Lâm Đồng phản ứng nhanh để thích ứng sớm

Bình luận · 242 Lượt xem

Trước Quy định chống phá rừng Châu Âu, người dân, doanh nghiệp sản xuất cà phê và cơ quan chức năng Lâm Đồng nhanh nhạy nắm bắt thông tin, bắt tay thực hiện quy trình chuẩn.

Cập nhật thị trường, chủ động sản xuất

Tại xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), gia đình ông Hoàng Văn Đạt đang canh tác ổn định 9ha cà phê trên khu vực quy hoạch đất trồng cây lâu năm. Ông Đạt cho biết, khu vườn này gia đình đầu tư, phát triển kể từ năm 2010 và mỗi năm thu hoạch khoảng gần 20 tấn nhân xanh. Toàn bộ nhân cà phê của gia đình được tiêu thụ bởi các đại lý, công ty chế biến trong và ngoài tỉnh.

Trước Quy định về chống phá rừng Châu Âu (EUDR), ông Đạt chia sẻ: “Gia đình bước đầu nắm bắt thông tin qua các phương tiện truyền thông và đang tìm hiểu thêm để có cách canh tác phù hợp. Nhân cà phê của gia đình được các đơn vị mua để chế biến cung cấp thị trường trong và ngoài nước nên mình phải đảm bảo quy định để tránh rủi ro về sau”.

Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) về diện tích sản xuất cà phê với khoảng gần 176 nghìn ha, sản lượng cà phê của địa phương trên 600 nghìn tấn/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) về diện tích sản xuất cà phê với khoảng gần 176 nghìn ha, sản lượng cà phê của địa phương trên 600 nghìn tấn/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Hoàng Văn Đạt, vì thị trường châu Âu có quy định không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng nên điều đầu tiên, gia đình sẽ không mở rộng diện tích cà phê ngoài vùng quy hoạch. Đặc biệt không phát triển, mở rộng trên diện tích đất có nguồn gốc lấn chiếm, phá rừng.

Là một doanh nghiệp tổ chức sản xuất cà phê rộng khắp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với sản lượng cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước lên đến 40 nghìn tấn/năm, Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) đã nắm bắt thông tin về EUDR và phổ biến đến các hộ sản xuất trong chuỗi liên kết.

Ông Mai Ngọc Định, Phụ trách sản xuất chuỗi cà phê bền vững Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình cho hay, hiện nay doanh nghiệp đang liên kết chuỗi với 3.000 hộ nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao ở khắp các huyện như Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc... Để đảm bảo chất lượng cho thị trường trong và ngoài nước, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn về kỹ thuật, quy trình sản xuất hiện đại đến người dân. Đặc biệt phổ biến những kiến thức, phổ biến các yêu cầu, quy định mới nhất từ các thị trường đến người dân để chủ động sản xuất.

Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình liên kết với 3.000 hộ nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao. Các vườn cà phê liên kết của đơn vị đã đạt các chứng nhận như 4C, chứng nhận của Rainforest Alliance. Ảnh: Minh Hậu.

Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình liên kết với 3.000 hộ nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao. Các vườn cà phê liên kết của đơn vị đã đạt các chứng nhận như 4C, chứng nhận của Rainforest Alliance. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ước tính, Lâm Đồng có khoảng 20% diện tích trồng cà phê chưa được đo đạc - cấp quyền sử dụng đất (chưa có GPS và polygon) và khoảng 20% diện tích cà phê nằm tiếp giáp/xen kẽ với rừng (chủ yếu là rừng trồng). Hiện tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp các cơ quan, tổ chức rà soát các loại dữ liệu nhằm đánh giá, lên kế hoạch và đưa ra phương án ngân sách triển khai chi tiết để đảm bảo các quy định khi EUDR chính thức hiệu lực vào năm 2024.

Đối với Quy định EUDR, ông Mai Ngọc Định chia sẻ, đây là quy định mới và việc sản xuất của doanh nghiệp hoàn toàn đảm bảo, đáp ứng các điều kiện.

Ông nói: “Chúng tôi tổ chức mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, bền vững từ năm 2015 và đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các vườn sản xuất cà phê trong chuỗi liên kết của chúng tôi đều đã đạt các chứng nhận như 4C, chứng nhận của Rainforest Alliance. Đối với các chứng nhận này, việc thực hành sản xuất phải đảm bảo về canh tác đa dạng sinh học, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ rừng…”. Cũng theo ông Mai Ngọc Định, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn, hàng năm, đơn vị tổ chức đo, vẽ, cập nhật bản đồ, định vị GPS đối với các diện tích sản xuất.

