Cây mới 'đãi' người có tâm, có tầm: Tự hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ

Bình luận · 242 Lượt xem

Anh không chỉ là người đầu tiên trồng thành công sâm bố chính trên đất Bình Định, mà còn tiến tới chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ sâm anh trồng được…

Liên kết mở rộng vùng nguyên liệu

Anh là Trần Minh Tâm (50 tuổi) ở tổ 4 khu phố Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), vừa đoạt giải Nhất cuộc thi “Nông dân khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định” lần thứ nhất với dự án “Ươm trồng sản xuất cây con và chế biến sâm bố chính, trà sâm, rượu sâm”.

Để chủ động nguyên liệu cho phục vụ chế biến các sản phẩm từ sâm bố chính, ngoài gần 4,5ha sâm bố chính anh đã trồng tại tổ 3 và tổ 4 khu phố Kim Châu và tại huyện Phù Cát (Bình Định), anh còn lên đến tận huyện trung du Tây Sơn để liên kết trồng 6,5ha sâm bố chính tại xã Bình Thành (huyện Tây Sơn). Vùng đất rộng 6,5ha nằm bên sông Kôn rất bằng phẳng, phù hợp để trồng loại loại dược liệu quý này.

20.000 cây sâm bố chính anh Trần Minh Tâm trồng khi mới khởi nghiệp giờ đã cho thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

20.000 cây sâm bố chính anh Trần Minh Tâm trồng khi mới khởi nghiệp giờ đã cho thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

“Mối liên kết trồng sâm bố chính ở xã Bình Thành chúng tôi thỏa thuận chia mỗi bên 50% lợi nhuận sau khi thu hoạch, bán sản phẩm. Tôi có trách nhiệm đầu tư toàn bộ từ cung ứng giống, lắp đặt hệ thống tưới tự động, chuyển giao quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm theo giá công ty dược liệu thu mua; bên kia đối ứng 6,5ha đất và công chăm sóc suốt vụ, riêng chi phí đầu tư phân bón và thuốc BVTV sinh học suốt vụ sẽ chia đôi, mỗi người một nửa. Mô hình này đầu tháng 4 tới đây chúng tôi sẽ triển khai làm luôn”, anh Trần Minh Tâm cho hay.

Ngoài ra, hiện nay anh Tâm còn đang liên kết với nhiều nông hộ trong vùng để trồng sâm bố chính với phương thức anh Tâm hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, bán giống lấy trước một nửa tiền, số còn lại sẽ được khấu trừ khi thu mua sản phẩm theo giá công ty dược liệu.

“Ngày 17/3 vừa qua tôi vừa cung ứng giống cho một mối liên kết ở thị xã An Nhơn trồng 5 sào sâm bố chính (500m2/sào). Tôi bán cho họ 22.500 cây giống được sản xuất bằng phương pháp gieo hạt trực tiếp trên đất có chi phí chỉ bằng 50% so với phương pháp gieo hạt trong bầu, nên hiện chỉ còn giá 5.000 đồng/cây, vị chi là 112.500.000 đồng, tôi lấy trước một nửa, nửa còn lại sẽ khấu trừ khi tôi thu mua sâm”, anh Tâm cho biết thêm.

Nông dân tham quan mô hình rồng sâm bố chính của anh Tâm để liên kết. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân tham quan mô hình rồng sâm bố chính của anh Tâm để liên kết. Ảnh: V.Đ.T.

Qua 1 năm trực tiếp sản xuất, trong quá trình sản xuất thử nghiệm, anh Tâm đã không ít lần thất bại, phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại, và tất nhiên là chịu mất khoản chi phí trước đó. Rút kinh nghiệm dần, sau nhiều lần điều chỉnh, đến giờ này anh đã xây dựng được quy trình sản xuất sâm bố chính chuẩn từng giai đoạn, từ giai đoạn nuôi củ to đến giai đoạn tăng dưỡng chất cho củ sâm, cả liều lượng từng loại phân bón cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây sâm. Bây giờ, nông dân liên kết sản xuất sâm bố chính với anh Tâm cứ theo quy trình đó mà làm, không lo thất bại nữa.

Chế biến nhiều sản phẩm từ sâm để rộng đầu ra

Song song với mở rộng vùng nguyên liệu, anh Trần Minh Tâm còn đang tiến tới chế biến nhiều sản phẩm từ sâm bố chính để rộng đường tiêu thụ. Anh Tâm tính, với gần 5ha sâm bố chính anh đã trồng tại thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát hiện nay, cuối năm 2023 này tất cả diện tích trên sẽ cho thu hoạch, nếu năng suất cho chỉ đạt 75% thì anh chắc mẩm sẽ thu hoạch ít nhất 50 tấn củ sâm, đó là chưa kể số lượng sâm anh bao tiêu của những mối liên kết.

Với sản lượng củ sâm bố chính lớn là vậy, việc tiêu thụ hiện đang là mối lo lớn của anh Tâm. Sau khi thu hoạch 20.000 cây sâm bố chính trồng khi mới khởi nghiệp, ngoài bán lẻ cho các đấng mày râu trong địa phương mua lẻ về ngâm rượu uống, anh Tâm còn ngâm sẵn rượu sâm với nhãn hiệu “Rượu sâm bố chính Tâm Linh” để cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Rượu sâm bố chính, sản phẩm đầu tay được chế biến từ sản phẩm tự tay anh Tâm làm. Ảnh: V.Đ.T.

