Nâng cao chất lượng nông sản Việt - Kỳ 3: Không thể không sản xuất sạch

Bình luận · 250 Lượt xem

TTO - Sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ là xu thế khách quan và tất yếu mà nông dân, doanh nghiệp VN phải thực hiện nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng nội địa khi đời s??

Tuy nhiên, nông dân không thể chuyển sang sản xuất hữu cơ ngay mà phải có lộ trình theo hướng cận hữu cơ, loại trừ triệt để nông dược để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)rồi dần chuyển sang hữu cơ với sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp tham gia buổi tọa đàm "Sản xuất sạch - Nông dân khỏe - Giá trị cao" - do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) vào ngày 22-4, với sự đồng hành của Công ty CP phân bón Bình Điền.

Thị trường đòi hỏi cao

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Phong Phú - giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T, đơn vị đang xuất khẩu mạnh vào thị trường của Mỹ nhiều mặt hàng trái cây tươi (như chôm chôm, vú sữa, vải, nhãn, xoài...) - cho biết thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nông sản.

Trong đó, việc kiểm soát chất lượng và dư lượng thuốc BVTV được thực hiện theo yêu cầu của khách hàng với tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, khi kiểm tra chất lượng của trái cây, phía Mỹ sẽ kiểm tra luôn vỏ. Vì vậy, việc cách ly sử dụng thuốc BVTV là vấn đề quan trọng. Nếu cách ly không đúng thời gian sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng xuất khẩu.

Ngoài xuất khẩu, theo ông Phú, doanh nghiệp này cũng đã xây dựng chuỗi 30 cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM, hỗ trợ cho các hợp tác xã, bao tiêu các sản phẩm cho bà con nông dân. Sắp tới công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến sâu các loại trái cây và đông lạnh để mong hỗ trợ được cho bà con nông dân trong việc bao tiêu đầu ra, có lợi nhuận trong khi sản xuất nông sản sạch, đảm bảo chất lượng nguồn hàng.

Ông Nguyễn Chánh Trung, phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, cho biết sau khi kết nối với thị trường EU và Nhật Bản vào năm 2021, đến nay doanh nghiệp này đã xuất những lô hàng đầu tiên sang Đức, Thụy Điển và mới đây là Nhật Bản. 

Theo ông Trung, mỗi khi các nước nhập khẩu kiểm tra tại cảng đến là doanh nghiệp "lên ruột vì sợ hàng không đạt". Vì vậy, ông Trung cho biết tại một số tỉnh, công ty đã tổ chức những buổi hội thảo chia sẻ để bà con nông dân khi canh tác loại trừ một số chất độc hại nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Ông Lâm Thành Kiệt, giám đốc điều hành Công ty TNHH Trịnh Văn Phú, cũng cho biết sản phẩm gạo dinh dưỡng của doanh nghiệp này đã vào được thị trường Áo và Pháp. Trong tháng 3 và 4-2022, doanh nghiệp này cũng đã ký hợp đồng với đối tác ở thị trường Hà Lan và đang đàm phán với đối tác muốn độc quyền đưa gạo hữu cơ vào thị trường Mỹ. 

"Chúng tôi đang bao tiêu lên đến 2.000ha ở ĐBSCL, với điều kiện bà con làm theo quy trình của chúng tôi", ông Kiệt cho biết.

Nâng cao chất lượng nông sản Việt - Kỳ 3: Không thể không sản xuất sạch - Ảnh 2.

Các đại biểu dự tọa đàm tham quan cánh đồng sản xuất theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Nông vào sáng 22-4 - Ảnh: CHÍ QUỐC

An toàn, sạch rồi tới hữu cơ

Dù đều ủng hộ một nền nông nghiệp hữu cơ nhưng nhiều đại biểu thừa nhận rằng đây là việc còn rất lâu mới có thể đạt được. Do đó, theo ông Nguyễn Chánh Trung, không nên đòi hỏi phải "lên" hữu cơ ngay bởi nếu giá bán cao quá thì người tiêu dùng không tiếp cận được. 

"Chúng ta không đặt mục tiêu ngay từ đầu lên hữu cơ mà nên canh tác theo hướng cận hữu cơ, loại trừ triệt để nông dược để lại dư lượng rồi dần chuyển sang hữu cơ. Hầu hết các tổ chức nước ngoài làm chương trình với doanh nghiệp đều quan tâm chương trình bền vững, giảm vô cơ, tăng hữu cơ lên", ông Trung nói.

GS.TS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ) cũng bày tỏ sự tán đồng với quan điểm hướng tới nền sản xuất hữu cơ nhưng phải có lộ trình, làm từng bước, không thể "nhảy một cái lên hữu cơ liền" bởi nông dân sẽ không tham gia do năng suất thấp, chưa kể đầu ra cho sản phẩm hữu cơ còn rất khó khăn. 

"Tôi mong rằng nông dân từng bước sản xuất sạch, trước hết là an toàn cho gia đình, cho cộng đồng mình, sau đó doanh nghiệp xuất khẩu cũng an tâm, không lo hàng bị trả về", ông Xuân bày tỏ hy vọng.

