Cà phê bền vững gắn với gây quỹ cộng đồng

Bình luận · 232 Lượt xem

Từ những mảnh đất bỏ hoang, những vườn cà phê đã mọc lên xanh tốt, tạo nguồn thu đáng kể cho các hoạt động cộng đồng ở xã Glar, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai).

Vườn cà phê gây quỹ cộng đồng tại thôn Dơk Rơng. Ảnh: Đăng Lâm.

Vườn cà phê gây quỹ cộng đồng tại thôn Dơk Rơng. Ảnh: Đăng Lâm.

Từ một mô hình nhỏ               

Năm 2008, từ 2,6ha đất chưa sử dụng, đồng bào BahNar ở thôn Dơk Rơng (xã Glar) đã tận dụng để trồng cà phê. Đến khi thu hoạch, vườn cà phê đã cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng mỗi năm. Số tiền này được gây quỹ cộng đồng và sử dụng cho nhiều mục đích như mua phân bón, tưới tiêu cho vườn cà phê, mua quà tặng cho các hộ nghèo trong thôn, đóng góp cùng nhà nước làm gần 3km đường giao thông, tu sửa hơn 400m đường nội đồng và xây dựng mới nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn...

Để mô hình hoạt động hiệu quả, thôn Dơk Rơng đã giao cho Chi hội Nông dân quản lý, theo đó vườn cây được chia thành 10 tổ, giao cho từng nhóm hộ dân quản lý và chăm sóc. Bình quân mỗi tổ chăm sóc từ 160- 200 cây cà phê, mỗi năm cho nguồn thu tương ứng từ 30 triệu đồng trở lên. Công việc từ bón phân, tưới nước, làm cỏ đến thu hoạch đều có sự tham gia đầy đủ của các hộ thành viên trong nhóm. Để bảo vệ tốt thành quả của vườn cây, các tổ cũng đã cắt cử người thay phiên nhau tuần tra bảo vệ sản phẩm cà phê của tổ mình.

Bà con viu mừng với vườn cà phê do mình chăm sóc. Ảnh: Đăng Lâm.

Bà con viu mừng với vườn cà phê do mình chăm sóc. Ảnh: Đăng Lâm.

Đưa chúng tôi đi qua bạt ngàn những vườn cà phê tươi tốt để đến với vườn cà phê cộng đồng của tổ mình, anh Am Yưy (40 tuổi, dân tộc BahNar) cho biết, vườn cà phê cộng đồng của thôn Dơk Rơng được chia làm 10 tổ, Tổ 1 của anh gồm 21 hộ thành viên, được giao quản lý, chăm sóc hơn 200 gốc cà phê. Vụ cà phê vừa rồi, hơn 200 gốc cà phê của tổ 1 thu về được gần 40 triệu đồng.

“Số tiền này được nộp về quỹ của thôn. Những khi có công việc chung trong làng đều trích từ nguồn quỹ này cho chi phí hoạt động. Kể cả làm các công trình dân sinh cũng lấy từ nguồn quỹ này, người dân chúng tôi không phải lấy tiền nhà để đóng góp như trước đây”, Am Yưy nói.  

Cũng ở tổ 1 này, anh Lânh chia sẻ: “Chúng tôi xem vườn cà phê cộng đồng như chính vườn cà phê của gia đình mình, công việc chăm sóc như bón phân, tưới nước đến thu hái, mỗi thành viên trong tổ đều tham gia một cách tự nguyện và nhiệt tình. Do vậy, vườn cà phê cộng đồng luôn xanh tốt và cho năng suất như vườn cây của các hộ dân trong làng. Việc sử dụng quỹ đều được họp thông qua các hộ dân trên tinh thần dân chủ”.

Chia sẻ về thành quả của mô hình này, ông Wut, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Dơk Rơng cho biết: “Trước đây, việc huy động người dân đóng góp cho các hoạt động chung rất khó khăn, vì cuộc sống của phần đông bà con còn rất nghèo khó. Khi thấy diện tích đất trống của làng rộng, chúng tôi đã vận động người dân trồng cà phê để gây quỹ. Một mặt để tránh lãng phí quỹ đất, làm sạch đẹp bộ mặt thôn làng, mặt khác có nguồn tiền để gây quỹ, dùng chi phí chung cho các hoạt động trong làng. Thấy việc làm này có ý nghĩa thiết thực nên tất cả người dân trong làng đều tích cực hưởng ứng, chung sức xây dựng nên vườn cà phê xanh tốt như ngày hôm nay”.

