Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

Bình luận · 854 Lượt xem

Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Hậu Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn theo chuỗi giá trị. Hậu Giang cũng chú trọng thúc đẩy kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông s??

Người dân xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa.
Người dân xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Tổ chức sản xuất theo hợp đồng sẽ tránh tình trạng “được mùa, mất giá”…

Hiệu quả bước đầu

Sau nhiều năm gắn bó với cây mía không còn mang lại hiệu quả, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bửu Long ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp liên kết với Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood) chuyển sang trồng khóm (dứa) MD2. Doanh nghiệp này cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật; ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch với giá ổn định 5.700 đồng/kg và thu mua cả chồi khóm giống.

Giám đốc HTX Bửu Long Lâm Văn Lam cho biết, ban đầu, các thành viên HTX chỉ trồng thử nghiệm 4ha khóm MD2, đến nay, đã mở rộng lên 200ha. Không chỉ cho thu nhập cao từ 100-150 triệu đồng/ha, bà con cũng rất an tâm về “đầu ra” của quả khóm.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp Trần Văn Tuấn chia sẻ: Cây khóm MD2 rất phù hợp với vùng đất nơi đây, bảo đảm cả về năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu. WestFood sẽ xây dựng thêm nhà máy chế biến nông sản tại Hậu Giang có công suất gấp bốn lần so với nhà máy của công ty này đang hoạt động tại Cần Thơ. Địa phương chọn cây khóm MD2 là cây trồng chiến lược để nhân rộng và ký kết hợp tác với WestFood để phát triển vùng nguyên liệu lên khoảng 2.000ha…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, diện tích sản xuất đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của tỉnh hơn 2.586ha. Toàn tỉnh có 117 vùng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích hơn 1.860ha, sản lượng hơn 32.466 tấn. Hậu Giang hiện có khoảng 30 doanh nghiệp, 14 HTX liên kết sản xuất và bao tiêu lúa với diện tích 8.543ha, sản lượng hơn 42.500 tấn với 7.550 hộ tham gia.

Đối với cây ăn trái, có bốn doanh nghiệp, năm HTX liên kết với diện tích 1.283ha, sản lượng hơn 8.200 tấn, có 986 hộ tham gia. Phần lớn các loài thủy sản thương phẩm chủ lực của tỉnh cũng theo xu hướng tăng dần sản lượng trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, bảo đảm cho người nuôi có lợi nhuận khá.

Đến nay, đã có gần 103.450 tài khoản người bán đăng ký với hơn 1.500 sản phẩm, trong đó có 105 sản phẩm OCOP của tỉnh, được đưa lên sàn thương mại điện tử. Nông sản của tỉnh Hậu Giang bán trên sàn thương mại điện tử gần 20.700 đơn hàng với tổng doanh thu hơn 3,7 tỷ đồng…

Gắn kết, hợp tác để cùng phát triển

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang Ngô Minh Long cho biết: Mỗi năm, tỉnh sản xuất hơn 188.350ha lúa, sản lượng hơn 1.250 tấn. Toàn tỉnh có hơn 45.000ha cây ăn quả, sản lượng 540.000 tấn; diện tích nuôi thủy sản 2.156ha, chủ yếu là cá tra, cá thát lát, lươn… với sản lượng hơn 24.200 tấn. Tiềm năng cung cấp hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh còn rất lớn, không chỉ đối với các thị trường truyền thống mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Tuy nhiên, tình trạng nông dân sản xuất và bán nông sản thông qua thương lái vẫn phổ biến, giá cả thường không ổn định, chi phí sản xuất ngày càng tăng do thiếu sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và HTX.

Phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Trừ cây lúa, việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chưa đồng bộ. Hiện, nhiều HTX vẫn hạn chế về quy mô, chưa chú ý nhãn mác, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc ký kết bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và các doanh nghiệp, HTX còn hạn chế. Hầu hết doanh nghiệp khi đến Hậu Giang chưa chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu hoặc tạo dựng vùng nguyên liệu ổn định, chủ yếu giao cho thương lái thu gom, mua hàng…

Ông Ngô Minh Long cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai đề án nông nghiệp tích hợp, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cùng các chương trình, đề án khác, xem đây là một trong những giải pháp nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực để hỗ trợ nông dân sản xuất có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Tỉnh tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ sản xuất theo kiểu mới, tập trung sản xuất, kinh doanh nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo quy mô lớn; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản; ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu.

Cùng với đó, Hậu Giang tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng lớn, tham gia chuỗi giá trị sản xuất, nghiên cứu xây dựng thương hiệu giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường; đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP…

“Hậu Giang rất cầu thị và mong muốn các doanh nghiệp, HTX gắn kết, hợp tác để cùng phát triển. Ngành nông nghiệp tỉnh sẵn sàng ủng hộ, quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kết nối HTX từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ”, ông Ngô Minh Long khẳng định…

Bình luận