Ghép bưởi ruby lên cây bưởi chua
Vàng ruộm đặc sản cam bù Hương Sơn
Khôi phục giống cam tiến vua ở Hải Phòng
Triển vọng cây cam chanh Vũ Quang ở Quảng Bình
Giống cam cổ Động Đình
“Có những quả cam đến thời kỳ thu hoạch nặng tới hơn 1kg, còn trung bình cũng 400 - 500gram”, đi giữa vườn cam cổ khổng lồ, bà Đoàn Thị Hòa, chủ trang trại ở thôn Ngũ Lão, xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) cho biết. Bàn tay bà cầm quả cam ngoại cỡ nom như một đứa trẻ cầm quả bóng nhựa vậy.
Bà kể, đó là một giống cam giờ đang rất hiếm nhưng khi xưa thì vườn nhà nào ở thôn Ngũ Lão, thôn Thọ Lão hầu như cũng có vài gốc. Vườn của ông nội bà có tới hàng chục gốc và ông gọi nó là cam Động Đình. Chúng cứ lớn lên một cách tự nhiên mà chẳng có phân tro, chăm sóc gì cả.
Cam Động Đình ra hoa vào tháng Giêng, bắt đầu chín vào tháng 11, 12 âm lịch. Ông nội cấm lũ trẻ đụng vào những quả cam, mà dẫu chúng có vụng trộm cũng khó mà giấu được cái mùi tinh dầu thơm nức mũi khi bóc vỏ.
Tết đến, những quả cam cổ khổng lồ vỏ dần chuyển sang màu đỏ vàng, được ông hái xuống rồi đặt lên ban thờ cùng mấy thứ quả trong vườn nhà như cam, chuối, bưởi, quất, trứng gà. Cam Động Đình còn được ông dành để biếu những chỗ ân tình, mỗi nhà dăm ba quả.
Thường là người ta không ăn ngay mà bảo quản chúng bằng cách bọc lá chuối khô rồi vùi vào cát, để dưới gậm giường. Sang đến tháng 4, tháng 5 khi nắng hè oi ả, đi ngoài đồng về người mướt mải mồ hôi, pha một cốc nước cam uống có khi còn hơn cả uống một thang thuốc bổ. Những dịp trời chuyển mùa, dịch cúm xảy ra mà uống cốc nước cam vào người, ốm cũng nhanh chóng thành khỏe.
Từng là giáo viên tiểu học, bà Hòa có thói quen trước khi đi dạy học uống một cốc nước cam là có thể nói sang sảng cả buổi mà không bị mất giọng. Suốt 33 năm công tác trong ngành giáo dục, một phần nhờ thường xuyên uống nước cam cổ khổng lồ mà bà không phải xa rời phấn trắng bảng đen và lũ trẻ lấy một ngày. Nghỉ hưu 10 năm nay, bà cũng không bị ốm.
“Vì cam cổ khổng lồ quả rất chua, khó ăn trực tiếp được nên trước đây tôi toàn vắt nước rồi pha với đường hoa mai, sau này có mật ong nhãn trong vườn thì pha vào để uống, nhờ đó mà không ốm, không đau họng bao giờ. Ngày xưa, tôi rời nhà đi học Cao đẳng Sư phạm Hải Hưng suốt 3 năm, không được uống nước cam nên hay bị viêm họng, viêm xoang, sau khi trở về quê thì không thấy còn mắc nữa”, bà Hòa kể.
Cam cổ khổng lồ được trồng theo kiểu chiết cành, 2 - 3 năm là có quả, 4 - 5 năm là ăn ngon. Chúng là giống cây rất khỏe, ít sâu bệnh, chẳng thấy bị rỉ sắt, vàng lá thối rễ hay vàng lá gân xanh nên không phải dùng đến thuốc sâu. Không như các loại cam khác rời thuốc sâu ra cái là hỏng ăn. Nhưng tiếc thay, 20 năm nay, vì quả cam cổ có vị chua quá nên nhiều người dân trong vùng đã phá bỏ chúng. Dăm bảy năm trước có mấy nhà tiếc của trồng lại, tuy nhiên cũng vì chua mà không bán được lại phá bỏ tiếp.
Mới đây, hai cậu em con ông chú là Đoàn Xuân Hiếu, Đoàn Đại Vui và ông Thảnh trong làng đã xin giống cam cổ về trồng và được bà Hòa vui vẻ chiết tặng. Hiện trang trại nhà bà có 10 gốc cam loại này, gốc già nhất đã 20 năm, gốc non cũng 7 - 8 năm. Chúng được bón bằng phân gà ủ mục, dịch cá, cám ta, ngô, đậu tương trộn cùng với men vi sinh. Trung bình mỗi gốc vẫn cho đến 50kg/vụ, quả to nhất nặng trên 1kg, còn bình thường cũng 400 - 500gram.
Mến khách phương xa tìm đến là tôi, ông bà xởi lởi ra vườn hái vài quả cam, quả bưởi vào khoản đãi. Tuy có kích cỡ rất to nhưng thời điểm này (cuối tháng 10 dương lịch) cam cổ khổng lồ chưa nặng, chưa xuống nước, vỏ vẫn còn xanh và vị rất chua. Một quả cam vắt ra 3 - 4 cốc, hòa thêm chút mật ong nhãn, đang nhọc mệt mà uống vào tôi thấy tỉnh táo cả người.
