Ðóng gói, dán nhãn với đầy đủ thông tin về sản phẩm của HTX Trái cây sinh học OCOP ở huyện Châu Thành (Hậu Giang). |
Ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất
Những năm gần đây, mô hình canh tác theo kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không còn là chuyện hiếm tại Hậu Giang. Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp là một thí dụ điển hình. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, 20 hộ xã viên của hợp tác xã với diện tích khoảng 4ha, có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn nhà, dù đang ở bất cứ đâu.
Ông Võ Văn Trưng, giám đốc hợp tác xã cho biết: Kể từ khi đưa vào ứng dụng công nghệ tưới của Israel, lượng nước tưới giảm nhiều, sâu bệnh cũng ít hẳn, giảm được sức lao động của nhà nông. Các hộ trồng xoay vòng cho nên bình quân từ 7 đến 10 ngày cung cấp ra thị trường 7-8 tấn dưa lưới. Nếu hộ nào chăm sóc kỹ, doanh thu 1.000m2 sẽ đạt gần 200 triệu đồng/năm. “Bà con ngày càng nắm bắt khoa học-kỹ thuật tiến bộ, dù lý thuyết không giỏi, nhưng khi được chia sẻ bằng thực tế thì tiếp cận mau lắm, không có gì là khó khăn”, ông Trưng chia sẻ.
Không chỉ trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng ứng dụng khoa học-công nghệ giúp nông dân Hậu Giang làm giàu. Chị Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, ở huyện Phụng Hiệp, đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng làm nông nghiệp tuần hoàn. Trang trại của chị có diện tích khoảng 1ha, nơi đây có nhiều loại từ nấm rơm, trùn quế đến trồng cỏ, rau sạch, gia súc, gia cầm và thủy sản. Sản phẩm khâu này là đầu vào của khâu khác, tất cả tạo thành vòng tuần hoàn, khép kín, hợp lý và khoa học. Chị Hằng chia sẻ: “Mô hình khép kín như vậy giảm được nhân công, với những thiết bị thay thế tôi đỡ vất vả hơn”.
Hiệu quả mang lại từ việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nêu trên đều mang dấu ấn của các cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh. Không quản nắng mưa, không ngại xa gần, các cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Ðơn vị đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, đơn vị còn cùng người dân thực hiện mô hình “Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long” và dự án “Xây dựng vườn mẫu cây ăn quả thích ứng biến đổi khí hậu tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long” giúp người dân chuyển đổi nhận thức trong canh tác. Từ những ngày đầu lạ lẫm với xây dựng mã số vùng trồng, nay nhiều nông dân tỉnh nhà đã thành thạo ghi chép nhật ký sản xuất, chuyển đổi sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ, chế phẩm sinh học để tạo ra nông sản sạch đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang ứng dụng máy cấy lúa trong sản xuất, giúp nông dân giảm lượng giống, sản xuất đạt hiệu quả, tăng lợi nhuận. (Ảnh TRUNG CHÁNH) |
Truy xuất nguồn gốc-xu hướng tất yếu
Với yêu cầu đòi hỏi khắt khe của thị trường, sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa và nhất là nông sản thì truy xuất nguồn gốc được xem như một giải pháp ưu việt và là một xu thế tất yếu. Có thể hiểu nôm na truy xuất nguồn gốc nông sản là “giấy khai sinh” cho sản phẩm làm ra hay “hộ chiếu” bảo đảm đầy đủ, minh bạch thông tin cho sản phẩm khi ra nước ngoài.
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang Võ Xuân Tân cho biết: Ðến nay, trung tâm đã xây dựng và thực hiện hàng chục mô hình khuyến nông trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Các mô hình này không chỉ ứng dụng công nghệ mà cũng là nơi gắn kết giữa nhà thu mua nông sản với nông dân thông qua các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm, các sản phẩm đều đạt những tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, quy chuẩn an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, được cấp mã số vùng trồng và được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hỗ trợ nông dân miễn phí ghi nhật ký điện tử trên website: nongsanhaugiang.com.vn để thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc.
Câu chuyện tại Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành là điển hình trong thực hiện truy xuất nguồn gốc. Từ vài hộ dân tham gia liên kết với 15ha, đến nay hợp tác xã có 265 hộ tham gia liên kết, với diện tích 300ha. Hợp tác xã tiếp tục mở rộng mặt hàng nông sản xuất khẩu, tăng diện tích đạt chứng nhận GlobalGAP, mã vùng trồng. Phấn đấu đến năm 2024, tổng sản lượng nông sản của tỉnh được hợp tác xã bao tiêu khoảng 4.500 tấn-5.000 tấn, đến năm 2027 nâng lên hơn 10.000 tấn; đồng thời mở rộng thành viên từ gần 100 lên hơn 400 thành viên.
Theo ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa và nhất là nông sản thì truy xuất nguồn gốc được xem như một giải pháp ưu việt và là một xu thế tất yếu. Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi.
Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi.
Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP
Còn tại Hợp tác xã Kỳ Như, huyện Phụng Hiệp, trung bình mỗi tháng cung ứng cho thị trường từ 30 tấn đến 35 tấn cá thát lát nguyên liệu phục vụ chế biến. Nhờ sử dụng máy móc, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cho nên sản phẩm làm ra vừa đạt tiêu chuẩn an toàn, vừa được lòng người tiêu dùng. “Chúng tôi áp dụng công nghệ quản lý vùng nuôi trồng trên máy vi tính. Hợp tác xã cũng áp dụng truy xuất nguồn gốc, hiện vùng nuôi ở huyện Phong Ðiền, thành phố Cần Thơ cũng đã thực hiện. Cho cá ăn thức ăn bao nhiêu, phát triển như thế nào thì mình vẫn theo dõi được, nhờ vậy mà hiệu quả tăng cao”, chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như bộc bạch.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng cho biết: Nông nghiệp Hậu Giang đang từng bước chuyển đổi sản xuất gắn với chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá mới về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Những hiệu quả ban đầu từ các mô hình khuyến nông sẽ được xúc tiến chuyển giao, nhân rộng cho người nông dân, cùng với những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tin rằng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nông nghiệp phát triển. Ðây cũng là cơ hội để Hậu Giang sớm thực hiện thành công chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp Hậu Giang đang từng bước chuyển đổi sản xuất gắn với chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá mới về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Những hiệu quả ban đầu từ các mô hình khuyến nông sẽ được xúc tiến chuyển giao, nhân rộng cho người nông dân, cùng với những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tin rằng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nông nghiệp phát triển.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng
Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Sàn Giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” với tên miền https://nongsanhaugiang.com.vn, ứng dụng trên điện thoại là Nông sản Hậu Giang. Ðến nay, đã có hơn 2.903 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng. Có hơn 392 nông sản, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia trên sàn giao dịch để quảng bá sản phẩm, giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, tăng cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp và góp phần giải quyết đầu ra nông sản của nông dân.