Cuộc 'cách mạng' trên những khu vườn

Bình luận · 228 Lượt xem

Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, người trồng cà phê ở Lâm Đồng đã áp dụng giống chất lượng cao vào sản xuất và canh tác theo các quy trình chuẩn.

Canh tác giống mới, quy trình chuẩn

Tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), gia đình ông Bùi Trung Đảng vừa có vụ cà phê bội thu với năng suất trên 4 tấn nhân/ha. Ông Đảng cho biết, gia đình trồng 1,5ha cà phê từ năm 1994 và đến khoảng năm 2017 thì cây trên vườn bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất kém. Để “vực” dậy nguồn thu nhập của cả gia đình, ông Bùi Trung Đảng đã quyết định bắt tay vào thực hiện tái canh với nguồn giống chất lượng cao, có sức kháng bệnh tốt do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) chuyển giao. Không những áp dụng giống tốt, gia đình nông dân này cũng nghiên cứu và đi đến thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn mà ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo.

Với quy trình canh tác mới, giống mới, mô hình cà phê tái canh của gia đình ông Bùi Trung Đảng ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho năng suất cao. Ảnh: Minh Hậu. 

Với quy trình canh tác mới, giống mới, mô hình cà phê tái canh của gia đình ông Bùi Trung Đảng ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho năng suất cao. Ảnh: Minh Hậu. 

Bài liên quan

Ông Bùi Trung Đảng chia sẻ: “Sau khi loại bỏ lứa cà phê già cỗi, kém chất lượng, gia đình thực hiện các biện pháp cải tạo đất, khử mầm bệnh trong đất theo trình tự và theo quy định về thời gian. Khi đất sạch mầm bệnh, gia đình mới tiến hành đặt giống. Đây là cách làm hoàn toàn khác, khoa học hơn cách làm truyền thống trước đây. Do vậy, tỉ lệ cây sống đạt đến 98%, tỉ lệ đồng đều rất cao”. Nhờ cách làm mới này, chỉ sau 3 năm tái canh, vườn cà phê của gia đình ông Đảng bắt đầu cho thu bói và đến năm thứ 4 thì chính thức cho kinh doanh với năng suất trên 4 tấn nhân/ha.

Trong khi đó, ngoài việc áp dụng giống chất lượng cao vào tái canh, các hộ dân trong Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Ban (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để đảm bảo sự sinh trưởng của cây về mùa khô hạn. Các thành viên của hợp tác xã này cũng xây dựng mô hình cà phê bền vững với quy trình tạo tán và trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế như bơ, mắc ca, sầu riêng…

Bài liên quan

Ông Trần Văn Xuất, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Ban cho hay, nhờ thực hiện các quy trình sản xuất mới mà cà phê của các thành viên trong hợp tác xã sự phát triển vượt trội. Mô hình kết hợp này đã góp phần giảm chi phí đầu vào như tiết kiệm công chăm sóc, công tưới nước, công bón phân để gia tăng lợi nhuận. Đặc biệt, các cây trồng xen như mắc ca, bơ, sầu riêng đã góp phần tăng nguồn thu nhập cho các hộ dân, giúp các thành viên ổn định kinh tế để xây dựng vườn cà phê bền vững.

“Hiện nay, chúng tôi cũng đầu tư nhà kho, sân phơi cùng các loại máy móc, thiết bị để sơ chế, chế biến cà phê, nâng cao giá trị cho sản phẩm”, ông Trần Văn Xuất chia sẻ và cho biết thêm, với cách làm mới, mô hình cà phê ở hợp tác xã cho lợi gấp 2 lần so với cách làm cũ. Đặc biệt, năng suất cà phê đạt trên 4 tấn nhân/ha, chất lượng được nâng cao nên giá bán được cải thiện.

Ông Trịnh Tấn Vinh, nông dân sản xuất cà phê  tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, mô hình cà phê hữu cơ giúp gia đình tiết kiệm từ 25 - 30% chi phí về nhân công diệt cỏ, thuốc trừ cỏ so với cách làm thông thường; giảm 40% chi phí phân bón, chi phí vận hành tưới. “Mỗi công đoạn giảm một ít và khi tổng kết lại sẽ là một khoản không nhỏ, góp phần gia tăng lợi nhuận", ông Trịnh Tấn Vinh nói.