Rượu sâm bố chính, sản phẩm đầu tay được chế biến từ sản phẩm tự tay anh Tâm làm. Ảnh: V.Đ.T.

“Rượu sâm bố chính của tôi được làm rất kỹ, trước tiên tôi ủ hoa sâm bố chính trong rượu thời gian 6 tháng, sau đó lấy hết xác hoa ra, rồi cho củ sâm đã qua sơ chế vào rượu đã được ngâm hoa trước đó thêm 6 tháng nữa mới đưa ra thị trường, cứ 3 lít rượu đã ngâm hoa sâm bố chính tôi ngâm vào 1kg củ sâm. Qua thử hàm lượng dưỡng chất của hoa sâm bố chính cho thấy dưỡng chất trong hoa đạt đến 69,8% so với dưỡng chất của củ sâm”, anh Tâm cho hay.

Cũng theo anh Tâm, hoa sâm bố chính còn được các nước tiên tiến chiết xuất để chế biến nước hoa. Sau khi trồng 45 ngày là cây sâm bố chính bắt đầu ra hoa lai rai, từ tháng thứ 3 trở về sau hoa ra rộ, suốt cả vụ mỗi cây ra khoảng 4kg hoa. 1ha trồng được 72.000 cây sâm bố chính, mỗi cây 1 năm cho 4kg hoa, như vậy cứ mỗi ha sâm bố chính sẽ cho 288.000kg hoa.

“Nếu cây phát triển tốt, từ tháng thứ 3 trở đi mỗi cây ra đến 20 - 30 cái hoa trong ngày, sáng hoa nở chiều hoa tàn, sáng hôm sau lại ra tiếp, ngày nào cũng vậy. Nhưng không thể thu hết số lượng hoa những cây sâm bố chính cho hàng ngày, bởi, nếu làm thế thì sẽ làm mất đi tính sinh trưởng tự nhiên của cây, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nó. Thu hoạch hoa phải được thực hiện ngắt quãng, thu 1 tuần nghỉ 2 - 3 tuần, trong năm chỉ được thu 1/3 lượng hoa. Hái hoa vào buổi sáng từ 7 - 9 giờ để trong đài hoa còn mật, chứ hoa đã tàn thì không còn dinh dưỡng”, anh Tâm chia sẻ.

Từ tháng thứ 3 trở đi cây sâm bố chính sẽ cho hoa rộ. Ảnh: V.Đ.T.

Từ tháng thứ 3 trở đi cây sâm bố chính sẽ cho hoa rộ. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, hiện nay anh Tâm đã đăng ký với ngành chức năng thị xã An Nhơn (Bình Định) sản xuất 3 dòng sản phẩm từ sâm bố chính là trà sâm, bột ngũ cốc sâm và mứt sâm. Bên cạnh đó, anh Tâm cũng đã làm việc với những doanh nghiệp chuyên thu mua và sản xuất dược liệu trên địa bàn để bán củ sâm bố chính.

“Hiện tôi đã đặt mua 1 máy sấy lạnh bằng năng lượng mặt trời với mức đầu tư khoảng gần 1 tỷ đồng. Cũng nhờ có Trung tâm Khuyến công và Trung tâm Khuyến nông Bình Định hỗ trợ 50% kinh phí mua máy nên tôi mạnh dạn làm, từ nay đến tháng 6 tới là triển khai. Củ sâm bố chính thu hoạch lên được cho vào máy sấy lạnh, những củ sâm đi ra từ máy sấy muốn làm trà sâm thì tiếp tục cho vào máy nghiền, muốn làm bột ngũ cốc sâm thì tiếp tục cho vào máy xay… rồi đóng hộp, đóng gói cung ứng ra thị trường. Trong đăng ký nhãn hiệu tôi đăng ký cả 3 mục, mục 30, 32 và 35, từ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, chế biến và kinh doanh sản phẩm ấy”, anh Trần Minh Tâm cho hay.

Anh Trần Minh Tâm (bìa trái) hiện đã thành lập công ty chuyên bán cây giống sâm bố chính, hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm toàn quốc. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Trần Minh Tâm (bìa trái) hiện đã thành lập công ty chuyên bán cây giống sâm bố chính, hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm toàn quốc. Ảnh: V.Đ.T.

Theo tâm tư của anh Tâm, có nhiều nông dân liên kết trồng sâm bố chính thì sẽ có nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Anh phân tích: Hiện nay, nếu sản xuất lúa theo kiểu lấy công nhà làm lời, thì sau khi trừ tất tần tật mọi chi phí từ thuê máy cày làm đất, mua giống, phân bón, thuốc BVTV, công thu hoạch… mỗi năm 2 vụ thì 1 sào chỉ còn lãi 1 triệu đồng. Như vậy, 20 sào chỉ kiếm được 20 triệu đồng/năm, đó là chưa tính công chăm sóc của chủ ruộng. Nếu gặp năm “mưa không thuận gió không hòa”, lúa bị mất mùa thì thu nhập của nông dân còn thấp hơn nữa. Trong khi 1ha đất trồng sâm bố chính hiện nay, sau khi trừ chi phí nông dân còn lãi ròng trên 500 triệu đồng, gấp đến 30 lần.

Bình luận