Ông Lê Quốc Phong - phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ - cũng cho rằng sản xuất sạch đã là một vấn đề, sản xuất hữu cơ còn khó khăn hơn nữa, nên cần sự hỗ trợ của Nhà nước bởi vì bà con nông dân với nhà khoa học không giải quyết được. 

Chẳng hạn, để xây dựng các cửa hàng phân loại riêng sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ từ khu vực bán hàng là chuyện không đơn giản nếu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Phong, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả số tiền cao gấp 1,5 - 2 lần cho sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ nhưng vấn đề là làm sao để người tiêu dùng tin tưởng đó thật sự là sạch, thật sự là hữu cơ. Vì vậy, vấn đề là quản lý thế nào, Nhà nước có cơ chế cho bà con nông dân làm sản phẩm sạch và không bị lỗ, thậm chí làm chỉ 5 tấn thôi nhưng giá trị phải bằng 10 tấn.

"Bà con làm theo hướng an toàn trước, sau đó tới sạch, rồi sau đó tới bước hữu cơ. Về mặt lâu dài có thể không cần Nhà nước hỗ trợ về thị trường, nhưng lúc chưa có gì thì cần phải hỗ trợ. Nếu không có sự hỗ trợ này, bà con nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu chúng ta bàn cũng chỉ là bàn mà thôi", ông Phong đề xuất.

- Ông Lê Văn Thiệt (cục phó Cục Bảo vệ thực vật):

Siết nhập khẩu, phân phối thuốc BVTV

Chúng tôi đang siết chặt từ việc đăng ký đến nhập khẩu và phân phối thuốc BVTV, ưu tiên cho các loại thuốc sinh học cũng như các loại thuốc thế hệ mới ít gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường.

Và định kỳ theo quý hoặc 6 tháng sẽ có kỹ sư kiểm định chất lượng, có hội đồng tư vấn rà soát các loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái môi trường để loại bỏ dần ra khỏi danh mục các loại thuốc đang lưu hành hiện nay.

Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã loại 14 hoạt chất thuốc BVTV với 1.706 sản phẩm nằm trong nhóm độc I và II theo phân loại của WHO và một số loại thuốc có thời gian cách ly trên 14 ngày. Đến nay, đa số thuốc trong danh mục đều nằm trong nhóm III, IV và có thời gian cách ly dưới 14 ngày.

Về quản lý thuốc nhập khẩu, khi còn ngoài cảng, các doanh nghiệp phải đến làm thủ tục tại các cơ quan kiểm định được Cục BVTV cho phép chỉ định, kiểm tra chất lượng đầu vào đạt đúng quy định mới cho đem về nhà máy và phân phối ra thị trường.

- Ông Ngô Văn Đông (tổng giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền):

"Sản xuất sạch" là xu thế khách quan

Từ thập niên 1990, năng suất lúa gạo tăng đột biến, VN từ một đất nước nghèo, nhập khẩu đã trở thành một đất nước xuất khẩu, trong đó phân bón vô cơ đóng một vai trò rất quan trọng. Nhưng khi cuộc sống phát triển, nhu cầu của con người về sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn là chính đáng, đặc biệt là khi chúng ta tham gia vào thị trường quốc tế.

Thực tế cho thấy nông nghiệp vô cơ vẫn chiếm một tỉ trọng rất lớn trên thế giới, vấn đề là chúng ta sản xuất như thế nào ra sản phẩm an toàn. Chúng tôi đang tìm cách làm sao nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón trên đồng ruộng để giảm lượng phân phải bón xuống, qua quy trình đó sẽ giảm được lượng giống và cây khỏe, phát triển tốt thì giảm được cả thuốc BVTV.

Và qua đó năng suất cao, có hiệu quả kinh tế, nói cho cùng đây mới là cái quan trọng đối với nông dân. Tôi cho rằng "sản xuất sạch, nông dân khỏe, giá trị cao" là một xu thế khách quan, chúng ta không thể không đi mà phải đi từng bước, từng bước.

Ông Lê Quốc Điền (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp):

Mong bà con kiên trì

Đồng Tháp đã xây dựng mã vùng trồng, năm 2022 dự kiến chiếm 30% số mã vùng trồng và quy hoạch cụ thể cho từng loại cây xuất đi thị trường nào. Với thị trường EU, chúng tôi đang đứng trước thềm sản xuất theo hướng hữu cơ.

Thực hiện mô hình trên cây lúa bằng cách giảm thuốc phun trên đồng, sử dụng phân vi sinh để phân hủy các chất độc tồn. Sau 12 tháng, khi đủ điều kiện, sẽ tiến hành sản xuất hữu cơ.

Đây là hành trình gian nan, mong bà con kiên trì. Nếu bà con nào đạt được chứng nhận EU thì sẽ được trả phí môi trường 3%, tạo nguồn làm đường sá cho con em có điều kiện học tập tốt hơn, tạo môi trường đáng sống, từng bước tạo cho người nông dân đi đúng hướng.

Chúng tôi cũng dự kiến mời chuyên gia Nhật Bản chuyên nghiên cứu về đất sang hỗ trợ. Độ pH trong đất đang vào khoảng 4 - 4,5, sẽ nâng lên 6 nhằm tiết kiệm 30% lượng phân bón vào đất. Chất lượng đất quyết định 80% thành công của việc sử dụng phương pháp hữu cơ.

Bình luận