Trong quy trình nuôi heo bằng thảo dược của chị Lê Thị Liễu (49 tuổi) ở thôn Khoa Trường, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), ngoài 5 loài thảo dược được chị Liễu chọn làm thức ăn cho heo để phòng ngừa dịch bệnh, giúp heo dồi dào sức khỏe, chị Liễu còn cho heo ăn chế phẩm sinh học được chiết xuất từ trùn quế để giảm chi phí, tăng sức đề kháng cho heo.
Theo chị Liễu, cho heo ăn chế phẩm sinh học từ trùn quế sẽ tiết kiệm được chi phí thức ăn cho heo. Ngoài ra, người chăn nuôi còn tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp sẵn có, đồng thời cải thiện dinh dưỡng và khả năng tiêu hóa của heo, giảm mùi hôi và ô nhiễm môi trường. Bởi trùn quế là loài có khả năng xử lý các chất hữu cơ.
“Chế phẩm sinh học từ trùn quế được được chúng tôi sản xuất bằng cách sử dụng trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi khuẩn hữu ích và enzyme tiêu hóa dùng trong chăn nuôi. Sau đó, lên men tạo ra sản phẩm có mùi trùn, giàu protein, axit amin, vitamin, khoáng chất, enzyme tiêu hóa và các kháng sinh tự nhiên. Chế phẩm này có thể bổ sung vào thức ăn để kích thích heo ăn ngon, tăng trọng nhanh, tăng sức đề kháng và miễn dịch cho heo nên ít bị bệnh”, chị Liễu chia sẻ.
Chế phẩm sinh học từ trùn quế phối trộn vào thức ăn cùng với các loại thảo mộc cho heo ăn còn tạo ra sản phẩm thịt heo thơm ngon, chất lượng cao, có thể tiến tới xuất khẩu...
Theo chị Liễu, trước khi sử dụng chế phẩm từ trùn quế kết hợp với các loại thảo dược làm thức ăn bổ sung trong nuôi heo, chị đã cất công khảo sát nhiều hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học trùn quế trộn vào thức ăn cho heo tại nhiều địa phương ở Bình Định.
Theo đánh giá của các hộ chăn nuôi, chế phẩm sinh học trùn quế là thức ăn chăn nuôi có thành phần dinh dưỡng khá cao, có nhiều đạm, lipit, cellulose và các thành phần này tương đương với nhiều loại thức ăn thông thường cho heo. Ưu điểm của phương thức bổ sung chế phẩm sinh học làm thức ăn cho heo là giảm chi phí thức ăn, kích thích tiêu hóa, giúp vật nuôi sinh trưởng tốt, chất lượng thịt thơm ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo bà Liễu, những vi sinh vật cộng sinh có ích trong hệ thống tiêu hóa của trùn quế theo phân ra khỏi cơ thể trùn, nhưng vẫn còn có thể hoạt động ở “màng dinh dưỡng” trong thời gian dài giúp cho phân trùn có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi heo ở Bình Định đã kết hợp nuôi trùn quế để làm ra chế phẩm sinh học từ trùn quế phục vụ chăn nuôi. Nhiệt độ thích hợp nhất với trùn quế là từ 20 - 35°C, ở nhiệt độ khoảng 30°C và độ ẩm thích hợp trùn quế sinh trưởng và sinh sản rất nhanh.
Ở nhiệt độ quá thấp, trùn quế có thể bị chết, khi nhiệt độ lên quá cao trùn quế cũng sẽ bỏ đi hoặc chết. Trùn quế ăn bất kỳ chất thải hữu cơ nào có thể phân hủy trong tự nhiên như rác đang phân hủy, phân gia súc, gia cầm... Tuy nhiên, thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ hấp dẫn chúng hơn, giúp cho chúng sinh trưởng và sinh sản tốt hơn.
Trùn quế sinh sản rất nhanh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ổn định và có độ ẩm cao. Từ 1 cặp trùn quế ban đầu, nếu được nuôi trong điều kiện thích hợp chúng có thể tạo ra từ 1.000 - 1.500 cá thể trong 1 năm.
“Trùn quế rất dễ nuôi và sinh sản nhanh nên có thể sản xuất một lượng lớn trùn trong thời gian ngắn giúp giảm giá thành, có tiềm năng thay thế nguồn protein động vật bổ sung vào thức ăn chăn nuôi. Hàm lượng protein trong trùn quế cao, tương đương hàm lượng protein trong bột cá được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Thêm vào đó, thịt trùn quế có chứa các acid amin, lipit, vitamin, khoáng chất và các loại kích thích tố sinh trưởng cao hơn trong bột cá”, chị Lê Thị Liễu cho hay.