Phát triển cà phê đặc sản, hợp quy hoạch

Hiện nay, Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) về diện tích sản xuất cà phê với khoảng gần 176 nghìn ha, trong đó cà phê vối chiếm gần 159 nghìn ha, cà phê chè trên 16 nghìn ha và cà phê mít khoảng 200ha. Trong đó, cà phê được trồng nhiều nhất tại huyện Di Linh với khoảng trên 45 nghìn ha. Trước Quy định chống phá rừng Châu Âu (EUDR), ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã nắm bắt thông tin và đưa ra các phương án nhằm tổ chức sản xuất phù hợp.

Ông Vũ Hồng Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Di Linh cho biết, chính quyền huyện Di Linh đã bắt tay vào thực hiện các giải pháp trong tổ chức sản xuất, trong đó, huyện đã tập trung tuyên tuyền đến người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của thị trường.

“Cuối tháng 6 vừa qua, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp, làm việc với Phái đoàn Liên minh Châu Âu, tổ chức khảo sát tại các vùng trồng cà phê và trình bày những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ”, ông Vũ Hồng Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Di Linh thông tin.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện các chương trình phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Minh Hậu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện các chương trình phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Vũ Hồng Long, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng và những năm qua đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê. Địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Đặc biệt chú trọng phát triển cà phê đặc sản trên diện tích có quy hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê với các quy trình sản xuất chất lượng cao, sản xuất hữu cơ.

Trong khi đó, tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), cây cà phê được phát triển rộng rãi kể từ những năm 1990. Hiện nay, cây cà phê đã trở thành một trong nhưng cây trồng chủ lực của nền nông nghiệp Lạc Dương và địa phương đã có những định hướng cho phát triển, nâng cao giá trị, đáp ứng thị trường.

Một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương chia sẻ, những năm qua, cây cà phê đã góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cà phê cũng là ngành hàng giúp địa phương tăng tổng sản phẩm xã hội, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Những năm gần đây, việc sản xuất cây cà phê đã giúp cho người nông dân nắm vững hơn về khoa học kỹ thuật, có kỹ năng tốt hơn trong phát triển kinh tế trang trại, xóa bỏ tình trạng du canh du cư, xóa bỏ tình trạng phát nương làm rẫy, hạn chế phá rừng, hủy hoại tài nguyên đất.

Năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng trên 90 ngàn tấn với giá trị đạt trên 180 triệu USD. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng trên 90 ngàn tấn với giá trị đạt trên 180 triệu USD. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện, diện tích cà phê của Lạc Dương ở vào khoảng 5,2 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh ước đạt 4,7 nghìn ha. Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương cho biết, để đáp ứng Quy định EUDR, cuối tháng 5, huyện đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) tổ chức thảo luận, tham vấn ý kiến của người nông dân sản xuất cà phê cùng các doanh nghiệp sản xuất, thu mua cà phê trên địa bàn huyện, đồng thời phổ biến quy định đến toàn thể người dân trên địa bàn.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, sản lượng cà phê của địa phương trên 600 nghìn tấn/năm. Các sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang xay của tỉnh đang được xuất khẩu qua thị trường quen thuộc ở các nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, các thị trường châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh đạt trên 90 ngàn tấn với giá trị đạt trên 180 triệu USD. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương nên tỉnh đã và đang tập trung xây dựng các mô hình bền vững. Hiện nay, ngành nông nghiệp Lâm Đồng khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Bùi Đức Hào, Điều phối viên Chương trình Cảnh quan và Cà phê tại khu vực Tây Nguyên (Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững - IDH) cho hay, nhằm hỗ trợ ngành cà phê nói riêng và các ngành nông nghiệp khác của Lâm Đồng chịu tác động của EUDR, IDH khuyến nghị cơ quan quản lý nhà nước các cấp tại tỉnh này và các công ty, tổ chức khác cần phối hợp triển khai hàng loạt các giải pháp. Trong đó bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và nông nghiệp, tổ chức truy xuất theo nhóm/vùng trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó là phối hợp thực hiện giải pháp về nhân rộng tiếp cận cảnh quan để tạo tác động thực tế trên quy mô lớn, đầu tư và triển khai giải pháp sản xuất thuận tự nhiên, nông nghiệp tái sinh trên quy mô lớn và chú trọng sinh kế nông hộ.

 
Bình luận