Vida kiến nghị Thủ tướng 5 nội dung cốt lõi của Nông nghiệp số

Bình luận · 205 Lượt xem

Theo Phó Chủ tịch Vida Thân Văn Hùng, nếu thực hiện được 5 nội dung này sẽ là bước tiến mới của nông nghiệp số.

Ngày 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp - Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững.

Tham dự hội nghị với Tham luận đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (Vida) đã có 5 đề xuất, kiến nghị của tổ chức này đến Thủ tướng và Chính phủ.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hùng cho biết, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam là tổ chức tập hợp các tập đoàn, doanh nghiệp, các câu lạc bộ, hợp tác xã đang đầu tư sản xuất kinh doanh nông nghiệp, lĩnh vực công nghệ số tại Việt Nam, gọi tắt là Vida.

Tôn chỉ hoạt động của Vida gắn bó chặt chẽ với các mục tiêu quốc gia Thủ tướng đã phát động, đặc biệt tích cực hưởng ứng Nghị quyết số 53 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng số hóa nền kinh tế, trong đó nông nghiệp là ngành hết sức trọng tâm…

Thủ tướng thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp

Trong bối cảnh thị trường ngày càng khó tính, đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình sản xuất phải minh bạch và đảm bảo an toàn, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp có nền tảng công nghệ có nhiều hấp dẫn cho các nhà đầu tư, dư địa phát triển còn rất rộng, nhưng tính đến cuối năm 2018 mới có khoảng 5.000 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ trên cả nước, hầu hết vẫn là nhỏ và siêu nhỏ. Tổng mức vốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt mức gần 400.000 tỷ đồng. Để thúc đẩy đầu tư lĩnh vực này thành công và hiệu quả hơn nữa, Vida kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ 5 vấn đề như sau:

Thứ nhất, quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng nền tảng công nghệ  và công nghệ số cần có hạ tầng phù hợp và đồng nhất. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng địa phương phải dựa trên nền tảng lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và quy mô thị trường, lấy sản xuất chuyên canh và quy mô lớn làm mục tiêu quy hoạch, đồng nhất về hạ tầng.

Đồng thời hình thành vùng, khu vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nêu trên sớm được hiện thực hóa, Vida mạnh dạn kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ phân cấp thẩm quyền để thiết lập, công nhận các khu công nghệ cao cho địa phương, tương tự như các tỉnh thành công nhận cụm công nghiệp như trước đây.

Đây là bước quan trọng, bước tiến tiếp theo sau khi Chính phủ giao cho các tỉnh công nhận các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai, tối ưu hóa các nghiên cứu công nghệ phù hợp ứng dụng phát triển nông nghiệp số. Phát huy hiệu quả nghiên cứu các đề án nghiên cứu từ Bộ NN-PTNT, Bộ KHCN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng kết quả nghiên cứu như Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng KHCN sinh học trong lĩnh vực NN-PTNT đến năm 2020, Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến 2020 và nhiều nghiên cứu khác liên quan đến nông nghiệp. Hiện nay đang có khoảng cách rất lớn giữa các nhà khoa học với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ trong nông nghiệp nên Vida đề xuất các bộ cần tập trung đưa ra các giải pháp cho vấn đề này.

Thứ ba, cần đẩy nhanh đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp ứng dụng nền tảng công nghệ bởi đây là vấn đề hết sức mấu chốt để đảm bảo nguồn nhân lực tham gia. Vida đề xuất xem xét các cơ sở đào tạo quốc tế để đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ nghiên cứu, chuyên gia công nghệ cán bộ quản lý để nắm bắt chủ động và sâu sát hơn diễn biến theo hướng đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng nền tảng công nghệ. Từ đó góp phần xây dựng, hoạch định, thực thi chính sách liên quan được hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó cần khuyến khích, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp có cơ chế phối hợp với các cơ sở đào tạo trong nước, nước ngoài chủ động đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nông nghiệp ứng dụng công nghệ.

Thứ tư, tập trung phát triển nền tảng số để tiến tới hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đề xuất Chính phủ và Bộ chủ quản quan tâm, tập trung kêu gọi nguồn lực để xây dựng hệ thống nền tảng số quan trọng như: Xây dựng sàn giao dịch công nghệ trong nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư pháp lý tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy các hoạt động trong nông nghiệp.

Xây dựng dữ liệu lớn BigData trong nông nghiệp để tạo điều kiện cho quản lý và chủ động quy mô sản xuất, giám sát chất lượng nông sản. Lấy tiêu chuẩn thị trường là mục tiêu.

Thứ năm, nguồn vốn phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp là vấn đề rất quan trọng, rất cần sự quan tâm của Chính phủ và bộ, ngành. Nhà nước cần có vòng vốn nhằm khuyến khích các nhà đầu tư lớn, bởi đây là bí quyết của rất nhiều quốc gia mạnh lên từ nông nghiệp, đi đôi với việc kêu gọi vốn, đầu tư vốn thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu. Một số chính sách song song như ưu đãi thuế, ưu đãi quy trình đầu tư…

Hoàng Anh
Bình luận