Miến gạo Phúc Thịnh: Từ mẻ đầu lỗ 2 tấn gạo tới sản phẩm OCOP

Bình luận · 233 Lượt xem

Anh Nhạc là một trong số ít người trẻ khởi nghiệp thành công bằng nghề làm miến. Năm 2021, 'Miến gạo Phúc Thịnh' được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa.

Lỗ 2 tấn gạo ngay mẻ đầu

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2012, anh Trịnh Đình Nhạc quyết định về quê lập nghiệp. Nói về quyết định này, anh chia sẻ: “Bố mẹ chưa bao giờ ngăn cản ý định của tôi, nhưng họ lo vì từ trước nay tôi chưa từng làm công việc chân tay. Hàng xóm láng giềng thì bảo chắc vợ chồng không xin được việc ở thành phố nên mới về quê. Bởi vậy, mặc dù có ý tưởng khởi nghiệp nhưng tôi chịu áp lực rất lớn”.

Anh Trịnh Đình Nhạc, chủ cơ sở sản xuất miến gạo Phúc Thịnh. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Trịnh Đình Nhạc, chủ cơ sở sản xuất miến gạo Phúc Thịnh. Ảnh: Quốc Toản.

Năm 2014, vợ chồng anh Nhạc bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề nấm. Tuy nhiên, do đây là công việc có tính thời vụ nên sau một thời gian gắn bó, vợ chồng anh quyết định chuyển sang nghề làm miến.

Theo anh Nhạc, nghề làm miến tại xã Quý Lộc (nay là thị trấn Quý Lộc, Yên Định, Thanh Hóa) có lịch sử khoảng 20 năm. Thời điểm đó, người dân chủ yếu làm miến để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, phần còn lại cung cấp cho bà con trong xã. Vì vậy, miến gạo Quý Lộc chưa thể trở thành thương hiệu nổi tiếng.

Thuở lập nghiệp, vợ chồng anh Nhạc thừa nhận còn khá lớ ngớ về nghề miến. Để có kinh nghiệm, vợ chồng anh chị phải “cắp sách" đi học công thức làm miến tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Sau khi học được bí quyết, anh Nhạc bàn với vợ thuê mảnh đất rộng gần 1.000m2 tại xã Quý Lộc, đồng thời vay tiền đầu tư máy móc, tuyển nhân công vận hành sản xuất. Do nguồn lực hạn hẹp và để giảm chi phí trong sản xuất, vợ chồng ông chủ thương hiệu miến Phúc Thịnh quyết định “biến” mình thành công nhân.

Năm 2017, mẻ miến thành phẩm đầu tiên ra đời, nhưng không được như kỳ vọng. Vợ chồng anh Nhạc lỗ vốn cả chục triệu đồng, tương đương với 2 tấn gạo.

Miến gạo của cơ sở sản xuất Phúc Thịnh. Ảnh: Quốc Toản.

Miến gạo của cơ sở sản xuất Phúc Thịnh. Ảnh: Quốc Toản.

“Miến làm ra chưa đạt chất lượng nên không ai mua, đành phải bán rẻ cho các hộ làm thức ăn gia súc. Phần còn lại có thể sử dụng tôi bán lẻ cho bà con trong xóm với giá rẻ để gỡ gạc vốn. Để khắc phục hạn chế trong quá trình sản xuất miến gạo, có thời điểm, hai vợ chồng chỉ dành khoảng 3 tiếng trong ngày để nghỉ ngơi. Còn lại, phần lớn thời gian gia đình tôi đều túc trực tại xưởng miến", anh Nhạc kể.

Để nâng cao chất lượng miến, anh Nhạc quyết định vay mượn bạn bè, người thân đầu tư máy móc, thiết kế bao bì, nhãn mác để làm miến gạo chất lượng cao.

Theo chủ cơ sở sản xuất miến Phúc Thịnh, để sản phẩm miến đạt chất lượng, ngoài việc đầu tư khoa học, công nghệ trong sản xuất thì khâu chọn nguyên liệu cũng không kém phần quan trọng.

“Về nguyên liệu miến, tôi thường sử dụng gạo Q5. Loại gạo này cho sợi miến trong, dai, mềm. Gạo sau khi ngâm, xay và cho vào máy để cán phải đảm bảo sạch sẽ. Mặt khác trong quá trình chế biến tuyệt đối không được sử dụng bất cứ loại phụ gia nào. Miến sau khi cắt sẽ được phơi tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời rồi đóng gói cẩn thận và đưa đi tiêu thụ”, anh Nhạc chia sẻ. 

Quả ngọt từ miến gạo

Để thị trường biết tới miến gạo Phúc Thịnh, ông chủ cơ sở làm miến tự tay đóng gói và mang từng thùng miến ra chợ để bán và giới thiệu sản phẩm. Khi nhận được phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩm, các mối hàng của xưởng miến Phúc Thịnh cứ thế được mở rộng. Tiếp đó, vợ chồng anh tham gia tổ hợp tác sản xuất miến của thị trấn Quý Lộc nhằm học hỏi kinh nghiệm và tạo tính liên kết bền vững trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm. 

Anh Nhạc tâm niệm: “Khởi nghiệp ở nông thôn rất khó khăn, nếu không có niềm tin và bản lĩnh rất dễ thất bại. Vì thế trước khi bắt tay vào việc phải có quyết tâm. Khi có quyết tâm thì phải làm bằng được. Tôi luôn tâm niệm ngày hôm nay phải cố gắng thật nhiều để tốt hơn ngày hôm qua nhằm đem lại sản phẩm chất lượng tới tay người tiêu dùng". 

Anh Nhạc đầu tư hệ thống máy móc lên tới cả tỷ đồng để sản xuất miến gạo. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Nhạc đầu tư hệ thống máy móc lên tới cả tỷ đồng để sản xuất miến gạo. Ảnh: Quốc Toản.

Năm 2021, miến Phúc Thịnh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, sản phẩm miến của gia đình anh đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong nước. Anh Nhạc cho biết, mỗi năm, xưởng miến của gia đình sản xuất khoảng 65 tấn miến, đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Cơ sở sản xuất của vợ chồng anh luôn duy trì từ 5 lao động với thu nhập khoảng 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Là người trẻ, có năng lực, không chỉ tiên phong trong sản xuất kinh doanh, anh Nhạc còn được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi đoàn tổ dân phố 6 (thị trấn Quý Lộc) năm 2017.

Năm 2021, anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao danh hiệu "Bí thư chi đoàn tiêu biểu toàn quốc năm 2021"; được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020. Tháng 10/2022, anh Nhạc được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6.

Chia sẻ về định hướng thời gian tới, anh Nhạc cho biết, sẽ mở rộng xưởng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới đa dạng hóa các sản phẩm miến.

Bình luận