Nhu cầu đường công nghiệp tại Việt Nam với ngành chế biến thực phẩm đồ uống (tiếp theo và hết)

Bình luận · 182 Lượt xem

Từ đánh giá nhu cầu đường công nghiệp tại Việt Nam qua khảo sát các nhà máy chế biến thực phẩm, cần có biện pháp để đẩy mạnh bảo hộ sản xuất đường trong nước.

Giảm nguồn cung mía và nhà máy tác động mạnh đến sản lượng đường sản xuất trong nước, trong khi nhu cầu đường của các nhà máy chế biến thực phẩm, đồ uống ngày càng tăng cao. Dù ngành mía đường nội địa được hỗ trợ linh hoạt bằng các chính sách nhập khẩu từ nhà nước nhưng chưa thực sự đáp ứng được lượng tiêu thụ, dẫn đến tình trạng nhập lậu đường vẫn còn khá phổ biến. Dẫn nối dữ liệu từ báo cáo “Đánh giá nhu cầu đường công nghiệp tại Việt Nam từ khảo sát các nhà máy chế biến thực phẩm” (*), chính phủ và các bên liên quan cần có biện pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác bảo hộ sản xuất đường trong nước.

Bài toán mất cân bằng cung cầu đường công nghiệp

Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường tháng 8/2023, vụ mía 2022/2023 cả nước sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,6 triệu tấn mía và sản xuất được 935 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2021/22 sản lượng mía ép đạt 128% và sản lượng đường đạt 125%. Tồn kho cuối kỳ năm 2022 là khoảng 395 ngàn tấn. Lượng đường nhập khẩu chính ngạch đến tháng 7/2023 là 452 ngàn tấn. Như vậy lượng cung đường trong nước nếu tính cả số nhập khẩu đến tháng 7/2023 là 1,76 triệu tấn.

Trong khi đó, lượng tiêu dùng đường trong nước ước tính khoảng 2,24 triệu tấn. Trong đó, dựa theo điều tra mức sống dân cư, nhóm nghiên cứu ước lượng tiêu dùng cho hộ gia đình là khoảng 429 ngàn tấn. Tiêu dùng cho công nghiệp chế biến thực phẩm đồ uống khoảng 1,8 triệu tấn. Ngoài ra, lượng đường xuất khẩu của cả năm theo ước tính của Hiệp hội mía đường là khoảng 147 ngàn tấn. Như vậy tổng cầu đường mía của cả nước năm 2023 (tính cả xuất khẩu) ước đạt khoảng 2,39 triệu tấn.

Như vậy, để bù đắp lượng đường thiếu hụt từ đây đến cuối năm thì Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 625 ngàn tấn.

TT

Chỉ tiêu

Lượng (tấn)

1

Tổng cung trong nước 2023

1.762.816

 

Tồn kho cuối năm 2022*

395.070

 

Ước tính sản xuất trong nước vụ 2022/23*

915.788

 

Lượng đường NK đến Tháng 7/2023

451.958

2

Tiêu thụ năm 2023

2.389.429

 

Dự kiến lượng đường xuất khẩu*

147.142

 

Lượng tiêu dùng trong nước. Trong đó:

2.241.858

 

Hộ gia đình***

428.846

 

Doanh nghiệp, cơ sở, hộ chế biến thực phẩm, đồ uống….****

1.813.012

3

Lượng thiếu hụt từ tháng 7 đến cuối năm 2023

626.613

Ước lượng cung - cầu đường mía năm 2023 (tính theo số nhập khẩu tại thời điểm tháng 8/2023. (Nguồn: Báo cáo tình hình sản xuất mía đường của Hiệp hội mía đường tháng 5/2023; Tổng Cục Hải quan; Tính toán theo điều tra mức sống dân cư VHLSS của GSO; Ước tính từ điều tra doanh nghiệp chế biến thực phẩm 40 doanh nghiệp khảo sát ước tính chiếm 21% lượng đường công nghiệp tiêu thụ, ước tổng mức tiêu thụ đường công nghiệp khoảng 1,8 triệu tấn).

Thực trạng nguồn cung – cầu đường trong nước đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt do sản xuất đường liên tục suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đường công nghiệp ngày càng tăng. Việc thiếu hụt đường gần đây giúp giá mía và đường trong nước có xu hướng ổn định, người nông dân trồng mía có giá bán tốt hơn nhưng nhu cầu tiêu thụ bị thiếu hụt.

Hạn ngạch ưu đãi nhập khẩu bị khống chế không đáp ứng được nhu cầu, thuế nhập khẩu đường chính ngạch ngoài hạn ngạch cao gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu khi giá đường thế giới tăng cao. Tình trạng này dẫn đến gia tăng nhập lậu đường qua các nước như Lào, Campuchia với giá thấp hơn do không phải nộp thuế và cạnh tranh không lạnh mạnh với đường sản xuất trong nước và đường nhập chính ngạch. Điều này cho thấy để có thể đảm bảo nhu cầu tiêu thụ đường công nghiệp đồng thời ổn định giá đường cho người tiêu dùng, hạn chế nhập lậu thì cần có chính sách thương mại linh hoạt đặc biệt là trong chính sách hạn ngạch đường nhập khẩu.

Trong ngắn hạn, cần có những điều chỉnh hợp lý tăng hạn ngạch nhập khẩu và tiếp tục thực hiện giải pháp phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thông qua đấu giá công khai minh bạch nhằm duy trì cân đối cung cầu bình ổn giá đường trong nước. Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu đánh giá tổng thể ngành mía đường để xây dựng các kịch bản xác định lượng hạn ngạch nhập khẩu tối ưu, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu đồng thời vẫn ổn định giá mía cho hộ nông dân, đánh giá và nghiên cứu chính sách hiệu quả hỗ trợ cho các hộ trồng mía, các nhà máy chế biến, đầu tư nghiên cứu giống mới có năng suất chất lượng cao giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm đường Việt Nam. Tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế.

Ngoài ra, để bảo vệ sản xuất đường trong nước, cần tăng cường các giải pháp để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại mặt hàng đường, quản lý chặt hình thức nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và xuất xứ nguồn gốc hàng hóa nhằm ổn định, phát triển lành mạnh thị trường đường trong nước.

* Về báo cáo “Đánh giá nhu cầu đường công nghiệp tại Việt Nam từ khảo sát các nhà máy chế biến thực phẩm”, của ThS. Vũ Huy Phúc - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn:

SỐ LIỆU SỬ DỤNG TRONG BÁO CÁO

Báo cáo sử dụng hai nguồn số liệu chính:

(i) Số liệu thứ cấp: gồm số liệu về diện tích, sản lượng mía, sản lượng đường của các nhà máy, tỉnh hình xuất khẩu, nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của người dân…) được thu thập từ báo cáo của các đơn vị trong nước như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), Bộ Công thương…).

(ii) Số liệu sơ cấp: gồm số liệu về hiện trạng và nhu cầu tiêu dùng đường công nghiệp từ khảo sát 45 nhà máy chế biến thực phẩm, đồ uống

TT

Nhóm ngành

Số DN khảo sát

Tỷ trọng %

 

Nước giải khát

13

29%

 

Chế biến sữa - kem

6

13%

 

Thực phẩm

21

47%

 

Bánh kẹo

3

7%

 

Dược phẩm

1

2%

 

Khác

1

2%

 

Tổng

45

100%

(iii) Tham vấn chuyên gia: Phỏng vấn chuyên gia ngành mía đường để đánh giá những khó khăn, triển vọng, giải pháp của ngành đường trong giai đoạn tới.

Bình luận