Hội nghị Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo lĩnh vực Trồng trọt - Bảo vệ thực vật

Bình luận · 203 Lượt xem

Ngày 22/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo lĩnh vực Trồng trọt - Bảo vệ thực vật. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội ngh??


Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Việt Nam thuộc nhóm nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt 53,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2021, trong đó, sản phẩm trồng trọt đạt 22,6 tỷ USD, tăng 2,88%. Tám tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản đạt 33,2 tỷ USD, trong đó, trồng trọt là 16,9 tỷ USD, chiếm khoảng từ 42-50% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Đảng - Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã khẳng định nông nghiệp Việt Nam không những là trụ đỡ, mà còn thực sự trở thành bệ đỡ của nền kinh tế nước nhà, trong hiện tại cũng như tương lai.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị

Trồng trọt là lĩnh vực quan trọng trong nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh dinh dưỡng quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh xung đột Nga - Ucraina ngày càng leo thang và kéo dài, lương thực toàn cầu đứt gãy chuỗi cung ứng, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm với an ninh lương thực thế giới, điển hình là xuất khẩu gạo, trong 8 tháng năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 5,81 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 21,4% so cùng kỳ năm 2022. Mức xuất khẩu này đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng lên gần 3,16 tỷ USD, tăng hơn 35,7% về giá trị.

Để có được những thành công trên, phải kể đến sự đóng góp vô cùng to lớn của KHCN, trong giai đoạn 2020-2023, các nhà khoa học của Việt Nam đã nghiên cứu tạo ra 148 giống cây trồng các loại được công nhận; 36 Tiến bộ kỹ thuật (TBKT) được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Hiệu quả sản xuất trên 01 đơn vị diện tích liên tục tăng qua các năm, trong đó giá trị 01 ha đất trồng trọt năm 2022 đạt 104,2 triệu đồng/ha, tăng 0,6% so với năm 2021. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Trong cuộc cách mạng này, KHCN vẫn là then chốt, theo ước tính, KHCN đã đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua. Chính nhờ KHCN mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước.

Hội nghị tập trung thảo luận và làm rõ những thành tựu về lĩnh vực Trồng trọt - BVTV Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2020-2023, trong đó có tính cả những thành tựu kế thừa. Các đại biểu đã phân tích, đánh giá, thảo luận những vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt, những thách thức trong nghiên cứu và chuyển giao TBKT trong lĩnh vực TT-BVTV, xác định được nguyên nhân và định hướng nghiên cứu, chuyển giao.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất với Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, chuyển giao, kể cả những bất cập về cơ chế chính sách, quản lý, đầu tư, hợp tác và chia sẻ lợi ích từ hoạt động nghiên cứu…

Một số hình ảnh Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS)/Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam (IAS)

HNN (tổng hợp)

Bình luận