Sản xuất lúa - tôm với việc sử dụng ít phân, thuốc bảo vệ thực vật đang được phát triển mạnh ở vùng bán đảo Cà Mau - Ảnh: CHÍ QUỐC
Nhiều nông dân ĐBSCL thừa nhận đây là "thời cơ vàng" để thay đổi tư duy sản xuất, giảm phân, thuốc trong bối cảnh "bão giá" như hiện nay. Sản xuất lúa dựa vào phân hữu cơ, phân vi sinh để giảm giá thành, nâng cao thu nhập là giải pháp đang được nhiều nông dân quan tâm, chuyển đổi.
Nông dân thắng lớn với lúa sạch
Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, nông dân Vĩnh Long và Cần Thơ đã thắng lớn với mô hình sản xuất lúa gạo sạch, không sử dụng phân, thuốc vô cơ. Cùng với sự tham gia của "4 nhà" theo hướng hữu cơ, nhiều nông dân đã sản xuất các loại nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Với mô hình này, nhiều nông dân bắt đầu làm quen với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học trên cây trồng, giảm lượng thuốc hóa học.
Ông Nguyễn Văn Nhiều (ngụ xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết gia đình ông có 9ha và tham gia mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học được 8 năm nay. "Khi nông dân mới sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ không thấy ngay hiệu quả trước mắt như thuốc hóa học. Phải trải qua một, hai ngày thuốc mới có tác dụng. Với kinh nghiệm của tui, sử dụng thuốc sinh học thường sẽ dự đoán được trước nên việc phòng sâu bệnh sẽ đạt hiệu quả rất cao" - ông Nhiều chia sẻ.
Trong khi đó, ông Dương Văn Thành - giám đốc HTX nông nghiệp Tân Tiến (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) - cho biết sau hơn ba năm thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo sạch, không sử dụng phân vô cơ và thuốc BVTV, số lượng thành viên của HTX được mở rộng từ 33 lên 82 với diện tích canh tác làm lúa gạo sạch khoảng 45ha. "Năng suất những vụ đầu chỉ đạt 3,8 tấn/ha, nhưng vụ đông xuân vừa qua đạt bình quân gần 8 tấn/ha. Thành viên và nông dân trong vùng sản xuất đều trúng đậm" - ông Thành cho biết.
Đặc biệt, HTX nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) đã rất thành công khi tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, từ liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa hữu cơ và dịch vụ cấy lúa bằng cơ giới. Theo ông Ðoàn Văn Tài, giám đốc HTX Tấn Ðạt, bí quyết thành công là tìm ra cách khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán cũng như tập quán canh tác lạc hậu, không theo một quy trình sản xuất thống nhất nào của người nông dân.
Tham gia HTX Tấn Đạt, nông dân sẽ được định hướng tư duy sản xuất an toàn, hướng đến sản xuất sạch nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, mở hướng đi bền vững cho cây lúa, hạt gạo. Từ đó, những nông dân tham gia thành viên sẽ bán được lúa với số lượng lớn, HTX sẽ đồng loạt mua lúa với một giá ổn định. Ngoài ra, các xã viên còn tổ chức lịch xuống giống, thu hoạch cụ thể, gắn kết các doanh nghiệp bao tiêu.
"Nông dân tham gia HTX sẽ ký hợp đồng giao đất cho HTX sản xuất với giá 2 triệu đồng/công/vụ. Sau đó, nông dân ký lại hợp đồng với HTX để phối hợp làm các công đoạn trong sản xuất theo hướng tập trung, chuyên nghiệp. Nhờ chuyện này nên cùng một thửa đất, người nông dân có nhiều thu nhập hơn" - ông Tài nói.
Cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi
Là người phát hiện và lai tạo ra giống lúa huyết rồng nổi tiếng hiện nay, từ năm 2020 đến nay, ông Năm Đấu (Lê Văn Đấu, 75 tuổi, ngụ xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) không còn sản xuất lúa theo kiểu thông thường như bao nông dân vùng Đồng Tháp Mười nữa mà chuyển sang sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ để trồng lúa huyết rồng theo hướng sạch, an toàn hơn để cung cấp ra thị trường.
Với 10ha lúa huyết rồng tự trồng, tự thu hoạch và mang về xay xát và cung cấp ra thị trường, ông Đấu cho biết gạo huyết rồng và bột gạo huyết rồng của ông đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao của Đồng Tháp. Theo ông Đấu, chuyển sang sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất lúa khác hoàn toàn với sản xuất lúa bình thường, đặc biệt là khâu theo dõi đồng ruộng rất quan trọng bởi nếu phát hiện trễ sẽ xuất hiện nhiều bệnh trên lúa.
