Thử nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ trên cây chè
Xã Phú Nhuận có hơn 177 ha chè tập chung, chủ yếu là các giống chè Lai 1, Lai 2 và Bát Tiên. Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi các hình thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hướng tới mục tiêu tạo ra sản phẩm chè có chất lượng, an toàn, có hiệu quả năng suất cao.
Người dân trồng chè xã Phú Nhuận đang dần thay đổi thói quen canh tác, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, tuy nhiên, kết quả thực sự chưa được cao, chưa mạnh dạn đầu tư. Người dân xã Phú Nhuận chủ yếu sử dụng phân bón NPK trong canh tác. Do đó, cây chè khi được khai thác nhiều năm khiến cho năng suất chè ngày càng giảm dần và không ổn định, cây vàng yếu, dễ bị nấm và sâu bệnh. Đất đai có nguy cơ cao bị suy thoái, mọc nhiều rêu, bạc màu do sử dụng phân vô cơ lâu năm.
Xuất phát từ thực tế đó, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã triển khai mô hình thí điểm sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi trên cây chè tại 3 thôn Nhuần 1, Nhuần 4, Phú Hải 2, xã Phú Nhuận, với diện tích 9,2 ha. Mô hình được triển khai từ tháng 7/2023, nhằm giới thiệu cho bà con nông dân về sản phẩm phân bón hữu cơ Lucavi, dòng Organic Fish, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho cây chè.
Thời gian thử nghiệm lần đầu sau 30 ngày sử dụng phân bón hữu cơ trên cây chè tại xã Phú Nhuận để tạo cơ sở tiếp tục đánh giá hiệu quả trong quá trình canh tác, chế biến và khẳng định các chỉ số có lợi.
Công ty TNHH Lucavi hỗ trợ 100% chi phí phân bón hữu cơ cho 14 hộ dân sử dụng cho cây chè, với diện tích tối đa 2ha. Hỗ trợ 50% chi phí phân bón hữu cơ Lucavi cho diện tích 7,2ha. Ngoài ra, Công ty TNHH Lucavi sẽ đồng hành cùng Hội Nông dân huyện hướng dẫn bà con nông dân hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc giúp diện tích chè kiểm nghiệm đạt được năng suất cao.
Năng suất tăng 4 tạ sau khi sử dụng phân bón hữu cơ trên cây chè
Tại các lô chè phun Organic Fish, cây chè phát triển nhanh sau 7 ngày phun, búp phát triển nhanh, dài và mập và xanh hơn so với không dùng, lá và búp bung phẳng để đón ánh sáng, vi chất tự nhiên.
Khoảng cách mỗi lứa được rút gọn, các lứa chè trước phải mất 40 - 45 ngày để thu 1 lứa (với chè cắt máy) thì sau khi phun Organic Fish chỉ mất 30 - 35 ngày bà con đã có thể thu hoạch 1 lứa. Do vậy, giúp bà con thu hoạch được nhiều hơn ít nhất 1 lứa trong năm, giúp tăng năng suất đáng kể (khoảng 130-135%) trên tổng diện tích chè khi sử dụng Organic Fish.
Điểm hình như, tại đồi chè của gia đình ông Đỗ Thanh Long và các hộ thực hiện phun Organic Fish tại thôn Phú Hải 2, diện tích khoảng 2,5ha. Lứa trước không phun chỉ thu 8 tạ chè búp tươi, lứa sau phun chế phẩm Organic Fish thu được 1,2 tấn chè búp tươi (tăng 4,0 tạ so với trước).
Ông Đỗ Thanh Long, thôn Phú An 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng chia sẻ: Khi gia đình tôi sử dụng phân bón hữu cơ trên cây chè thì búp chè tươi đẹp, thời gian thu hoạch ngắn hơn. Nếu như trước bón các loại phân khác phải mất thời gian 40 - 45 ngày mới thu 1 lứa nhưng bón phân này rút ngắn xuống được 8 ngày.
Còn ông Hoàng Trọng Ký, xã Phú Nhuận, người đã có thời gian gắn bó với cây chè được 20 năm nay, phấn khởi nói: Việc chăm sóc cây chè khi tuổi càng cao thì càng khó phát triển, khi gia đình tôi được hỗ trợ thí điểm sử dụng phân bón hữu cơ, sau 1 thời gian cho búp chè xanh, nếu trước đây phải mất 45 ngày mới cho thu hoạch chè búp tươi thì hiện giảm còn 35 ngày đã cho thu hoạch.
Theo đánh giá bước đầu, khi sử dụng phân bón Lucavi trên cây chè khỏe hơn, ít nấm bệnh, lá và búp dẻo và xanh. Khoảng cách giữa mỗi lứa được rút gọn, giúp bà con giảm công chăm sóc và tăng năng suất cây trồng, sẽ thu được nhiều hơn ít nhất 1 lứa chè/năm.
Về mức đầu tư cho 1 ha sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi để chăm sóc chè an toàn, hướng hữu cơ chỉ tốn khoảng 8,4 triệu đồng/năm; giảm chi phí hơn so bón phân vô cơ khoảng từ 28 - 30 triệu đồng/ha/năm.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 10 – NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về "Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch để triển khai đến Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã liên quan đến các cây trồng chủ lực, đặc biệt là đối với cây chè.
Qua thực tế cho thấy ở một số vùng chè lớn như Lai Châu, Yên Bái... đang sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi hiệu quả. Do vậy, Hội Nông dân đã liên hệ với doanh nghiệp để thực hiện mô hình thí điểm sử dụng phân bón này ở huyện Bảo Thắng.
Với mục đích nâng cao năng suất, trước mắt là tăng được lứa chè khai thác, tăng năng suất sản phẩm chè, từ đó tăng chất lượng, hướng tới các sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ. Đồng thời, từng bước cải tạo, phục hồi đất để giúp cây chè phát triển bền vững.
Sau 1 tháng tổ chức triển khai thực hiện mô hình, đánh giá bước đầu cho thấy các mục tiêu đặt ra đều đạt. Từ những thành công đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ ký kết với Công ty để hỗ trợ phân bón hữu cơ cho bà con nông dân theo phương thức trả chậm trong khoảng 6 tháng.
Như vậy, có thể thấy, từ thành công của mô hình thử nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi trên cây chè sẽ tạo sức lan tỏa đến các địa phương khác trong huyện Bảo Thắng nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Hướng tới đưa tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, có giá trị kinh tế cao; tạo ra các vùng canh tác hữu cơ, hữu cơ sinh thái và hữu cơ tuần hoàn.