Đặc sản của Hà Nội, 15 tỉnh miền núi phía Bắc và 20 tỉnh cùng xuất hiện

Bình luận · 200 Lượt xem

Tối 21/9 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, Sở NN-PTNT Hà Nội đã tổ chức sự kiện OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cắt băng khai mạc sự kiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cắt băng khai mạc sự kiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tham dự đêm khai mạc có Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội ông Nguyễn Xuân Đại cùng nhiều lãnh đạo Sở, Liên minh HTX của các tỉnh, thành; Bí thư Quận ủy Tây Hồ, bà Lê Thị Thu Hằng cùng các lãnh đạo, phòng, ban của quận Tây Hồ. Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, mặc dù Hà Nội đi sau trong việc thực hiện chương trình OCOP, mới chỉ bắt đầu từ năm 2019 nhưng đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), gồm 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, chứng tỏ đã đi sâu vào chất lượng.

Gian trưng bày OCOP của TP Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Gian trưng bày OCOP của TP Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn. Các sản phẩm OCOP của thành phố đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đó là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung còn lệ thuộc nhiều vào liên kết vùng nguyên liệu đầu vào của các vùng miền trong cả nước, quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao, các tiêu chuẩn quốc tế ngày một khắt khe,…

Nông sản miền núi phía Bắc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nông sản miền núi phía Bắc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn sau:

(1) Đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; (2) Có quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; (3) Phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; (4) Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; (5) Phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế...

Khách tham quan mua hương tại một gian trưng bày. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khách tham quan mua hương tại một gian trưng bày. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sự kiện lần này kéo dài trong 5 ngày từ 21-25/9 với hàng trăm gian hàng và trên 2.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của của thành phố Hà Nội, 15 tỉnh miền núi phía Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ và Quảng Ninh) và 20 tỉnh, thành trong cả nước (Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Hải Dương, Quảng Trị, Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Đắc Lắc, Nghệ An, Ninh Bình).

Có thể nói, đây là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP.

Bình luận