Cũng theo ông Đấu, chuyển sang phân hữu cơ là điều tất yếu do giá phân bón thế giới biến động mạnh. Nếu chuyển đổi nhanh, nghiên cứu kỹ sẽ có năng suất cao, lợi nhuận "ngon lành" hơn. "Tôi nghĩ bà con nông dân phải tự cứu mình, làm sao cho chi phí sản xuất thấp xuống. Tôi làm tiết kiệm hơn bà con nhiều lắm, nếu bà con sản xuất phân vô cơ trên 2 triệu đồng/công thì tôi chỉ tốn 1,5 triệu đồng tiền phân để sản xuất lúa thôi" - ông Năm Đấu nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) - cho rằng việc sử dụng thuốc BVTV sinh học trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, khi ký kết hợp đồng với các nước có yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm sẽ được chấp nhận ngay. Người dân sử dụng thuốc BVTV sinh học cũng không bị ảnh hưởng sức khỏe.
Cũng theo ông Trung, việc sử dụng phân và thuốc sinh học có thể chưa mang lại hiệu quả trong mùa vụ đầu nhưng năng suất và lợi nhuận ngày càng tăng trong những mùa vụ sau đó. "Thay vì dùng thuốc hóa học sẽ có năng suất ngay, nhưng chi phí khác phải bỏ ra là rất lớn, chưa kể gây ảnh hưởng môi trường. Việc sử dụng phân, thuốc sinh học sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực về lâu về dài", ông Trung khẳng định.
Ông Lưu Văn Tiến - phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông (Đồng Tháp) - cũng cho rằng đây là "thời cơ vàng" để vận động nông dân chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ, lúa sạch vì giá phân bón đang tăng "không phanh". Tuy nhiên, giấy chứng nhận VietGAP và GlobalGAP chỉ có hiệu lực vài năm rồi phải cấp lại, chi phí sản xuất của nông dân bị đội lên. "Do đó Nhà nước và doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ nông dân làm lúa hữu cơ nhằm khuyến khích nông dân tham gia sản xuất hữu cơ", ông Tiến nói.
"Sản xuất sạch - Nông dân khỏe - Giá trị cao"
Hôm nay (22-4), tại hội trường Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Tam Nông (Đồng Tháp) diễn ra tọa đàm "Sản xuất sạch - Nông dân khỏe - Giá trị cao" do báo Tuổi Trẻ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Công ty CP phân bón Bình Điền phối hợp tổ chức. Ngoài những đại biểu tham dự trực tiếp, ban tổ chức cũng sẽ kết nối trực tuyến để truyền tải nội dung buổi tọa đàm với 60 điểm cầu hội quán nông dân toàn tỉnh Đồng Tháp.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp sẽ chia sẻ về những yêu cầu của thị trường xuất khẩu lúa và nông sản hiện nay. Đại diện Công ty CP phân bón Bình Điền sẽ trình bày những phương pháp tiên tiến áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, tái tạo dinh dưỡng cho đất… Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng trao đổi với các đại biểu liên quan đến định hướng sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL với mục tiêu hướng tới một nền nông nghiệp "sản xuất sạch - nông dân khỏe - giá trị cao".
C.QUỐC
* Ông Phan Văn Tâm (giám đốc marketing Công ty CP phân bón Bình Điền):
Cần hiểu đúng, sử dụng đúng phân vô cơ
Các chất hữu cơ như là một kho chứa phân bón, được cây trồng hấp thụ sau khi được chuyển hóa thành các chất vô cơ. Do vậy, bà con nông dân cần phải hiểu đất đai của mình là đất trũng hay gò, đất có thoát nước hay không để sử dụng phân hữu cơ một cách hợp lý.
Đất lúa ĐBSCL không thiếu hàm lượng hữu cơ. Kết quả phân tích đất tại 26 mô hình trong "Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Bình Điền cho thấy hàm lượng hữu cơ rất cao nhưng cây lúa chưa sử dụng được bởi chưa được khoáng hóa. Vì vậy muốn sử dụng hiệu quả phân hữu cơ, nông dân cần nắm vững kiến thức về phân bón hữu cơ, hàm lượng hữu cơ, tỉ lệ C/N (chỉ số đánh giá tốc độ phân hủy chất hữu cơ sau khi chúng được bón xuống đất)... Đặc biệt, cần phải cho đất nghỉ, cày ải phơi đất để cho các chất hữu cơ trong đất được khoáng hóa, nếu không sẽ làm cho lúa bị ngộ độc hữu cơ.
Thời gian qua, Công ty CP phân bón Bình Điền đã triển khai sản phẩm hữu cơ với phân bón Đầu Trâu khá tốt. Tuy nhiên, phải cân đối giữa hữu cơ và vô cơ, trong đó hữu cơ làm nền cho vô cơ để cây hấp thu được hiệu quả. Ngược lại, vô cơ sẽ giúp phân hủy chất hữu cơ được tốt hơn. Tóm lại, để đảm bảo sản xuất hiệu quả, bền vững và an toàn thì cần sử dụng hợp lý, cân đối giữa vô cơ và hữu cơ.