Phổ biến các quy định an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong chăn nuôi

Bình luận · 236 Lượt xem

Ngày 17/8, tại Ninh Bình, Cục Chăn nuôi tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Hội nghị phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong chăn nuôi diễn ra sáng 17/8 tại Ninh Bình do Cục Chăn nuôi tổ chức. Ảnh: HT.

Hội nghị phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong chăn nuôi diễn ra sáng 17/8 tại Ninh Bình do Cục Chăn nuôi tổ chức. Ảnh: HT.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho biết, những năm qua, ngành chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh thực phẩm của đất nước.

Với 24,8 triệu con lợn, 8,7 triệu trâu bò, 557 triệu gia cầm, ngành chăn nuôi đã tạo ra một lượng lớn sản phẩm thịt, trứng, sữa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

“Để đạt được những thành tựu nêu trên, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách hỗ trợ để quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất chăn nuôi luôn được Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT quan tâm xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu”, Cục trưởng Dương Tất Thắng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Cục Chăn nuôi đã trình bày một số quy định về hoạt động chăn nuôi và giống vật nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay hoạt động chăn nuôi và giống vật nuôi đã có một hệ thống văn bản pháp luật liên quan khá đầy đủ và rõ ràng như: Luật Chăn nuôi; Nghị định 13/2020/NĐ-CP; Nghị định 46/2022/NĐ-CP; Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT; Thông tư 22/2019/BNNPTNT; Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT.

Đối với việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi cũng có các văn bản liên quan như: Luật Chăn nuôi; Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT; Thông tư 57/2012/TT- BNNPTNT; và Thông tư 01/2016/TT- BNNPTNT.

Theo đó, Hội nghị đã phổ biến đầy đủ các quy định pháp luật mới của ngành chăn nuôi, đặc biệt là QCVN 01-195:2022/BNNPTNT và phổ biến, triển khai chương trình giám sát chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist (Salbutamol, Clenbuterol) và Ractopamin trong chăn nuôi.

Trao đổi, đề xuất tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật chăn nuôi, tiếp thu ý kiến phản hồi của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người chăn nuôi để làm cơ sở đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực chăn nuôi trong thời gian tới.

Ngành chăn nuôi tại Việt Nam hiện có xu hướng chuyển dịch từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung và thâm canh với quy mô lớn. Cùng với xu hướng đó, ô nhiễm môi trường chăn nuôi tại các vùng nông thôn ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Theo một số chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do chăn nuôi nhỏ lẻ, không kiểm soát được xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát ở Việt Nam, chăn nuôi quy mô trang trại và thâm canh, mặc dù có áp dụng biện pháp xử lý môi trường, nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các nguyên nhân về công tác quản lý môi trường và áp dụng công nghệ chưa phù hợp.

Chăn nuôi quy mô trang trại phải có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh: HT.

Chăn nuôi quy mô trang trại phải có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh: HT.

Theo đó, tại Hội nghị, Cục Chăn nuôi cũng phổ biến các quy định mới liên quan đến môi trường chăn nuôi như: Phân loại quy mô cơ sở chăn nuôi; quy định về vị trí, địa điểm cơ sở chăn nuôi; điều kiện bảo vệ môi trường đối với cơ sở chăn nuôi; quy định về quản lý chất thải chăn nuôi; quy định về quan trắc môi trường và báo cáo môi trường; bồi thường thiệt hại môi trường.

Riêng với quy định về vị trí, địa điểm cơ sở chăn nuôi, chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện như: Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định.

Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi. Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi.

Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vacxin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc, lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 1 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi.

Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Còn đối với chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu như: Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong chăn nuôi được tổ chức đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Bình luận