Nuôi gà VietGAHP không kháng sinh, tỷ lệ sống vẫn đạt 95%

Bình luận · 244 Lượt xem

Đây là kết quả của Mô hình nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Yên Trạch, huyện Phú Lương.

Sử dụng kháng sinh hiệu quả nhờ chăn nuôi VietGAHP

Hiện, trên địa bàn huyện Phú Lương đã có nhiều nông hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà theo mô hình trang trại với quy mô trên 500 con, một số trang trại có quy mô từ 2.000 đến 10.000 con, chủ yếu là gà lông màu. Do phương thức chăn nuôi chủ yếu là thả vườn nên vấn đề an toàn dịch bệnh còn nhiều hạn chế.

 

Để phát triển chăn nuôi bền vững tại địa phương, giảm sử dụng kháng sinh, nâng cao vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Mô hình nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 3 hộ dân ở xã Yên Trạch, huyện Phú Lương.

 

Mô hình có quy mô 500-3.000 con/hộ, sử dụng giống gà Ri lai nuôi theo phương thức bán chăn thả có hàng rào, lưới, tường bao quanh tách biệt với nơi ở của con người. Áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP từ khâu chọn giống, chuồng trại, thức ăn, phòng bệnh,… giúp hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm sử dụng kháng sinh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Theo bà Nguyễn Thị Lương, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên), chìa khóa để giảm sử dụng kháng sinh trên đàn vật nuôi là tiêm đúng thời điểm và đủ liều lượng các loại vacxin phòng bệnh cần thiết. Gà nuôi tại mô hình 1 ngày tuổi đã được tiêm vacxin marek và có giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngoài ra, Trung tâm cũng hỗ trợ 31.500 liều vacxin Gum, đậu, ND-IB, cúm gia cầm cùng nhiều các chế phẩm sinh học, hóa chất sát trùng.

 

“Công tác phòng bệnh được Trung tâm khuyến cáo các nông hộ thực hiện nghiêm ngặt, vệ sinh khử trùng tiêu độc bằng vôi bột và thuốc sát trùng trước khi nhập gà giống, định kỳ phun thuốc khử trùng. Ngoài ra, sử dụng chế phẩm sinh học Max 260 xử lý mùi hôi thối, các khí độc trong chuồng. Việc không có khí độc giúp vật nuôi ít bệnh, giảm ho hen, lớn nhanh”, bà Nguyễn Thị Lương cho hay.

 

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật đầy đủ, cả 3 hộ chăn nuôi không phải sử dụng bất kì loại kháng sinh nào, từ đó, đảm bảo chất lượng chăn nuôi và đạt chứng nhận VietGAHP. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nuôi sống đạt 95%, trọng lượng gà 13 tuần tuổi đạt 2,3kg.

 

Lợi nhuận 25 triệu đồng/1.000 con

Nhờ đảm bảo an toàn dịch bệnh, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Cụ thể, với quy mô 1.000 con gà Ri lai, nuôi 13 tuần tuổi, giá bán hiện nay khoảng 70.000 đồng/kg, người luôi có lãi trên dưới 25 triệu đồng (chưa tính công lao động và khấu hao chuồng trại).

 

Mức lợi nhuận trên thực sự tạo ra sức hấp dẫn lớn lan tỏa và thu hút thêm nhiều nông hộ tại địa phương tham gia mô hình chăn nuôi gà VietGAHP.

 

Là hộ tiên phong tham gia mô hình, anh Lộc Văn Tịnh đang nuôi 4.000 con/lứa theo quy trình VietGAHP cho biết, việc chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang VietGAHP giúp gia đình hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, từ đó chất lượng thịt được cải thiện và có nhiều đơn vị tin tưởng thu mua.

 

“Chúng tôi luôn coi phòng bệnh là chính, chữa bệnh chỉ là giải pháp tình thế. Do đó, trang trại luôn tiêm đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh và khử trùng chuồng trại thường xuyên”, anh Tịnh cho hay.

 

Ngoài ra, để bảo vệ môi trường, các hộ tham gia mô hình đều có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, cách xa nhà ở, chất thải được thu gom, xử lý thành phân bón hữu cơ giúp tăng thêm nguồn thu nhập.

 

Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đánh giá, với những kết quả đã đạt được, đặc biệt là về an toàn dịch bệnh, mô hình có nhiều điều kiện để mở rộng trên địa bàn tỉnh.

 

Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, người nuôi có thể kiểm soát được lượng thuốc kháng sinh dùng cho phòng bệnh và xử lý nền chuồng trong quá trình chăn nuôi, giúp hạn chế việc sử dụng kháng sinh và các loại thuốc kích thích. Nhờ đó, gà đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch ghi nhận, mô hình chăn nuôi gà lông màu VietGAHP đến nay cho thấy nhiều ưu việt. Thời gian tới, địa phương lhuyến khích các hộ tham gia mô hình tăng cường liên kết trong sản xuất để có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm chủ động, hiệu quả hơn nữa, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Bình luận