Gấp rút xây dựng kế hoạch hành động

Bình luận · 257 Lượt xem

Mục tiêu của kế hoạch này là xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu cơ bản và bộ quy trình hướng dẫn cho các chủ thể liên quan đến EUDR.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ về xây dựng kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp Việt Nam với EUDR. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ về xây dựng kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp Việt Nam với EUDR. Ảnh: Tùng Đinh.

Để đảm bảo có thể thích ứng sớm nhất với Quy định chống phá rừng của Châu Âu (EUDR) vừa được thông qua, Bộ NN-PTNT đang xây dựng “Kế hoạch hành động Quốc gia của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng EUDR”.

Trong cuộc phỏng vấn với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) sẽ có những chia sẻ sâu hơn về vấn đề này.

Xin ông cho biết cách tiếp cận của Bộ NN-PTNT với việc xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng EUDR?

EUDR là quy định mới nhất của châu Âu liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng. Đây là biến chuyển xu hướng tiêu dùng xanh tất yếu của của thị trường toàn cầu chứ không chỉ riêng châu Âu.

Nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập rất sớm và gắn kết chặt chẽ với thị trường toàn cầu nên việc thích ứng với những biến chuyển xu thế tiêu dùng là lẽ đương nhiên. Những quy định mới như EUDR không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như lợi ích của người nông dân.

Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường EU thì chúng ta không thể chỉ dùng chính sách áp đặt từ trên xuống trong bối cảnh nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào nông hộ quy mô nhỏ, và kể cả doanh nghiệp Việt Nam quy mô cũng nhỏ. Do đó, cách tiếp cận của chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư, giữa trung ương và địa phương, giữa trong nước và ngoài nước, trong đó phải lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, lấy nông dân làm chủ thể khi xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm thích ứng với xu thế mới của thị trường cũng như thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững tại Việt Nam.

Trong bối cảnh châu Âu đưa ra thời hạn hiệu lực thực thi EUDR vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), chúng ta cần thực hiện rất gấp các hoạt động liên quan. Cụ thể, với Bộ NN-PTNT, trong lúc soạn thảo về Kế hoạch hành động Quốc gia thì cũng đã gấp rút một số hoạt động phổ biến thông tin, tích cực truyền thông và triển khai một số mô hình thí điểm.

Vậy các quốc gia khác đang có động thái gì trước việc châu Âu thông qua EUDR, thưa ông?

Cho đến nay, có nhiều quốc gia tỏ ra băn khoăn trước quy định này của châu Âu. Nguyên nhân là họ không chắc có thể đáp ứng được các yêu cầu của EUDR hay không vì không ít diện tích sản xuất nông sản đang trồng xen kẽ với đất rừng hoặc có liên quan đến các hoạt động làm mất rừng.

Thậm chí, nhiều nước còn có ý kiến trực tiếp với EU để trì hoãn việc áp dụng các quy định mới liên quan đến không gây mất rừng. Tuy nhiên, một khi EUDR đã được Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu thông qua thì việc Ủy ban Châu Âu (EC) với tư cách là cơ quan hành pháp đại diện cho 27 nước thành viên EU triển khai việc áp dụng quy định mới này chỉ hoàn toàn mang tính kỹ thuật, rất khó có thể thay đổi được nữa.

Quay trở lại với Việt Nam, như trong hội nghị "Sản xuất và cung ứng nông sản không gây mất rừng theo quy định của Liên minh Châu Âu" ngày 29/6 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ có cách tiếp cận phù hợp với Quy định không gây mất rừng của EU.

Theo đó, việc Việt Nam sẵn sàng với EUDR không chỉ là tuân thủ yêu cầu của thị trường hàng đầu của xuất khẩu nông sản mà còn là cơ hội để nền nông nghiệp của chúng ta có thể chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững đúng với định hướng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thời gian vừa qua, để minh chứng cho sự sẵn sàng, Việt Nam đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ càng cả về kỹ thuật lẫn ở cấp lãnh đạo với EU. Ngoài ra, chúng ta cũng có tham vấn từ các tổ chức phát triển ví dụ như IDH, 4C và kêu gọi sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức của nông dân.

Thời gian còn lại cho đến khi EUDR có hiệu lực không dài và ngành nông nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch hành động cụ thể với quy định này. Ảnh: Minh Hậu.

Thời gian còn lại cho đến khi EUDR có hiệu lực không dài và ngành nông nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch hành động cụ thể với quy định này. Ảnh: Minh Hậu.

Với sự sẵn sàng đó và thời gian từ nay đến cuối năm 2024 không nhiều, vậy quy trình thực hiện của chúng ta sẽ như thế nào để đáp ứng được EUDR?

EUDR là một quy định rất mới, thậm chí phía EU cũng vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các hướng dẫn chi tiết vì quy định này không chỉ áp dụng cho các nước xuất khẩu mà ngay cả nông dân của EU cũng phải tuân thủ.

Do đó, chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin với phía bạn để có thể đưa ra những hướng dẫn cụ thể nhất cho các doanh nghiệp và nông dân.

