Hội nhập quốc tế trong nông nghiệp: Cách nào để giành thế chủ động?

Bình luận · 1015 Lượt xem

Thời gian qua, hội nhập về kinh tế quốc tế đã góp phần tạo động lực phát triển mới cho nông nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; song, quá trình hội nhập đặt ra nhiều thách thức như gia tăng cạnh tranh và áp lực tới sả

Thách thức mới ở phía trước

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam không ngừng tăng trong những năm qua, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỷ trọng xuất khẩu nông sản trong xuất khẩu hàng hóa luôn ổn định ở mức cao, đạt 26 - 27%. Nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu ra ổn định thị trường thế giới, với mức 8,5 tỷ USD năm 2013 và 9,5 tỷ USD trong năm 2014. Hiện, Việt Nam có 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu với kim ngạch hơn 1 tỷ USD… Năm 2014, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả nước đạt hơn 30 tỷ USD, tiếp tục là lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cao, với 9,5 tỷ USD.

Thông qua mở rộng thị trường quốc tế và khu vực, các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam đã dần chinh phục và chiếm lĩnh thị trường thế giới, đem lại kim ngạch xuất khẩu cao cho đất nước. Việt Nam trở thành quốc gia có vị thế lớn trên thị trường thế giới với một số mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, cà phê, tiêu, điều, cao su... Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản luôn xuất siêu và ngày càng tăng, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, góp phần cân đối cán cân thương mại của Việt Nam.

Việt Nam là nước có lợi thế rất lớn về đất đai, khí hậu, có thể trồng cây quanh năm. Đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều loại cây trồng phong phú và đa dạng, có nhiều nông sản lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, năng suất nhìn chung còn thấp, khoa học công nghệ kém phát triển, khả năng hợp tác liên kết yếu, thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ… là những rào cản nội tại đối với sự phát triển của nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam khó tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao để có thể trụ vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Bởi vậy, khi kinh tế Việt Nam chính thức hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì lĩnh vực nông nghiệp khó tránh khỏi nhiều thách thức. Cùng với cam kết hội nhập, khi rào cản thuế được dỡ bỏ thì những rào cản kỹ thuật, những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm thực sự là những trở ngại lớn đối với nông sản Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, khi mở cửa thị trường, ngành nông nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nếu tiếp tục cách làm ăn manh mún, cổ điển như hiện nay, ngành nông nghiệp sẽ thua và không đủ sức cạnh tranh. Do vậy, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần nghĩ đến lộ trình dài hơn, không phải chu kỳ 5 - 6 năm, mà ít nhất là chu kỳ 10 năm.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, quá trình hội nhập cũng đồng nghĩa với việc các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi cạnh tranh với các nước có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, như Australia, New Zealand, Hoa Kỳ... Đơn cử như: Năng suất trồng cây mía của Việt Nam hiện rất thấp. Để trồng 1 tấn mía, Việt Nam phải mất chi phí lên đến 55 USD, trong khi Brasil chỉ mất 16 USD, Australia mất khoảng 20 USD, Thái Lan là 30 USD.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chỉ ra những điểm yếu của ngành chăn nuôi, trong đó có 3 đối tượng “nguy cấp” chính là heo, gà, bò. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng. Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh. Chính vì vậy, cả ngành chăn nuôi gà, heo đang đứng trước nguy cơ bị thua thiệt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, tuy các sản phẩm ngành chăn nuôi Việt Nam đã được bảo hộ bằng thuế, quy định kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng sắp tới, các mặt hàng thịt trâu, bò, sữa… về với mức thuế 0% sẽ là một áp lực cạnh tranh lớn. Nếu không có biện pháp kịp thời, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ nông sản của các nước. Điều đó dẫn đến sản xuất trong nước sẽ co lại, nông dân không còn cơ hội để sản xuất và tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, còn thiếu vắng những hoạt động hỗ trợ về mặt kỹ thuật, pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng đối với nông nghiệp để thực hiện hiệu quả các cam kết trong hội nhập. Đầu tư cho nông nghiệp chưa thỏa đáng, cơ cấu sản xuất để khai thác cơ hội thị trường và phát huy lợi thế so sánh của các vùng chậm điều chỉnh. Cả năm 2014, tổng đầu tư vào nông nghiệp là 61.000 tỷ đồng, chỉ gần bằng 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp cả nước và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Bên cạnh đó, nông nghiệp còn thiếu quy hoạch vùng và chính sách đầu tư phù hợp vào ngành nghề cụ thể mà thị trường có nhu cầu cao và Việt Nam có thế mạnh sản xuất, cạnh tranh.

