Thương mại điện tử nâng tầm sản phẩm OCOP

Bình luận · 220 Lượt xem

QUẢNG BÌNH Nhiều sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực của Quảng Bình đã tăng rất nhanh về sản lượng tiêu thụ, nhanh chóng mở rộng được thị trường thông qua kênh thương mại điện tử…

Sau 4 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay Quảng Bình đã có 94 sản phẩm được công nhận. Thông qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT), các sản phẩm OCOP của Quảng Bình ngày càng tạo được chỗ đứng trên thị trường. 

Tại Công ty TNHH Như Mận (Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), thời gian qua đã tích cực tìm kiếm, kết nối, đưa sản phẩm khoai deo Như Mận (sản phẩm OCOP 3 sao) bày bán trên các sàn TMĐT. Chị Nguyễn Thị Như Mận, đại diện Công ty cho biết, năm 2019, đơn vị bắt đầu tham gia bán hàng trực tuyến trên sàn TMĐT Postmart. Ban đầu triển khai còn nhiều bỡ ngỡ, vừa làm vừa học hỏi nhưng thông qua sàn TMĐT, sản phẩm khoai deo Như Mận ngày càng được nhiều người biết đến, số lượng sản phẩm bán ra cũng nhiều hơn so với trước đây.

11

Sản phẩm khoai deo Như Mận lên sàn thương mại điện tử cho hiệu quả tiêu thụ tốt hơn. Ảnh: Tâm Phùng.

Hiện tại, sản phẩm khoai deo Như Mận được bán trên 10 sàn TMĐT như: Postmart, Voso, Shopee, Smartgap, quangbinhtrade… Sản phẩm khoai deo Như Mận tiêu thụ qua các sàn TMĐT cho doanh thu tốt hơn tại các cửa hàng trực tiếp. Mỗi năm, Công ty bán ra thị trường 20 - 30 tấn khoai deo, cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng.

“Nhân viên Công ty cũng đã quen với việc bán hàng qua TMĐT. Khi khách hàng đặt hàng qua các sàn, sau khi cập nhật số lượng cụ thể, Công ty sẽ chuyển hàng đến tận tay khách hàng qua các công ty vận chuyển. Phương thức này cũng rất nhanh, an toàn”, chị Mận chia sẻ.

Tại HTX Sản xuất - mua bán - chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (cùng xã Hải Ninh), thông qua các sàn TMĐT cũng đã mở rộng tiêu thụ sản phẩm ra các thị trường lớn. Từ năm 2020, các sản phẩm cá bờm trắng khô (OCOP 4 sao), tôm khô (OCOP 3 sao), mực khô… của HTX đã được bày bán trên sàn Voso và nhiều trang TMĐT khác.

Chị Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX cho hay, để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19, HTX đã mở rộng kinh doanh trực tuyến qua các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada... Sau hơn 1 năm khai thác trên các sàn TMĐT, các sản phẩm của HTX đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến, đơn đặt hàng ở ngoài tỉnh cũng nhiều hơn, giúp HTX phát triển ổn định.

“Việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT đã giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với thông tin minh bạch, giúp người mua tìm kiếm, tiếp cận nhanh hơn. Mỗi năm, thông qua kênh này, HTX chúng tôi tăng doanh thu lên hơn 1 tỷ đồng”, chị Đoàn cho biết.

Để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động kết nối, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT. Sàn giao dịch TMĐT Quảng Bình hiện có gần 200 doanh nghiệp, HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó có rất nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Cùng với quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP trên sàn TMĐT của tỉnh, Sở NN-PTNT, Sở Công thương cũng đã phối hợp, liên kết với các sàn TMĐT trong và ngoài nước hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

22

Các sản phẩm OCOP của nông dân Quảng Bình thông qua các sàn thương mại điện tử được nhiều người biết đến. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Công thương kết nối các sàn TMĐT, đưa sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn. Chi cục đã hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin sản phẩm, chủ thể các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cho các sàn TMĐT và các ngành liên quan để đưa sản phẩm lên sàn. “Ngoài ra, website ocop.quangbinh.gov.vn do Chi cục quản lý đã giới thiệu, quảng bá thương hiệu cho 57 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và đang tiếp tục cập nhật các sản phẩm OCOP năm 2021, 2022”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, việc đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Đây là phương thức tiêu thụ khá mới mẻ với bà con nông dân, nhất là đồng bào ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đa số các chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế về quy mô sản xuất lẫn kinh nghiệm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trên nền tảng TMĐT.

Theo ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, thực hiện chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP trên nền tảng số, ứng dụng TMĐT làm cầu nối để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn TMĐT có uy tín.

“Sở sẽ tổ chức các lớp huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý của ngành và các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, VietGAP… về TMĐT, chuyển đổi số để đưa các sản phẩm OCOP, nông sản của tỉnh lên sàn TMĐT”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Tâm Phùng
Bình luận