Nông trại hữu cơ dưới chân núi lửa Nâm Kar

Bình luận · 251 Lượt xem

Với 65ha trồng các loại cây ăn trái, rau, củ quả đạt chứng nhận hữu cơ, đây là số ít HTX tiên phong canh tác hữu cơ ở vùng đất núi lửa ở Krông Nô.

Đó là HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông), thành lập từ cuối năm 2020. Công đầu của thành quả trái ngọt này là chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX, bởi trước khi thành lập HTX, chị Mai đã “tưới mồ hôi” nhiều năm liền cho vùng đất khó này.

Di tích núi lửa Nâm Kar ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông là một trong những điểm chính của Công viên Địa chất toàn cầu UNESSCO. Ảnh: Hồng Thủy.

Di tích núi lửa Nâm Kar ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông là một trong những điểm chính của Công viên Địa chất toàn cầu UNESSCO. Ảnh: Hồng Thủy.

Chị Mai kể: "Trước khi thành lập HTX Quảng Phú, tôi chuyên làm đầu mối thu mua nông sản nhiều năm. Ngoài việc thường xuyên chứng kiến cảnh được mùa mất giá, thiệt thòi cho người nông dân, tôi cũng có điều kiện tiếp xúc với những thương nhân người Nhật Bản, học hỏi từ họ nhiều thứ và biết những vùng đất núi lửa có nhiều khoáng chất rất tốt cho cây trồng.

Năm 2016, tôi về Quảng Phú mua một mảnh đất rẫy bắt đầu nghiên cứu làm mô hình trồng cây ăn trái. Vùng đất này hồi đó chỉ có một màu nâu sậm, toàn đá ong, vốn là dung nham của núi lửa, mùa khô nắng nóng, bỏng rát chân nên cả vùng đất rộng lớn chỉ có cây chuối rừng và cỏ, cây dại sống được mà không cần chăm sóc.

Nhưng ở đây lại có loại đất có nhiều khoáng chất, dinh dưỡng đa vi lượng tự nhiên rất tốt cho cây trồng. Đặc biệt, đất ở đây sạch 100% vì trước giờ có ai nuôi trồng, canh tác gì đâu, đây là một ưu thế rất lớn. Các loại cây ăn quả, rau xanh trồng ở đây cho giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon hơn trồng ở các vùng đất bình thường khác. Nhưng khi biết tôi định trồng cây ăn trái ở đây, nhiều người cản, vì sợ cây không sống nổi”.

Vùng đất này chỉ toàn đá ong, vốn là dung nham nủi lửa phun trào tạo thành. Vào mùa khô, vùng đất khô cằn, thiếu nước nên chỉ lưa thưa cỏ, cây dại. Ảnh: Hồng Thủy.

Vùng đất này chỉ toàn đá ong, vốn là dung nham nủi lửa phun trào tạo thành. Vào mùa khô, vùng đất khô cằn, thiếu nước nên chỉ lưa thưa cỏ, cây dại. Ảnh: Hồng Thủy.

Sau khi mua rẫy, chị Mai bắt đầu những ngày tháng miệt mài cải tạo đất trồng cây. Ban đầu, chị tạo thảm thực vật, bổ sung đất mùn, dinh dưỡng cho cỏ phát triển tự nhiên, sau đó mới trồng cam, quýt xuống những hốc đá. Khi cỏ dại phát triển mạnh, chị mới cắt cỏ, hạ xuống gốc cây để tạo lớp thực bì, giúp cây và đất tránh nóng, hạn chế bốc hơi nước, đồng thời làm phân bón cho cây.

Ngay từ khi bắt đầu làm, chị Mai đã định hướng sản xuất hữu cơ, thuận tự nhiên, chỉ tưới nước, không dùng phân bón hoá học nên cây trồng phải “cạnh tranh” với cỏ dại để sống. Nhiều cây không đủ sức đã chết, được trồng dặm. Sau 2 năm, vườn cây đã tự “thanh lọc” xong, những cây không đủ sức sống đã bị loại. Cứ như vậy, sau 4 năm, vườn cây trái của chị Mai đã thành hình hài và bắt đầu trổ bông, đậu trái.

Năm 2020, sau khi tham gia những lớp tập huấn về Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Nông tổ chức, chị quyết định thành lập HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú. Đây là mô hình HTX nông nghiệp kết hợp vườn rừng sinh thái đa tầng đa tán, sản xuất theo quy trình hữu cơ.

Bằng ý chí, nghị lực, chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú đã cải tạo thành công, phủ màu xanh cây trái cho vùng đất khó. Ảnh: Hồng Thủy.

Bằng ý chí, nghị lực, chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú đã cải tạo thành công, phủ màu xanh cây trái cho vùng đất khó. Ảnh: Hồng Thủy.

Từ khi thành lập HTX, chị Mai luôn trăn trở vấn đề tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ đồng bào thiểu số, người lao động tại chỗ, phụ nữ. Chính vì thế, sau khi khuyến khích họ tham gia HTX, chị trực tiếp hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây, hỗ trợ vốn, truyền đạt mọi kiến thức, kinh nghiệm chị tích lũy được và làm cả công tác tuyên truyền về lợi ích của canh tác hữu cơ, bảo vệ môi trường. Chị cũng thu mua toàn bộ sản phẩm hữu cơ của bà con.

Đến nay, HTX đã có 52 hộ thành viên, trong đó có 15 hộ đồng bào thiểu số, tổng diện tích 65ha, trồng các loại cây ăn trái, rau, củ, quả. Trong đó, sản phẩm cam sành, quýt đường của HTX đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao. HTX tạo việc làm cho hơn 100 lao động, mức lương dao động từ 6 - 15 triệu đồng.

Chị Mai cho biết, để đảm bảo thực hiện đúng quy trình sản xuất hữu cơ, HTX không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh và các loại chế phẩm sinh học cho cây trồng. “Phân hữu cơ vi sinh và các loại thuốc thảo mộc tác động chậm đối với cây trồng, nhưng bù lại, các sản phẩm nông sản cho chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài côn trùng có ích, tạo dinh dưỡng bền vững cho đất”, chị Mai nói.

Vườn cam sành hữu cơ trĩu quả của chị Mai. Ảnh: Hồng Thủy. 

Vườn cam sành hữu cơ trĩu quả của chị Mai. Ảnh: Hồng Thủy. 

Nhờ canh tác hữu cơ trên vùng đất đặc thù, các loại nông sản của HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú cho chất lượng vượt trội, dù giá cao gấp 2 - 3 lần các loại nông sản thông thường nhưng các sản phẩm trái cây của HTX vẫn hút hàng, không chỉ được người tiêu dùng ở Đắk Nông đón nhận mà còn xuất hiện tại hàng chục siêu thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột…

"Định hướng của HTX trong thời gian tới là tiếp tục cải thiện quy trình canh tác, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản để nâng tầm giá trị sản phẩm, nâng cấp mô hình. Tiếp tục phấn đấu để có điều kiện chế biến sâu, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng được những thị trường lớn nước ngoài. Tôi cũng mong muốn mô hình được nhân rộng để có thêm nhiều nông hộ cùng làm, tăng thu nhập ổn định, phát triển bền vững", chị Nguyễn Thị Mai chia sẻ.

Bình luận