Lan tỏa ra cộng đồng

Từ thành công của mô hình cà phê gây quỹ ở thôn Dơk Rơng, 8 thôn, làng còn lại của xã Glar đã mạnh dạn học tập và triển khai nhân rộng. Không ít làng đã triển khai một cách có hiệu quả như làng Ktu, Dôr 1, Dôr 2, Klăh… Từ đây, nguồn quỹ từ vườn cà phê cộng đồng của xã đã được thành lập, tập thể các làng không chỉ sử dụng cho các hoạt động cộng đồng mà còn có nguồn cho những hộ khó khăn vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất và thoát nghèo.

Ông Y Suôn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Glar khẳng định: “Mô hình trồng cà phê gây quỹ là sự sáng tạo của bà con ở các thôn, làng trong xã. Từ đây, đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong ý thức và tinh thần cầu tiến của người dân. Mô hình này còn gắn kết cộng đồng, giúp họ phát triển kinh tế, chung sức xây dựng các công trình công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển quê hương giàu đẹp”.

Từ quỹ cộng động, bà con chung tay xây nhà văn hóa thôn Dơk Rơng. Ảnh: Đăng Lâm.

Từ quỹ cộng động, bà con chung tay xây nhà văn hóa thôn Dơk Rơng. Ảnh: Đăng Lâm.

Phó Chủ tịch UBND xã Glar, anh Bùi Quang Thoại cho biết, tổng diện tích cà phê của xã có 2.000ha. Riêng mô hình phát triển cà phê cộng đồng, lấy tiền gây quỹ thì toàn xã có khoảng 15ha. Với xã Glar, mô hình này được duy trì và phát triển từ hơn 10 năm qua, mang lại hiệu quả thiết thực cho 9 thôn, làng của xã. Với diện tích gần 15ha, mô hình này thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm từ bán sản phẩm cà phê, đã giúp nhiều hộ nghèo của xã có điều kiện phát triển sản xuất, đồng thời xây dựng các công trình công cộng như xây dựng nhà văn hóa ở mỗi thôn, làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng… vì mục tiêu phát triển bền vững.

Cũng theo anh Thoại thì đây là một mô hình hết sức ý nghĩa. Bên cạnh việc tạo ra nguồn quỹ để phục vụ các hoạt động chung, giảm bớt gánh nặng đóng góp cho mỗi hộ dân hàng năm, mô hình này còn thể hiện tinh thần đoàn kết cao trong cộng đồng thôn làng. “Hiện tại, xã chưa sắp xếp được nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho mô hình này. Song xã luôn quan tâm, động viên khuyến khích để bà con tự giác tham gia, duy trì tốt mô hình ý nghĩa này”, Phó Chủ thịch Bùi Quang Thoại chia sẻ.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh đứng chân trên địa bàn xã Glar. Đồng hành cùng mô hình phát triển vườn cà phê cộng đồng của xã thì nhiều năm qua, Hợp tác xã đã thường xuyên hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn cho bà con, vừa phát triển vườn cà phê cộng đồng, vừa có kiến thức bổ ích để chăm sóc vườn cà phê của mỗi hộ gia đình.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh, anh Lê Hữu Anh cho biết: “Năm nay, hợp tác xã triển khai hỗ trợ miễn phí vật tư cho bà con chăm sóc vườn cà phê cộng đồng như phân bón lá, phân bón gốc, các loại chế phẩm vi sinh, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn cây”.

Từ một mô hình nhỏ xuất phát từ làng Dơk Rơng, mô hình trồng cà phê cộng đồng gây quỹ đã lan tỏa trên phạm vi toàn xã. Mô hình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền xã, sự đóng góp không nhỏ về vật chất của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Điều này cho thấy, mô hình đã minh chứng được hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đây cũng là một ví dụ điển hình về sự đoàn kết, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung ở các buôn làng Tây Nguyên trong giai đoạn mới. Hy vọng rằng, hiệu quả của mô hình này sẽ được nhân rộng nhiều hơn nữa ở các địa phương khác, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng sâu, vùng xa của đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ.

Bình luận