Tăng giá trị với cà phê hữu cơ  

Ở tỉnh Lâm Đồng, để nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê và góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, nhiều hộ dân, hợp tác xã đã xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ hoặc hướng hữu cơ. Ông Trịnh Tấn Vinh, người dân ngụ thôn Tân Phú 2 (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) với thương hiệu cà phê hữu cơ honey Thuần Trịnh nổi tiếng một vùng cho hay, gia đình chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống qua sản xuất hữu cơ từ năm 2008.

Hiện nay, trên diện tích vườn 1ha, gia đình ông Vinh phát triển lớp thảm thực vật bằng cỏ lá đậu để giữ độ ẩm và tạo hệ sinh thái nền vườn. Ở phía trên, ông Vinh trồng mắc ca, sầu riêng làm cây che bóng kết hợp phát triển kinh tế. Ông Vinh thổ lộ: “Để đảm bảo sự sinh trưởng cho cây, gia đình sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ hoặc phân bón vi sinh. Trường hợp cây bị nhiễm sâu, bệnh hại, chủ vườn sẽ thực hiện biện pháp phòng ngừa bằng các chế phẩm sinh học… Đến nay, sau 14 năm thực hiện quy trình nông nghiệp hữu cơ, vườn cà phê của gia đình ông Trịnh Tấn Vinh sinh trưởng tốt, năng suất đạt 4 tấn nhân/ha.

Để nâng cao giá trị cho cà phê, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, gia đình ông Trịnh Tấn Vinh ở huyện Di Linh, Lâm Đồng xây dựng mô hình cà phê hữu cơ. Ảnh: Minh Hậu.

Để nâng cao giá trị cho cà phê, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, gia đình ông Trịnh Tấn Vinh ở huyện Di Linh, Lâm Đồng xây dựng mô hình cà phê hữu cơ. Ảnh: Minh Hậu.

Cùng với việc chăm sóc theo quy trình chuẩn hữu cơ, gia đình ông Vinh cũng tổ chức thu hoạch chọn lọc 100% quả chín để sơ chế, chế biến. Theo chủ vườn, với quy trình hiện tại, mỗi năm, gia đình ông sản xuất và cung ứng ra thị trường trong, ngoài nước trên 1 tấn cà phê honey hữu cơ thành phẩm và trên 2 tấn cà phê bột hữu cơ thông thường. “Nhờ cách làm này nên sản phẩm cà phê của gia đình có giá bán cao hơn nhiều lần so với cà phê thông thường. Đặc biệt, gia đình chỉ có 1ha nhưng sản phẩm đã bán được ra nước ngoài”, ông Trịnh Tấn Vinh chia sẻ.

Cũng như gia đình ông Trịnh Tấn Vinh, nhóm nông dân ở xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng bắt tay vào thực hiện mô hình cà phê hữu cơ trên tổng diện tích 5,6ha. Tại đây, các thành viên của nhóm tập trung thực hiện vùng đệm, phát triển mô hình theo các tiêu chuẩn như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không phân bón hóa học. Để cà phê phát triển tốt, các thành viên Tổ hợp tác cà phê hữu cơ đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ủ và làm phân bón. Người dân cũng trồng chuối và tận dụng thân chuối đắp gốc cà phê tạo độ ẩm, nuôi dưỡng hệ vi sinh để cải tạo đất. Ông Đỗ Duy Tùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác cà phê hữu cơ (xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) nói: “Hiện nay 5,6ha của tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia TCVN. Sản phẩm cà phê của tổ đạt chất lượng nên tăng được khả năng cạnh tranh và có giá bán cao hơn trên thị trường”.

Sản phẩm cà phê an toàn, cà phê hữu cơ đang được nông dân Lâm Đồng bán với giá cao hơn cà phê thông thường. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm cà phê an toàn, cà phê hữu cơ đang được nông dân Lâm Đồng bán với giá cao hơn cà phê thông thường. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Đối với lĩnh vực cà phê, đây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương nên tỉnh tập trung xây dựng các mô hình bền vững, đưa các loại giống tốt vào sản xuất với các quy trình khoa học. Địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, đặc biệt tập trung vào chế biến để tăng giá trị cho sản phẩm. 

Bình luận