Giữ gìn nghề siêu rượu men lá ở bản Năng Cát

Bình luận · 229 Lượt xem

Từ lâu, bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh, Thanh Hóa) đã nổi tiếng với nghề nấu rượu truyền thống (tiếng Thái gọi là siều láu), nguyên liệu từ gạo nếp thơm và men lá...

 

Từ lâu, bản Năng Cát, xã Trí Nang (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) đã nổi tiếng với nghề nấu rượu (siêu rượu) truyền thống (tiếng Thái gọi là siều láu). Nguyên liệu của các loại lá rừng tự nhiên cùng gạo nếp thơm, cộng với bí quyết lâu năm trong nghề của người dân nơi đây đã tạo nên sản phẩm mang hương vị riêng biệt.

 

Nghề siêu rượu ở bản Năng Cát có từ lâu, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đã 35 năm gắn bó với nghề, chị Ngân Thị Quyến (bản Năng Cát) chia sẻ: “Từ năm 15 tuổi, tôi đã đi theo người lớn vào rừng hái lá cây về làm men lá, thấy mọi người chỉ cây gì tôi hái cây đó, dần dần cũng thuần thục trong việc sưu tầm lá cây, một trong những nguyên liệu quan trọng để tạo thành men”.

 

Sau khi lập gia đình, chị Quyến vẫn chọn nghề siêu rượu, bởi theo chị, đây là nghề phù hợp với nhà nông, có thị trường rộng và thu nhập ổn định. Mới đầu chỉ bán nhỏ lẻ, dần dần nhiều khách tìm đặt mua, nên chị đã siêu rượu tăng dần. Hiện mỗi tháng gia đình chị bán ra khoảng 1.000 lít rượu, chủ yếu phục vụ thị trường trong huyện và một số huyện lân cận.

 

Những yếu tố làm nên hương vị riêng của rượu siêu men lá ở bản Năng Cát là nhờ vào khí hậu mát mẻ, nguồn nước trong sạch, men lá tự nhiên, đun nấu bằng bếp củi, có nước ra vào thường xuyên trong khi siêu rượu. Rượu ở đây hương vị rất thơm và êm dịu.

 

Nguồn nước lấy để siêu rượu ở trên đỉnh núi Chí Linh Sơn (Pù Rinh theo tên gọi người bản địa), nơi có độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, được gia đình chị Quyến dẫn về bể chứa, bể lọc để bảo đảm nguồn nước sử dụng lâu dài.

 

Để có được giọt rượu ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn. Thông thường để có được rượu men lá phải trải qua quá trình chuẩn bị khoảng 2 tháng, quy trình làm rượu rất kỳ công. Nhằm nâng cao chất lượng rượu, gia đình chị Quyến cũng lắp hệ thống máy lọc để loại bỏ thành phần Aldehyt, Metanol trong rượu; in nhãn mác, địa chỉ, chai đựng rượu. Sản phẩm rượu men lá đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

 

Từ khi thành lập, sản phẩm rượu siêu men lá Bình An của gia đình chị Ngân Thị Quyến đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bước đầu đã tạo được uy tín với khách hàng.

 

Niềm vui nhân lên khi năm 2023, rượu siêu men lá Bình An của hộ kinh doanh Ngân Thị Quyến được "chọn mặt gửi vàng" để tham gia chương trình sản phẩm OCOP, mở ra hi vọng sẽ được công nhận để trở sản sản phẩm OCOP đầu tiên của địa phương. Điều này sẽ khẳng định chất lượng, đưa vị thế sản phẩm rượu siêu men lá ở đây lên tầm cao mới.

 

Hiện nay, với quy mô hộ gia đình một năm sản lượng đạt gần 25.000 lít, cơ sở siêu rượu của chị Quyến đã tạo được nhiều công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.

 

Nghề nấu rượu đã giúp đời sống gia đình chị Quyến có cuộc sống tốt hơn, thời gian tới gia đình tiếp tục chú trọng chất lượng sản phẩm, giữ lấy nghề truyền thống, không chạy theo thương mại hóa mà đánh mất thương hiệu, uy tín của nghề. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong bản cùng làm nghề nấu rượu truyền thống để phát triển bền vững.

Bình luận