Hành động nhanh, quyết liệt để làm chủ cuộc chơi

Bình luận · 221 Lượt xem

Các chuyên gia nêu ra cơ hội và giải pháp phát triển ngành cà phê bền vững trước Quy định chống phá rừng Châu Âu (EUDR), sẽ được áp dụng vào tháng 12/2024.

Việt Nam nhìn nhận EUDR như là cơ hội lớn để thúc đẩy ngành nông nghiệp, trong đó ngành hàng cà phê phát triển bền vững. Ảnh: Minh Hậu.

Việt Nam nhìn nhận EUDR như là cơ hội lớn để thúc đẩy ngành nông nghiệp, trong đó ngành hàng cà phê phát triển bền vững. Ảnh: Minh Hậu.

Ngày 16/5/2023, Nghị viện Châu Âu thông qua Quy định Chống phá rừng Châu Âu (EUDR), dự kiến có hiệu lực từ tháng 12/2024. Trong các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU, cà phê là mặt hàng nông sản sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi quy định này được áp dụng.

Theo Quy định này, 100% sản phẩm cà phê Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

Theo các chuyên gia, thích ứng với các Quy định của châu Âu là việc tích cực, cần làm để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp minh bạch, bền vững, bảo vệ tài nguyên rừng và thắt chặt hợp tác công tư với thị trường EU.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có buổi trao đổi với bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.

Trước tiên, ông, bà đánh giá thế nào về những ảnh hưởng của EUDR tới ngành cà phê toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng?

Bà Trần Quỳnh Chi: Trên toàn cầu, cà phê là một một trong các ngành hàng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi EUDR. Những người sản xuất cà phê trên toàn cầu hầu hết đều là những người sản xuất có quy mô nhỏ và ở các nước chưa phát triển, đang phát triển. Vì vậy họ chưa sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu trong thời gian ngắn hạn hiện nay.

Trong khi đó, châu Âu là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng cà phê của toàn cầu. Khi EUDR được áp dụng và có hiệu lực vào cuối năm 2024 thì khoảng 12,5% số hộ nhỏ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Quá trình giúp đỡ người nông dân đáp ứng được những yêu cầu này cũng rất khó khăn, tuy nhiên cũng là cơ hội cho chúng ta. Hiện tại cơ hội này mở ra cho các thị trường đã đáp ứng được những điều kiện cơ bản của EUDR, ví dụ có tỷ lệ phá rừng thấp từ năm 2020 trở lại đây, hoặc có hệ thống quản lý rừng, cơ sở dữ liệu tốt.

Điển hình là thị trường Brazil sẽ có cơ hội lớn khi EUDR chính thức được áp dụng vào cuối năm 2024. Giữa những nước còn lại, nước nào hành động nhanh, quyết liệt thì sẽ là nước thắng cuộc trong cuộc chơi tiếp theo của thị trường thế giới.

Đặc biệt, Việt Nam hiện nay được đánh giá là tỷ lệ phá rừng do sản xuất cà phê rất thấp. Theo đánh giá của một nhà mua lớn ở châu Âu, tỷ lệ phá rừng cho sản xuất cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1%. Vì vậy, khả năng Việt Nam không vi phạm EUDR rất lớn. Những yêu cầu còn lại của EU chúng ta cần đáp ứng trong vòng 18 tháng nữa.

Để có thể đáp ứng được yêu cầu này, phần còn lại trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp và đặc biệt là của người nông dân trong việc tiếp tục giữ rừng. Có một nguy cơ, đó là hiện tại giá cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới đang tăng và có khả năng người nông dân sẽ phá rừng ở quy mô nhỏ để trồng cà phê.

Vì vậy, truyền thông cần giúp người dân hiểu được rằng nếu họ tiếp tục phá rừng thì sản phẩm cà phê sẽ không vào được thị trường châu Âu và ngay cả các thị trường khác có những yêu cầu tương tự EUDR.

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH). Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH). Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Nam Hải: Trước hết, EUDR thể hiện trách nhiệm của EU đối với bảo vệ môi trường toàn cầu. Thứ hai, với ngành cà phê Việt Nam nói riêng thì chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc biệt là El Nino đã gây khó khăn cho ngành cà phê Việt Nam về chất lượng và sản lượng. Hiện nay, giá cà phê đang ở mức cao nhất trong khoảng 30 năm trở lại, một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino.

