Giá mít giảm sâu, nhà vườn thất thu gần hai tỷ đồng. |
Những ngày này, đến xã Đông Phước A, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích trồng mít Thái với khoảng 1.500ha trên tổng số 5.585ha của tỉnh Hậu Giang, không khí vắng lặng như chợ chiều. Tại các vựa mít, không còn hình ảnh những chiếc xe chở đầy ắp mít Thái chạy ngược, chạy xuôi, không còn tấp nập kẻ mua người bán...
Theo các chủ vựa mít Thái nơi đây, thị trường tiêu thụ mít Thái chủ yếu là từ Trung Quốc. Nhưng do ảnh hưởng từ dịch bệnh nCoV, nên từ sau Tết Nguyên đán đến nay, việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá mít Thái xuống thấp, thương lái cũng không mặn mà thu mua. Nhiều nông dân không tìm được thương lái thu mua, phải chịu cảnh bỏ trái chín đến thối.
Ông Lê Văn Lướt ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho biết, gia đình ông trồng 600 cây mít Thái trên diện tích 6.000m2. Ngày 26 Tết, mít vẫn bán được với giá từ 30 – 35 nghìn đồng/kg, nhưng khoảng 10 ngày nay, giá sụt xuống còn từ 3 – 8 nghìn đồng/kg, tùy theo thương lái thu mua.
Ông Lướt rầu rĩ nói: “Sau Tết, vườn của tôi còn khoảng ba tấn mít chưa thu hoạch, với giá cả bấp bênh như vậy chắc thu không được bao nhiêu. Chỉ sợ là thương lái không thu mua nữa, số mít này không biết xử lý ra sao?”. Theo ông Lướt, đợt giảm giá lần này nông dân không lường trước được. Trong năm trước cũng có một đợt sụt giá nhưng cũng vẫn còn ở mức 18 – 20 nghìn đồng/kg, chỉ có đợt sụt giá lần này là mạnh nhất.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, diện tích mít trên địa bàn tỉnh hiện có 5.585ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ. Đến nay đã thu hoạch 1.731ha, năng suất ước đạt 23 tấn/ha. Với diện tích chưa thu hoạch, nếu so giá hiện tại với giá hồi trước Tết Nguyên đán, ước tính bà con nông dân thất thu gần hai tỷ đồng.
Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang thông tin, do tác động từ dịch bệnh nCoV, nên không chỉ mít Thái mà một số mặt hàng nông sản khác của tỉnh như chanh không hạt, thanh long … xuất sang thị trường Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng khá lớn. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, ông Long khuyến cáo, bà con nên cắt bỏ trái ở đợt trái này để nuôi dưỡng cây chờ thu hoạch những đợt trái tiếp theo, với hy vọng sau ảnh hưởng của dịch nCoV, giá nông sản sẽ tăng trở lại.