Cà phê robusta thời đại mới: Mở rộng vùng nguyên liệu đáp ứng đơn hàng

Bình luận · 243 Lượt xem

Để đáp ứng nhu cầu thị trường đang ngày một rộng mở, các tổ chức nông dân, doanh nghiệp cà phê ở Tây Nguyên bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng.

Nhiều đơn hàng lớn

Trước sự rộng mở của thị trường cho ngành hàng cà phê robusta, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê tại Lâm Đồng đã và đang tập trung vào xây dựng, phát triển chuỗi liên kết, tổ chức vùng nguyên liệu bền vững. Ông Mai Ngọc Định, Phụ trách sản xuất chuỗi cà phê bền vững Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cho biết, doanh nghiệp hiện liên kết với 3.000 hộ nông dân khắp các nơi trong tỉnh để sản xuất cà phê. Mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và cung ứng khoảng 30 - 40 nghìn tấn cà phê ra thị trường. 

Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình (Lâm Hà, Lâm Đồng) đang liên kết với 3.000 hộ dân trong tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao. Ảnh: Minh Hậu.

Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình (Lâm Hà, Lâm Đồng) đang liên kết với 3.000 hộ dân trong tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao. Ảnh: Minh Hậu.

Bài liên quan

Ông Mai Ngọc Định cho hay, từ năm 2022, thị trường có xu hướng chuyển qua sử dụng các sản phẩm từ cà phê robusta của Việt Nam và đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Giá cà phê cũng tăng dần lên giúp người trồng cà phê yên tâm sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình hướng đến mở rộng vùng nguyên liệu, tăng quy mô sản xuất, đặc biệt tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao theo các tiêu chuẩn như 4C, Rainforest Alliance.

Bà Nguyễn Thị Thọ, Công ty TNHH Nguyên Phúc Nông (đơn vị sản xuất cà phê với thương hiệu Got Coffee, đóng tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho hay, những năm trước đây, các đối tác nước ngoài đánh giá cà phê robusta của địa phương không cao. Tuy nhiên, gần đây đã có sự thay đổi, họ quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm robusta và đặc biệt dành sự ưu ái cho robusta chất lượng cao của Việt Nam.

“Trước đây chúng tôi chỉ sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Song vừa qua các đối tác thị trường Hoa Kỳ đã làm việc và đặt hàng. Chúng tôi sản xuất robusta chất lượng cao, robusta hữu cơ nên việc đảm bảo nguồn sản phẩm theo đơn hàng là rất quan trọng. Có nghĩa là chúng tôi sẽ phải duy trì, phải mở rộng liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu lớn hơn nữa mới có thể đáp ứng được”, bà Nguyễn Thị Thọ nói.

Công ty TNHH Nguyên Phúc Nông (đơn vị sản xuất cà phê với thương hiệu Got Coffee, đóng tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) tổ chức xây dựng vùng cà phê hữu cơ và thực hiện quy trình chế biến hiện đại để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Công ty TNHH Nguyên Phúc Nông (đơn vị sản xuất cà phê với thương hiệu Got Coffee, đóng tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) tổ chức xây dựng vùng cà phê hữu cơ và thực hiện quy trình chế biến hiện đại để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo người đại diện của Got Coffee, doanh nghiệp đang liên kết với 15 hộ dân ở huyện Bảo Lâm sản xuất cà phê robusta hữu cơ và theo các hợp đồng đề xuất, doanh nghiệp sẽ phải mở rộng vùng nguyên liệu gấp đôi diện tích hiện tại. Cùng với việc hợp tác, liên kết với nông hộ sản xuất cà phê, Got Coffee cũng đã làm việc với các doanh nghiệp, các nông trại quy mô hàng trăm ha để hợp tác phát triển vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng sản phẩm cho thị trường. Hiện nay, các sản phẩm robusta của doanh nghiệp này được thị trường đánh giá cao và đón nhận là do doanh nghiệp thực hiện quy trình thu hái chọn lọc, thu hoạch trái chín 100% để đưa vào quy trình chế biến, rang mộc theo tiêu chuẩn SCA của Mỹ, không dùng hương liệu tẩm ướp để giữ trọn vị thật của cà phê. 

Ông Nguyễn Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Bình Đông Farm (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho biết, với diện tích 111ha cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, mỗi năm đơn vị cung ứng một lượng lớn robusta cho thị trường trong nước và cả thị trường châu Âu lẫn châu Á.

“Thị trường có nhu cầu rất lớn và dành sự quan tâm đặc biệt cho sản phẩm robusta của Việt Nam. Trong 2 năm gần đây, các đơn vị trung gian xuất khẩu đã tìm tới Bình Đông Farm và chúng tôi đang cố gắng thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ, tăng quy mô cho dòng sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Nguyễn Thanh Lộc chia sẻ.