Chúng ta làm tốt các quy định của EU là thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê Việt Nam đối với môi trường. Cũng như bà Trần Quỳnh Chi nói, từ sau năm 2000 chúng ta phá rừng rất ít. Tổng diện tích trồng cà phê của chúng ta là khoảng 680.000ha, hầu hết đã trưởng thành và được bảo tồn khá tốt. Theo quy định của EU về chống phá rừng từ sau 31/12/2020, tôi nghĩ cũng khá ít vì đó là thời điểm đại dịch Covid-19.

Trong 680.000ha trồng cà phê, thị trường xuất khẩu sang 27 nước EU là 39% tổng kim ngạch xuất khẩu của cà phê của cả nước. Vì vậy, nếu thực hiện tốt thì đây là cơ hội để nâng thị phần cà phê Việt Nam sang EU.

Về khó khăn, thứ nhất là ngành cà phê Việt Nam chủ yếu sản xuất bởi các hộ nông dân manh mún, nhỏ lẻ, do đó việc truy xuất nguồn gốc tận vườn là rất khó khăn. Chúng ta cũng cần cảnh báo người nông dân, nếu không sẽ có hiện tượng người dân ở ven rừng có thể phá rừng trồng cà phê trong thời điểm giá cà phê cao như hiện nay.

Với góc nhìn chuyên môn từ Vicofa và IDH, ông, bà có những đề xuất, giải pháp và khuyến cáo nào đối với cơ quan quản lý và các bên liên quan để bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Nam Hải: Đề nghị thứ nhất là làm thế nào các Bộ, ngành, địa phương chúng ta có một cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện cho truy xuất nguồn gốc cà phê tận vườn vì đây là điều rất khó khăn.

Chúng ta có thể khẳng định là trước thời điểm 31/12/2020, hầu như không có chuyện phá rừng để trồng cà phê, nhưng để chứng minh nguồn gốc theo yêu cầu của EU thì rất khó khăn. Cho nên đề nghị có sự hỗ trợ đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành cũng như các địa phương để giải quyết vấn đề này.

Thứ hai là chúng ta phải có bản đồ rừng chính xác ở thời điểm 31/12/2020 để xác định các vùng ít nguy cơ, vùng có nguy cơ và nhiều nguy cơ, để từ đó sàng lọc và truy xuất nguồn gốc tốt hơn trong thời gian tới.

Và khi chúng ta thực hiện EUDR cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của một số bộ phận người nông dân, trong đó đặc biệt là nông dân ở ven rừng và gần rừng. Vì vậy cần Nhà nước và các Bộ, ngành địa phương có kế hoạch để hỗ trợ đời sống cho bà con trong thời gian triển khai quy định này.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Trần Quỳnh Chi: Đúng như ông Nam Hải chia sẻ, cơ sở dữ liệu quốc gia là việc đầu tiên mà chúng ta phải làm để có thể xuất khẩu hàng. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tự hành động, ví dụ như Nestlé đã tự xây dựng hệ thống để phù hợp với quy định thị trường EU.

Tuy nhiên, nếu mỗi doanh nghiệp có một hệ thổng như vậy sẽ đẩy chi phí lên rất cao, và cuối cùng thì người nông dân chịu thiệt. Thứ hai, trong khi doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực thì doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, không có khả năng đầu tư hệ thống và xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu.

Cũng như ông Nam Hải nói, yêu cầu của thị trường châu Âu về hệ thống truy xuất nguồn gốc đến tận vườn là điều hết sức là khó khăn, hầu như ngành hàng cà phê Việt Nam khó có thể đáp ứng được, kể cả về chi phí và yêu cầu hệ thống.

Hiện tại IDH đang phối hợp với hàng loạt doanh nghiệp trong nước để thử nghiệm 3 hệ thống truy xuất nguồn gốc đến các vùng nguy cơ thấp, không có nguy cơ và nguy cơ cao, từ đó giải quyết bài toán chi phí và chia sẻ thông tin cho EU, xem có cần thiết phải áp dụng hệ thống phức tạp đến tận vườn cà phê không.

Về cơ bản, chúng ta hướng tới phát triển bền vững cả về mặt xã hội và môi trường, không gây nguy cơ về giảm đa dạng sinh học, phát thải lớn, phá rừng hay lao động trẻ em, lao động cưỡng bức. Xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia minh bạch hóa ngành hàng và hỗ trợ nông dân ở những khu vực nguy cơ cao.

Sản xuất bền vững chính là chuẩn bị cho những dự luật tiếp theo của thị trường nhập khẩu thế giới. IDH luôn luôn sẵn sàng đồng hành với Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để chuẩn bị tốt cho các lộ trình tiếp theo, đáp ứng EUDR.

Xin cảm ơn ông, bà!

Bình luận