Làm chủ quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy

Bình luận · 250 Lượt xem

TS Vũ Trọng Đại (Đại học Nha Trang) cùng nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình nuôi ốc nhảy thương phẩm cho năng suất cao, tỷ lệ lợi nhuận đạt tới 50%.

Ốc nhảy có giá trị kinh tế cao

Ốc nhảy (S. canarium) là động vật thân mềm chân bụng có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. Thịt ốc nhảy có chứa 17 loại axit amin và nhiều khoáng vi lượng. Vỏ ốc còn có thể được làm đồ mỹ nghệ rất có giá trị.

Ốc nhảy là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Kim Sơ.

Ốc nhảy là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện ốc nhảy rất được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán tại các nhà hàng, quán ăn dao động từ 10 - 15 ngàn đồng/con. Ở Việt Nam, ốc nhảy da vàng phân bố từ Bắc đến Nam, chúng phân bố từ tuyến hạ triều đến độ sâu vài ba chục mét, đáy là cát pha bùn.

Theo TS Vũ Trọng Đại, giảng viên Trường Đại học Nha Trang, để phát triển nghề nuôi ốc nhảy, thời gian qua, Đại học Nha Trang đã nghiên cứu, xây dựng thành công quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo. Quy trình này đã được chuyển giao rộng rãi cho các hộ sản xuất giống ốc nhảy tại TP Cam Ranh và TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Tuy nhiên đến nay, việc nuôi ốc nhảy thương phẩm lại chưa đạt kỳ vọng và tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh Khánh Hòa. Thời gian qua, các mô hình nuôi ốc nhảy triển khai tại một số địa phương chủ yếu là nuôi ngoài bãi triều, mật độ nuôi thấp. Do khó kiểm soát các yếu tố môi trường nên hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi thấp.

Trong giai đoạn ốc giống, thức ăn tốt nhất cho ương nuôi ốc là tảo bám và thức ăn tổng hợp. Tuy nhiên khi nuôi thương phẩm ốc nhảy, nhất là nuôi trong ao đất thì không thể sử dụng tảo bám và thức ăn tổng hợp cho ốc do không chủ động (nuôi tảo bám) và chi phí cao (thức ăn tổng hợp).

Từ năm 2019, Trường đại học Nha Trang đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật sản xuất giống ốc nhảy nhân tạo. Ảnh: Kim Sơ.

Từ năm 2019, Trường đại học Nha Trang đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật sản xuất giống ốc nhảy nhân tạo. Ảnh: Kim Sơ.

Lợi nhuận đạt 30 - 50%

Trước tình hình trên, việc nghiên cứu, tìm ra loại thức ăn chế biến có thành phần dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phương thức bắt mồi của ốc để đảm bảo được tính chủ động và hiệu quả trong quá trình nuôi thương phẩm là hết sức cần thiết. Hơn nữa, thức ăn chế biến phải dễ làm, từ các nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí thấp để đảm bảo tính khả thi và tính ứng dụng khi nhân rộng quy trình cho người dân nuôi.

Trên cơ sở phân tích những luận cứ khoa học đã được nghiên cứu và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế như trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đặt hàng Trường Đại học Nha Trang thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhảy” phù hợp với điều kiện trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, sau 30 tháng thực hiện đề tài, TS Vũ Trọng Đại, giảng viên Trường Đại học Nha Trang cùng nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình nuôi ốc nhảy thương phẩm cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo TS Vũ Trọng Đại, nhóm nghiên cứu đã xác định được nguồn thức ăn chế biến có nguồn protein từ cá tạp, tần suất cho ăn cũng như mật độ ương giống phù hợp để cho tỷ lệ tốt nhất về khả năng hấp thụ thức ăn, tỷ lệ sinh trưởng và tỷ lệ sống của ốc nhảy.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các chỉ tiêu kỹ thuật để áp dụng vào mô hình nuôi thương phẩm ốc nhảy trong ao đất và ngoài vùng triều. Theo đó, sau 10 tháng, các mô hình nuôi ốc nhảy trong ao đất tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có tỷ lệ sống đạt hơn 70%, năng suất đạt khoảng 1,5kg/m2. Còn mô hình nuôi ngoài vùng triều tại TP Cam Ranh tỷ lệ sống của ốc đạt khoảng 62%, năng suất khoảng 1,2kg/m2.

Quy trình nuôi thương phẩm ốc nhảy của Trường Đại học Nha Trang mở ra hướng mới cho người dân tại Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Quy trình nuôi thương phẩm ốc nhảy của Trường Đại học Nha Trang mở ra hướng mới cho người dân tại Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

“Sở dĩ mô hình nuôi ốc trong ao đất hiệu quả hơn do người nuôi kiểm soát được các yếu tố đầu vào và có thể chăm sóc, quản lý ốc tốt hơn. Thế nhưng mô hình nào cũng có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn nhiều so với phương pháp nuôi cũ (lợi nhuận đạt 30% đối với mô hình vùng triều và hơn 50% đối với mô hình ao đất)", TS Vũ Trọng Đại chia sẻ.

Theo PGS.TS Thái Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu đánh giá, quy trình nuôi ốc nhảy thương phẩm đã giải quyết được hạn chế của quy trình nuôi cũ, mở ra cơ hội mới cho người nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Như vậy, cùng với việc nghiên cứu, xây dựng thành công quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo ốc nhảy từ năm 2019, đến nay, Trường Đại học Nha Trang đã làm chủ hoàn toàn từ quy trình sản xuất giống cho đến quy trình nuôi thương phẩm ốc nhảy, giúp người dân tiến tới hình thành nghề nuôi mới tại Khánh Hòa.

TS Vũ Trọng Đại cho biết, ốc nhảy có đặc điểm sinh học, khả năng thích ứng với điều kiện môi trường tương tự như ốc hương. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển nghề nuôi thương phẩm ốc nhảy ở những vùng đã đươc quy hoạch nuôi ốc hương của tỉnh Khánh Hòa.

Bình luận