Chưa thực sự sẵn sàng

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khi thực hiện các cam kết thương mại song phương và khu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu tạo cơ hội phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh nông, lâm, thủy sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo thay đổi trong cơ cấu sản xuất, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh quốc tế, hướng tới xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp dường như vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc. Theo ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, nhiều mặt hàng địa phương sản xuất ra đã không thể cạnh tranh ở thị trường nội địa.

Ông Mai Anh Nhị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, trong quá trình hội nhập, cả địa phương lẫn doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Đã có nhiều trường hợp do không đảm bảo được yêu cầu đặt ra của thị trường xuất khẩu cũng như các rào cản thương mại nên kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, doanh nghiệp phải chịu thiệt.

Một trong những trở ngại đối với ngành nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập là khả năng tiếp cận thông tin còn hạn chế, đặt biệt là các thông tin cụ thể như tiến trình đàm phán các FTA, nội dung các điều khoản đàm phán, điều kiện đặt ra đối với các mặt hàng hóa xuất nhập khẩu, các mức thuế ưu đãi dự kiến được áp dụng hay khả năng cạnh tranh của các mặt hàng cụ thể…

Tăng cường liên kết, chủ động hội nhập

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và đây sẽ là giải pháp quan trọng thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hội nhập.

Theo ông Trần Kim Long, thời gian tới, ngành nông nghiệp nông thôn cần tiếp tục định hướng chiến lược cụ thể, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc chủ động tham gia các cam kết thị trường quan trọng mang tính chiến lược của khu vực và thế giới. Đồng thời, tăng cường tiếp cận các thị trường nông sản quan trọng; ưu tiên tăng cường hợp tác với các đối tác lớn về sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đồng quan điểm, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cho rằng, quy mô nhỏ hơn nhưng chất lượng tốt hơn mới đảm bảo thắng lợi của ngành nông nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, cần liên kết cả với các công ty xuyên quốc gia để đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, để không bị yếu thế, các thành viên hiệp hội phải tiêu dùng sản phẩm của nhau, mặt hàng này sẽ là thị trường cho mặt hàng khác. Đơn cử, sản xuất lúa gạo phải gắn liền và liên kết với chăn nuôi. TS. Lê Đăng Doanh gợi ý, điều cần làm hiện nay chính là xây dựng chuỗi giá trị doanh nghiệp - nông dân - xuất nhập khẩu trong và ngoài nước - ngân hàng - viện nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần thông tin kịp thời và toàn diện hơn nữa những rủi ro có thể gặp phải nhằm giúp các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do đến sản xuất - kinh doanh. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng chiến lược và giải pháp thích ứng, chủ động hội nhập. Ở chiều ngược lại, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, để chủ động đàm phán các hiệp định thương mại tự do để đạt hiệu quả cao nhất thì cơ quan quản lý nhà nước cũng rất cần thông tin từ phía doanh nghiệp và địa phương để xác định những lợi thế, thế mạnh của từng vùng, khu vực và sản phẩm có lợi thế để đưa vào đàm phán đối với những thị trường xuất khẩu mà nông sản Việt Nam hướng đến, từ đó bảo đảm lợi ích cao nhất.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ chủ động tham gia các cam kết thị trường quan trọng, mang tính chiến lược của khu vực và thế giới, tăng cường tiếp cận các thị trường nông sản quan trọng. Việc thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cũng là tiến trình mà ngành nông nghiệp chuyển từ bị động sang chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=BTC263982

Bình luận