Ông Vũ Quốc Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Minh Toàn Lợi cho biết, việc canh tác cà phê ngày càng khó khăn do biến đổi khí hậu, chi phí đầu vào tăng cao. Do đó, để thích ứng với những vấn đề này, hợp tác xã đã khuyến khích các hộ thành viên, hộ liên kết tổ chức trồng xen và thực hiện quy trình hướng hữu cơ, hữu cơ. Trong đó, việc trồng xen sẽ tăng độ che bóng cho cà phê, cải thiện nguồn thu nhập, đặc biệt tạo ra hệ sinh thái vườn bền vững hơn, cải thiện chất lượng cây trồng và tăng chất lượng sản phẩm cà phê.

Tập trung vào chất lượng

Tại tỉnh Đắk Lắk, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cà phê cũng đang tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo ông Vũ Quốc Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng, Đắk Lắk), hợp tác xã hiện có hơn 500ha cà phê robusta và nguồn sản phẩm cà phê này đang được bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu như Công ty 2-9, Đakman.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp ở Đắk Lắk đang tập trung sản xuất cà phê chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Minh Quý.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp ở Đắk Lắk đang tập trung sản xuất cà phê chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Minh Quý.

Ông Vũ Quốc Quân thổ lộ, việc thế giới tăng cường nhập khẩu cà phê robusta là tín hiệu vui cho ngành cà phê Việt Nam. Lâu nay, HTX xây dựng quy trình sản xuất bền vững và luôn hướng đến các yếu tố “đạo đức - lương tâm - sáng tạo”. Đặc biệt, luôn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

“HTX luôn yêu cầu các thành viên giảm đến mức tối thiểu phân, thuốc hóa học. Thay vào đó là sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và các chế phẩm sinh học trong việc phòng ngừa sâu, bệnh hại. Chúng tôi cũng nâng cao chất lượng bằng cách áp dụng quy trình hái chín, chọn lọc và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Vũ Quốc Quân nói và cho biết thêm, hiện nay, HTX thường xuyên tập huấn để thay đổi thói quen, nâng cao trình độ canh tác cho người dân.

HTX Sản xuất Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Minh Toàn Lợi đang tập trung thực hiện hiện mô hình canh tác 4ha cà phê hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm.

Trong khi đó, HTX Công bằng Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng đã bắt tay vào tổ chức sản xuất theo các quy trình chuẩn. Ông Nguyễn Đình Trọng, Giám đốc HTX Công bằng Ea Tu cho biết, đơn vị hiện liên kết sản xuất với các hộ dân trong vùng với tổng diện tích lên đến 260ha. Việc sản xuất cà phê chất lượng cao, bền vững được hợp tác xã quan tâm thực hiện từ nhiều năm trước.

Các đơn vị sản xuất cà phê ở Đắk Lắk thường xuyên tổ chức, tham gia các cuộc thi chất lượng cà phê nhằm đánh giá năng lực, nâng cao trình độ trong sản xuất, chế biến. Ảnh: Minh Quý.

Các đơn vị sản xuất cà phê ở Đắk Lắk thường xuyên tổ chức, tham gia các cuộc thi chất lượng cà phê nhằm đánh giá năng lực, nâng cao trình độ trong sản xuất, chế biến. Ảnh: Minh Quý.

Hiện nay, sản phẩm cà phê robusta của hợp tác xã đã được một doanh nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu trực tiếp qua các nhà rang xay ở Mỹ và các quốc gia châu Âu khác. “Mỗi năm hợp tác xã xuất khẩu hơn 100 tấn qua các nước này với giá được cộng thêm khoảng 10.000 đồng/kg. Số tiền cộng thêm này chúng tôi sẽ dùng cho việc đầu tư, nâng cao chất lượng cà phê”, ông Nguyễn Đình Trọng nói.

Để phát triển bền vững ngành hàng cà phê robusta, hàng năm, Hợp tác xã Công bằng Ea Tu tham gia các cuộc thi chế biến cà phê đặc sản. Cùng với đó, đơn vị này tổ chức tặng giống cà phê TR4 cho người dân canh tác nhằm nâng cao hiệu quả.

“Để số lượng cà phê chất lượng tăng cao, đáp ứng xuất khẩu thì HTX cũng cho các thành viên chăm sóc, hái chín trên 80% và thực hiện quy trình sơ chế, chế biến hiện đại. Chúng tôi sản xuất theo hướng chất lượng cao và để khuyến khích phong trào này, hợp tác xã sẽ tổ chức cộng thưởng thêm cho các hộ thành viên khi họ thực hiện thu hoạch trái chín chọn lọc, quy trình tốt”, ông Nguyễn Đình Trọng chia sẻ.

Bình luận