Phải giữ đất lúa, quyết liệt xử lý vi phạm trong đánh bắt hải sản

Bình luận · 207 Lượt xem

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 15/8/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Quốc hội.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã tập trung trả lời 3 nhóm vấn đề chính, gồm: Gỡ “thẻ vàng” IUU; Giữ đất lúa và xuất khẩu gạo nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu; Xây dựng thương hiệu nông sản nông sản.

 “NÓNG” VẤN ĐỀ “THẺ VÀNG” IUU

Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Trong khi đó hiện nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Vì vậy, cần phải có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn và tạo sự phát triển bứt phá cho ngành nông nghiệp thời gian tới.  

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, nhận định: "Thẻ vàng" IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Đến nay đã gần 6 năm, nước ta vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng". Bà Khanh đề nghị Bộ trưởng cho biết Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ "thẻ vàng" IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban châu Âu vào tháng 10/2023 tới không?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển, nếu gỡ "thẻ vàng" nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng "thẻ vàng" khác. So sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng.

Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Quốc hội.
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, băn khoăn khi nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề nuôi trồng thủy sản, nhưng trước tình hình quy hoạch nuôi biển hiện còn lúng túng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin thêm: "Theo thống kê, trữ lượng thủy sản ở biển Đông khoảng 3,9 triệu tấn. Hiện chúng ta đã khai thác tới 3,6 triệu tấn/năm, nghĩa là đã đạt ngưỡng. Do đó, nuôi trồng là giải pháp gần như duy nhất để giảm cường lực khai thác".

Các quốc gia Philippines hoặc Thái Lan đều sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ, đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.

Về những vướng mắc còn tồn tại trong nuôi biển, Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Đối với vấn đề giám sát tàu cá, Bộ trưởng thừa nhận có hiện tượng tàu trên 15m không về cập cảng ở địa phương.

Theo Bộ trưởng, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các tàu đi theo đàn cá. Khi đàn cá đi xa, vào vùng khơi, vùng lộng thì ngư dân rất khó trở lại điểm xuất phát. Những giải pháp hiện tại bằng công nghệ số khó có thể giải quyết được vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu câu hỏi về những chính sách sẽ được áp dụng trong hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ đã có kế hoạch hoạt động về chuyển đổi nghề, nhưng kế hoạch này hơi chậm so với thực tiễn, chính sách cũng chưa thật sự rõ ràng, chưa đủ sức tạo thành cú hích để hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xem xét, đối thoại với những người dân trong diện chuyển đổi để có các phương án cụ thể, khả thi cho vấn đề này. Có thể lựa chọn phương án cho bà con ngư dân lên bờ, nhưng vẫn duy trì các công việc liên quan như nuôi biển, nuôi trồng cạn, hoặc nuôi ở ven bờ với cường độ đảm bảo được về môi trường. Một hướng đi nữa là có thể chuyển hẳn bà con sang nghề khác, tạo điều kiện cho bà con làm du lịch biển, hoặc làm việc trong các khu công nghiệp.

GIỮ HAY CHUYỂN ĐỔI ĐẤT LÚA? 

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển đổi sang mục đích khác để người dân, doanh nghiệp yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Chúng ta cần phân biệt sản phẩm và thương phẩm, sản phẩm là cái mà chúng ta có thể làm ra được, thương phẩm là cái mà tạo ra giá trị cao và có thể đến được với thị trường”. Ảnh: Quốc hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Chúng ta cần phân biệt sản phẩm và thương phẩm, sản phẩm là cái mà chúng ta có thể làm ra được, thương phẩm là cái mà tạo ra giá trị cao và có thể đến được với thị trường”. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết cách đây 10 năm, quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu hecta. Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu người nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó…

Trả lời Đại biểu Lê Thị Song An, đoàn Đại biểu Quốc hội Long An về giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong tình hình giá lúa gạo tăng cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực.

Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.

“Giá nông sản nói chung, trong đó có giá lúa, chịu quy luật cung cầu. Ngoài ra, tại Việt Nam giá lúa gạo còn chịu nhiều vấn đề khác như vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ…Bộ trưởng nói.

"Hiện mới chỉ khoảng 20% diện tích lúa Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong liên kết và vẫn còn tới 80% diện tích ngoài liên kết. Chỉ có liên kết với nhau chúng ta mới có thể nâng cao chất lượng nông sản, chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo chuẩn mực của thị trường. Chúng ta cần phân biệt sản phẩm và thương phẩm, sản phẩm là cái mà chúng ta có thể làm ra được, thương phẩm là cái mà tạo ra giá trị cao và có thể đến được với thị trường”, Bộ trưởng khẳng định.

GIẢI PHÁP TĂNG THU NHẬP CHO NÔNG DÂN TRỒNG ĐIỀU

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu vấn đề hiện nay có đến 80% các sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài chưa có thương hiệu, chủ yếu là xuất khẩu thô.

Trả lời, Bộ trưởng giở một tập tài liệu ghi các nông sản Việt đã đứng chân ở siêu thị nước ngoài. Ông cho rằng đây là một quá trình lâu dài, khó khăn của các ngành hàng. Hiện Bộ đã tập trung vào các mặt hàng có thế mạnh, đã có gạo, cà phê rồi giờ Bộ đang chuẩn bị thêm sầu riêng. Để có thể tạo dựng thương hiệu, cần tổ chức sản xuất và có sự đồng lòng của bà con, thương lái.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết trồng và sản xuất hạt điều là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Các doanh nghiệp trồng và sản xuất điều lớn trong nước hiện đang có xu hướng tăng nhập khẩu, khiến thu nhập của nông dân trồng điều còn thấp hơn so với trồng lúa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay có thời điểm, chúng ta mong muốn và hào hứng Bình Phước sẽ trở thành thủ phủ của cây điều và Việt Nam đứng đầu thế giới về điều. Nhưng hiện nay, nhiều người chặt bỏ điều chuyển sang trồng sầu riêng.

Theo Bộ trưởng, nhằm tăng thu nhập cho nông dân trồng điều để họ ngừng chặt bỏ cây điều, hiện nay đang thí điểm trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều ở Bình Phước.

“Nghĩa là, một mảnh đất tích hợp đa giá trị, chỉ khi ấy người nông dân mới có thể giữ cây điều. Bộ cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó điều cũng là một dạng rừng, để tạo ra sinh kế nhiều hơn, ngoài nguồn thu hoạch từ điều”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Bình luận