Bến Tre phát triển kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp

Bình luận · 704 Lượt xem

Sau thời gian dài cải tạo thiên nhiên và tập quán canh tác, nông nghiệp Bến Tre đã thật sự chuyển sang sản xuất hàng hóa. Lối làm ăn cũ tự cung, tự cấp đã lùi vào dĩ vãng, nếu còn cũng nằm đâu đó ở sau nhà của người nông

Bến Tre phát triển kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp

Nền tảng ban đầu

Sau thời gian dài cải tạo thiên nhiên và tập quán canh tác, nông nghiệp Bến Tre đã thật sự chuyển sang sản xuất hàng hóa. Lối làm ăn cũ tự cung, tự cấp đã lùi vào dĩ vãng, nếu còn cũng nằm đâu đó ở sau nhà của người nông dân, như bụi hành nêm canh, vài thứ rau sống góp phần cho thơm mâm cơm ở vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, nông nghiệp Bến Tre chỉ còn nuôi trồng mấy cây, con phổ biến như lúa, dừa, mía, cây ăn trái, heo, bò, gà, vịt. Diện tích trồng lúa còn 80.000 ha, năng suất gần 50 tạ/ha. Mặc dù liên tục giảm diện tích nhưng Bến Tre vẫn dư gạo để xuất khẩu. Chủ trương của tỉnh là tiếp tục giảm diện tích, từ làm ba vụ xuống còn hai vụ lúa hoặc một vụ lúa, một vụ màu trong năm với giống mới, gạo ngon. Cây mía duy trì ở diện tích gần 10.000 ha, cố gắng nâng năng suất lên 90 đến 100 tấn/ha bằng giống mới, chữ đường cao. Cây dừa ổn định 39.000 ha, đang cho trái hơn 34.000 ha, sắp tới có thể tăng lên đôi chút. Việc trồng xen cây ca-cao, cây bưởi, dưới mương nuôi tôm, cá không chỉ làm dừa tăng sản lượng, mà còn nâng được giá trị kinh tế trên một diện tích cây trồng, đang được nông dân trồng dừa nhân rộng. Cây ăn trái có diện tích hơn 39.000 ha, sắp tới sẽ tăng hơn và đang có xu hướng chuyển dần sang các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, như bưởi (da xanh, năm roi, đường), măng cụt, sầu riêng (chủ yếu là sữa cơm vàng hạt lép), xoài cát Hòa Lộc. Chăn nuôi tiếp tục duy trì đàn bò và heo theo hướng nạc và sind hóa, tỉnh đang tiếp tục nhân rộng mô hình cây con khép kín đạt chất lượng và hiệu quả cao từ hai huyện Mỏ Cày và Giồng Trôm.

Mấy năm về trước, Tỉnh ủy Bến Tre có nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp. Từ các dự án cụ thể đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả, làm tiền đề phát triển bền vững. Cây bưởi da xanh có ông Hai Hoa ở Chợ Lách, với phương pháp mới, khoa học, bắt bưởi cho trái quanh năm theo ý muốn. Giống sầu riêng sữa cơm vàng hạt lép của ông Chín Hóa đã có thương hiệu. Trồng rau sạch ở Sơn Ðông mở ra hướng đi cho thị trường trong tỉnh. Giống lúa mới ở Mỹ Nhơn (Ba Tri), An Hiệp (Châu Thành) và một số xã của Giồng Trôm ngày càng chiếm lĩnh thị trường, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Cây ca-cao xen dừa ở nhiều xã của Châu Thành không chỉ là mô hình trồng, gắn với thu hoạch chế biến hạt khô, được thị trường Mỹ rất ưa chuộng...

Còn đó những lo toan

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Bến Tre có những vùng đất rất thích hợp cho nhiều cây đặc sản phát triển, mà ít nơi nào có được như: Bưởi da xanh, sầu riêng sữa cơm vàng hạt lép, một măng cụt chất lượng không thua  vườn cây ăn trái Lái Thiêu (Bình Dương), cam soàn ngọt lịm và cây dừa có hàm lượng chất béo rất cao,... Nhưng đứng trước một "sân chơi" rộng lớn như WTO, cùng với tâm lý phổ biến tồn tại lâu nay trong người nông dân ở đây: "thích cây gì trồng cây ấy", hoặc chạy theo phong trào "thấy ai có thì mình cũng phải làm theo", không tính đến yếu tố thị trường và không biết có phù hợp với chất đất của vùng nào, nông nghiệp Bến Tre vẫn phải đối mặt nhiều thách thức: Số lượng, mẫu mã, chất lượng, giá cả và an toàn thực phẩm. Tiếng là tỉnh xứ dừa, nhưng không đủ cho chế biến và xuất khẩu; mang tiếng là tỉnh có vùng cây ăn trái nhưng khi khách đến đặt hàng định kỳ, mỗi lần chỉ một container thôi cũng không dám ký hợp đồng. Ðó là chưa kể đến kích cỡ, mầu sắc, bao bì,... Vẫn còn phổ biến tình trạng mua thúng, bán bưng. Chất lượng nông sản cũng vậy. Rất khó xác định nguồn gốc giống, mặc dù bước đầu đã có một vài loại sản phẩm được cấp chứng chỉ.

 

Một thực tế là nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, sản xuất manh mún, lại thu hoạch rộ một thời điểm nên tiêu thụ nông sản nhất là cây trái còn khó khăn. Ngay như cùng một loại sản phẩm cũng đã có chênh lệch, huống chi là các loại cây ăn trái khác.

Một số giải pháp

Ðứng trước một thực trạng nông nghiệp tưởng chừng như không có lối ra, để đáp ứng cho yêu cầu mới của thời kỳ kinh tế hội nhập, tỉnh Bến Tre đã đề ra nhiều giải pháp: Bên cạnh tạo chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, thấy rõ hết thuận lợi, khó khăn của tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tỉnh tiếp tục thực hiện các dự án, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến phù hợp thực tế địa phương; chuyển dịch đồng bộ cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn; phát triển cây con hợp lý gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Chú trọng phát triển kinh tế hộ, đẩy mạnh kinh tế hợp tác, không nhất thiết phải toàn bộ các khâu, tùy theo đặc điểm cụ thể của từng vùng, từng loại cây mà tiến hành trong từng khâu hợp lý. Chẳng hạn bưởi da xanh có đặc điểm phải trồng trong một vùng rộng lớn mới tạo ra một sản phẩm ngon và trái đẹp, vậy là tỉnh đã có quy hoạch từng vùng trồng bưởi. Cây ca-cao thích nấp dưới bóng dừa đơm hoa kết quả, làm đẹp cho đời, tỉnh cũng đã quy hoạch cụ thể vùng trồng cây ca-cao. Trên cơ sở đó, tiến hành đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, tăng cường công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, nhằm tạo nên sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao; thực hiện các giải pháp bảo quản sau thu hoạch; giải quyết môi trường và an toàn thực phẩm hàng nông sản; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng; ưu tiên phát triển giao thông, thủy lợi. Một trong những giải pháp được tiến hành ngay là triển khai đồng bộ chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện hỗ trợ người dân nơi đây phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện ăn, ở, đi lại và học hành, từng bước nâng mức hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin,... tiến tới thu hẹp dần khoảng cách giữa các  vùng trong tỉnh. Bến Tre xem đây là điều kiện để chủ động và tích cực hội nhập kinh tế hiệu quả.

Bình luận