thường trực tính mạng người tham gia giao thông. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đại diện chủ đầu tư, ông Lê Ngọc Phớt (Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên) khẳng định việc sạt lở không liên quan tới quá trình xây dựng, đơn vị thi công làm đúng theo thiết kế, đảm bảo chất lượng. Chỉ giải thích là đường mới hạ taluy nên xảy ra như vậy và né tránh trả lời về nguyên nhân cụ thể xảy ra sạt lở. Để khắc phục, thì phía chủ đầu tư cũng đã có văn bản bảo cáo lên cấp trên xem xét, từ đó mới cân đối được nguồn kinh phí để xử lý.    

Theo thông tin từ ông Phớt, dự án được Công ty CP tư vấn xây dựng giao thông Thái Nguyên thực hiện việc tư vấn, thiết kế. Còn việc thẩm định thiết kế do Phòng Quản lý Chất lượng và An toàn giao thông (Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên)  thực hiện trực tiếp, sau đó được một đồng chí lãnh đạo Sở ký thẩm định.

Số tiền để khắc phục sự cố được dự báo có thể lên tới hàng tỷ đồng, vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại này?

Video đại diện đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam đến xin ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ ký biên bản bãi đổ thải để khép hồ sơ vào ngày 30/03/2023. Ảnh: Toán Nguyễn,

Bình luận