Trong đó, việc cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sẽ được triển khai theo hướng làm thế nào để đảm bảo độ tin cậy nhưng phải đơn giản, tiện lợi và chi phí thấp. Chúng tôi đã thống nhất trong các cuộc thảo luận với các cơ quan chuyên môn của EU về việc không nên biến quy định này trở thành một rào cản thương mại mới trong giao thương nông sản giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu.

Để làm được như vậy, chúng ta sẽ chủ động liên hệ thường xuyên, trực tiếp với các đầu mối ở châu Âu. Và trong Kế hoạch hành động Quốc gia đang được xây dựng, chúng tôi sẽ thành lập đường dây nóng để các bộ phận chuyên môn có thể làm việc với nhau một cách thường xuyên, sẵn sàng xử lý các vấn đề phát sinh đột xuất.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng yêu cầu phía EU sẵn sàng trong việc hỗ trợ tư vấn pháp lý cho Việt Nam trong việc triển khai EUDR.

Ông có thể khái quát về mục tiêu chính của Kế hoạch hành động Quốc gia của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng EUDR?

Quay trở lại vấn đề kỹ thuật, khi EUDR có hiệu lực, có 3 ngành hàng của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó bao gồm gỗ, cao su và cà phê.

Tuy nhiên, gỗ và cao su là 2 ngành hàng đã tham gia Hiệp định VPA/FLEGT, và đang tích cực triển khai cấp chứng chỉ quốc tế FSC với gỗ và PEFC đối với cao su cho quản lý rừng bền vững.

Do đó, khi EUDR có hiệu lực thì chỉ cần cung cấp thêm thông tin cho phía châu Âu là có thể triển khai các hoạt động thương mại bình thường vì quy trình khá giống nhau.

Còn lại, với ngành hàng cà phê, ngoài việc châu Âu là thị trường nhập khẩu lớn (chiếm 40% xuất khẩu của Việt Nam) thì Việt Nam vẫn còn khoảng 10% diện tích trồng cà phê có nguy cơ rủi ro cao liên quan đến xâm lấn rừng. Trong lúc giá cà phê đang tăng như hiện nay, chúng ta cần tuyệt đối tuân thủ quy định mới của EU. Bà con nông dân tuyệt đối không được chạy theo xu hướng tăng giá của cà phê mà mở rộng diện tích trồng cà phê liên quan đến rừng vì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam cũng như gia tăng mức độ rủi ro khi EU đánh giá năng lực tuân thủ EUDR của Việt Nam.

Vì vậy, mục tiêu của kế hoạch hành động mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng đó là làm thế nào để trong vòng 18 tháng tới, các chủ thể liên quan đến EUDR tại Việt Nam đều nắm được thông tin và hiểu về quy định này.

Bên cạnh đó là xây dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu chung hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình cung cấp thông tin và triển khai xác nhận mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cho phía EU.

Các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng bộ quy trình hướng dẫn để các địa phương, doanh nghiệp và người dân có thể áp dụng, đáp ứng các yêu cầu mới của EU.

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ xây dựng các nhóm đối tác công - tư ở cả cấp Trung ương và địa phương để triển khai các hoạt động nêu trên.

Hợp tác công tư, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế được xem là giải pháp phù hợp với nông nghiệp Việt Nam trước EUDR. Ảnh: Minh Hậu.

Hợp tác công tư, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế được xem là giải pháp phù hợp với nông nghiệp Việt Nam trước EUDR. Ảnh: Minh Hậu.

Vậy kế hoạch kêu gọi các tổ chức quốc tế cũng như các đơn vị trong khối tư nhân tham gia vào kế hoạch hành động này sẽ như thế nào?

Ở góc độ quốc tế, đương nhiên đối tác đầu tiên mà chúng ta kêu gọi tham gia sẽ là các cơ quan của EU. Hiện nay, họ cũng đã sẵn sàng để hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề kỹ thuật, khai báo thông tin.

Cùng với đó là hỗ trợ phát triển sinh kế cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi EUDR, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang trồng cà phê trong những vùng xen kẽ với rừng.

Ngoài ra, chúng ta cũng kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ của các thành viên châu Âu đang quan tâm đến vấn đề này, ví dụ như Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ…

Thêm vào đó là nhóm các tổ chức phát triển quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực này ví dụ như IDH hay 4C, Grow Asia… Cũng có thể thu hút thêm sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia lớn có chủ trương về phát triển bền vững và đầu tư vào nông nghiệp tái tạo như Néstle.

Cụ thể, trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đại diện cho Tập đoàn Nestlé Toàn cầu và Bộ NN-PTNT đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác công tư, cam kết phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp.

Qua đó, khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại Việt Nam, đặt mục tiêu trồng ít nhất 2,3 triệu cây xanh (cây gỗ, cây ăn trái,…) tại 4 tỉnh Tây Nguyên, giúp hấp thu và lưu trữ khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 5 năm (2023 - 2027).

Chúng ta cũng đã kêu gọi được sự chung tay của các doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng liên quan để cùng xây dựng chương trình và đưa ra những hành động thích ứng với EUDR.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận