Khởi động dự án nghiên cứu chuyển đổi số nông nghiệp ĐBSCL

Bình luận · 221 Lượt xem

Dự án sẽ tập trung nghiên cứu, đưa ra bức tranh chung về hiện trạng, nhu cầu và thách thức về chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Với nguồn vốn hỗ trợ từ Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), ngày 21/12, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Nghiên cứu về chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”. Dự án nghiên cứu này dự kiến được triển khai thực hiện từ năm 2022 – 2024 tại 3 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL là Bến Tre, Trà Vinh và Bạc Liêu.

Ảnh 1

Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp khởi động Dự án “Nghiên cứu về chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với BĐKH”. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng và đa chiều trên toàn thế giới, đẩy mạnh chuyển đổi số được xem là chìa khóa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và là xu thế tất yếu.

Một nghiên cứu của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho thấy, cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn còn thiếu; phần mềm, phần cứng chưa được đầu tư tương xứng và chỉ giới hạn ở những dự án, chương trình đơn lẻ. Hơn nữa, chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số vẫn còn hạn chế. Các đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chuyển đổi số như doanh nghiệp, nông dân chưa nhận thức được trách nhiệm. Đặc biệt, nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người dân chưa cao, đặt ra nhiều thách thức cho công tác chuyển đổi số của vùng.

Dự án “Nghiên cứu về chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với BĐKH” có 6 phần. Dự án sẽ tập trung nghiên cứu, đưa ra bức tranh chung về hiện trạng, nhu cầu và thách thức về chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ xây dựng “Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030”.

Đồng thời, nghiên cứu áp dụng thí điểm việc sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) kết hợp cùng công nghệ dữ liệu lớn (big data) và các công nghệ liên quan khác để tự động thu thập, quản lý dữ liệu về hạn hán, xâm nhập mặn từ các trạm đo mặn, các công trình thủy lợi... để làm cơ sở phân tích và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác. Từ đó, giúp Bộ NN-PTNT và các địa phương thực hiện công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, đưa ra các quyết định phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Ảnh 2

Dự án sẽ nghiên cứu áp dụng thí điểm việc sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) kết hợp cùng công nghệ dữ liệu lớn (big data) và các công nghệ liên quan khác làm cơ sở phân tích và cung cấp thông tin nông nghiệp kịp thời, chính xác. Ảnh: Kim Anh.

“Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, chỉ một mình dự án này cũng chưa thể bao hàm hết các nội dung của chuyển đổi số. Nhưng Dự án sẽ làm rõ hơn hiện trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp; nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng nền tảng, trang thiết bị, máy móc phục vụ chuyển đổi số; nắm bắt nhu cầu sử dụng chuyển đổi số như thế nào cho phù hợp trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quang Dũng đánh giá tầm quan trọng của Dự án.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh, việc thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết chất lượng đất đai để bà con nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã từng khẳng định, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang có tính cấp bách nhằm tạo ra nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời phục vụ cho người sản xuất, người kinh doanh, cho người tiêu dùng nông sản và cho cơ quan quản lý chuyên ngành. Tích hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá để chuyển hóa thành thông tin hữu ích, rồi minh bạch hóa sẽ giúp vượt qua tình trọng mù mờ trong ngành nông nghiệp hiện nay.

Bình luận