Ông Đỗ Văn Tư, chồng bà Hòa lại có thói quen mỗi ngày ăn 1 quả cam cổ khổng lồ nhưng không pha với mật ong mà cắt từng miếng rồi bỏ vào miệng, nhai ngon lành khiến cho ai thấy cũng phải xuýt xoa, thán phục. Ông cười: “Cam cổ chua chỉ kém mỗi quả trấp nhưng vị của nó dịu và thanh chứ không bị gắt. Mọi năm, ít người biết đến giống cam này nên bán cũng chẳng ai mua nhưng năm ngoái hình như do bên ngoài cam mất mùa nên thương lái đến đòi mua với giá 20.000đ/kg”.
Empty
Bên trong một quả cam cổ khổng lồ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Bà Hòa tiếp lời chồng: “Bạn bè về hưu suốt ngày đi tập, đi kéo xương cốt và đi… viện, nhưng chúng tôi thì suốt ngày cuốc cỏ, làm vườn, trèo cây nên là “vua” về sức khỏe. Ở tuổi này, vợ chồng tôi mỗi bữa vẫn thổi 2 bò gạo, mỗi người ăn hết 3 bát cơm đầy, ngày đều 3 bữa như nhau với gạo xát từ lúa tự cấy, rau trong vườn, trứng trong chuồng, cá dưới ao, gà, ngỗng tự nuôi.
Dù thu thường không đủ cho chi vì phải liên tục mua thêm đất để mở rộng trang trại nhưng chúng tôi sống rất vui vẻ. Bạn bè, học sinh của tôi hay về chơi, đoàn dù đông tới 20 người cũng không phải đi chợ vì mọi thứ đều có sẵn. Hai năm trước, tôi đã thành lập HTX Nông nghiệp và Thương mại Vinanosan với định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch trải nghiệm nhưng chưa kịp ra mắt thì xẩy ra dịch Covid-19, giờ mới khởi động trở lại”.
Sởn gai ốc vì loại bưởi đào chua, ngon khó tả
Trong trang trại bát ngát rộng tới 5ha có các phân khu ao thả cá, thả sen, vườn cây ăn quả, chuồng trại gia cầm được quy hoạch rất đẹp. Đó là biết bao mồ hôi, công sức và tình yêu của cả hai vợ chồng bà Hòa đã đổ xuống đất này suốt hơn 10 năm nay. Ngoài giống cam cổ khổng lồ, họ còn có 5 gốc nhãn đường phèn, 30 gốc nhãn hương chi, hơn 50 gốc nhãn ta và đặc biệt là 2 giống bưởi cổ.
Thứ nhất là 5 gốc bưởi trắng chua lấy giống từ nhà cậu em ở ngay trong làng, quả nặng trung bình 700gram đến 1kg. Thứ nhì là 30 gốc bưởi đỏ chua xuất xứ từ huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, được một người bạn giáo viên của chị Hòa tặng, quả khá to. Tất cả chúng đều có thể ăn được từ rằm tháng tám trở đi, nhưng không để được lâu như giống bưởi ngọt.
Vừa giới thiệu, ông bà vừa mau mắn gọt vỏ, tách múi mời tôi ăn thử. Bưởi trắng chua có vị thanh và mát, còn bưởi đào chua tôi chỉ mới vừa nếm đã thấy gai ốc sởn lên, không phải vì chua mà bởi nó ngon rất khó tả. Loài người thường bị sởn gai ốc trước những gì quá đặc biệt, quá xúc động và đó chính là cảm giác của tôi khi ấy.
20 năm làm báo, tôi từng đi nhiều, ăn nhiều loại bưởi như Đoan Hùng, Diễn, Tân Lạc, Phúc Trạch, da xanh, năm roi… nhưng chưa bao giờ bị sởn da gà như thế cả. Đã ăn một múi là chỉ muốn ăn thêm nữa bởi hậu vị cứ thơm mãi, mát mãi, đọng ở nơi cuống họng, đầu môi. Bưởi đào chua có một khuyết điểm là lắm hạt, nhưng có hề gì, một khi đã yêu thì người ta thường dễ dàng bỏ qua hết những khuyết điểm của nó.
Bà Hòa rủ rỉ: “Con gái tôi đang học về an toàn thực phẩm bên Nhật, còn chồng nó đang học về môi trường cũng ở bên đó. Nó bảo người Nhật không hảo ngọt như người Việt và chuộng vị chua tự nhiên. Các giống cam, bưởi cổ của ta rất hợp với xu thế đó nhưng tiếc là chưa có đoàn khoa học nào chịu về đây mà nghiên cứu cả. Sau này chúng học về sẽ tiếp quản trang trại của bố mẹ và phát triển chúng theo hướng chế biến sâu những loại nông sản sạch, gốc bản địa”…
Trang trại của bà Hòa là sự vận dụng khéo léo kinh tế tuần hoàn, với 500 con vịt, 100 con gà, 50 con ngỗng được nuôi để lấy phân bón cho cây, 10 ao cá thả trắm cỏ để chuyên ăn cỏ, trắm đen để chuyên ăn ốc, khi thu hoạch, loại đắt thì bán, loại rẻ như rô phi lại dùng để ngâm thành dịch tưới cây. Rơm, rạ, lá cây, thân chuối ủ với men sinh học cũng trở thành phân hết, không bỏ phí một thứ gì.