Rau hữu cơ Đồng Tháp lên TP.HCM, 9h sáng đã bán hết sạch

Bình luận · 208 Lượt xem

Cứ mỗi dịp cuối tuần, một nhóm nông dân Đồng Tháp lại 'khăn gói' đem các loại rau hữu cơ bán tại Phiên chợ xanh - Tử tế tại số 135A Pasteur, quận 3. TP.HCM.

 

Phải mất gần 3 năm bền bỉ làm nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Hồng Dũng, ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thượng (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) mới nếm được "trái ngọt". Từ khi đạt chứng nhận hữu cơ PGS (chứng chỉ xác nhận nhóm nông dân tuân thủ theo các tiêu chuẩn hữu cơ của PGS - Hệ thống đảm bảo cùng tham gia đã được IFOAM công nhận), ông Dũng cùng nhóm nông dân địa phương bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng sành ăn ở Sài Gòn.

 

Ông Dũng cho biết, ông cũng như nhiều nông dân tại Đồng Tháp trước đây làm nông nghiệp theo phương pháp truyền thống, nhưng đến khi gặp Mayu Ino (Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table Nhật Bản), ông và bà con đã quyết định chuyển hẳn sang canh tác nông nghiệp hữu cơ. 

 

Với 2.200m2, ông Dũng trồng hơn 10 loại rau xen với nhau như các loại như rau muống, mồng tơi, dưa leo, khổ qua, bầu bí, đậu bắp, đậu rồng... Cứ thu hoạch lứa rau này, ông lại trồng loại rau khác để luân canh, giúp hạn chế sâu bệnh.

 

"Mới đầu gian nan lắm, không biết trồng ra có ai mua không. Rau trồng lại không đạt năng suất, cộng với việc phải nhặt cỏ thường xuyên, đầu ra không có nên cũng nản. Nhưng nhờ kiên trì và sự động viên của cô Mayu, của lãnh đạo Phòng NN-PTNT, Hội Nông dân, tôi bám sát quy trình hướng dẫn nên năng suất rau dần tăng lên, chất lượng ngày càng tốt, đặc biệt đã tìm được đầu ra cho sản phẩm với giá cao", ông Dũng vui vẻ chia sẻ.

 

Để có được những bó rau xanh chất lượng, ông Dũng cho biết, ông phải ủ phân hữu cơ từ cỏ, lục bình, phân bò... trong vòng 4 tháng để tưới cho cây thay vì dùng phân bón hóa học. "Được hướng dẫn ủ phân hữu cơ đã giúp tôi tiết kiệm trên 50% chi phí phân bón. Chất lượng rau ngon hơn, giá bán cũng tốt hơn so với rau canh tác thông thường", ông Dũng nói và cho biết, ông thường mang lên TP.HCM khoảng 30 - 50kg rau hữu cơ các loại được bó từng bó cẩn thận bằng lá chuối, cột bằng cọng chuối khô để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.

 

"Làm như vậy mới thu hút được người tiêu dùng kỹ tính. Người Sài Gòn rất thích rau hữu cơ, chỉ mới 9h sáng nhưng rau của nhóm chúng tôi đã bán hết sạch. Nhiều người đến mua nhưng không còn đành phải hẹn khách tuần sau. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục theo đuổi con đường làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ", ông Dũng phấn khởi nói.

 

Tương tự, ông Lê Thanh Quang, ngụ xóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cũng bắt đầu trồng theo phương pháp hữu cơ từ năm 2020 đến nay. Sau những thăng trầm, ông cũng đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa rau hữu cơ đầu tiên và cung ứng cho thị trường TP.HCM với diện tích 500m2.

 

Song song đó, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), rau hữu cơ của ông Quang cũng như của bà con tham gia mô hình còn có thêm điểm bán hàng ngay tại địa phương (tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn từ 6 - 8 giờ sáng các ngày thứ 3, thứ 6 hàng tuần). Tại đây bán các loại nông sản hữu cơ của các thành viên của liên nhóm nông dân tham gia dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ PGS Đồng Tháp (thuộc các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh).

 

"Người tiêu dùng Đồng Tháp và TP.HCM ngày càng đón nhận và sử dụng nông sản hữu cơ. Chúng tôi sẽ cố gắng để có thể thực hiện quy trình canh tác một cách nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khi gieo trồng đến tay người tiêu dùng", ông Quang nói và cho biết thời gian tới dự kiến gia đình ông sẽ mở rộng thêm 1.000m2 để canh tác hữu cơ nhằm tăng sản lượng cung ứng cho nhu cầu thị trường ngày càng tăng.

 

"Nhiều anh em thấy chúng tôi làm tốt cũng đã bắt đầu tham gia cùng nhóm để phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương", ông Quang cho biết thêm.

 

UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng gần 3.300ha với các cây trồng chủ lực. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất theo phương thức cũ.

Bình luận