Người dân tỉnh Tiền Giang thu hoạch dứa. Ảnh Nguyễn Sự |
Qua thống kê, các địa phương phía nam có diện tích trồng cây ăn quả hơn 726 nghìn ha, bằng 62% so cả nước. Những năm qua, chất lượng cây ăn quả ở khu vực này đang ngày càng được nâng cao, góp phần phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2023 giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt 3,23 tỷ USD, tăng 68,1% so cùng kỳ năm 2022.
Giảm áp lực tiêu thụ
Hiện nay, ngoài việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng cây ăn quả thì bà con nông dân các địa phương cũng đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng rải vụ với hàng chục nghìn ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hết năm 2022 diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt khoảng 82.322ha, sản lượng hơn 1,7 triệu tấn. Trong những tháng đầu năm 2023, các sản phẩm trái cây của tỉnh tiêu thụ ổn định với giá bán cao, nhất là sầu riêng có thời điểm lên đến 170.000 đồng/kg.
Hết năm 2022, toàn tỉnh trồng rải vụ 11.398ha cây ăn quả với sản lượng 327.087 tấn. Do thời tiết thuận lợi nên năng suất cây ăn quả nghịch vụ tốt, giá bán cao nên lợi nhuận cao hơn vụ chính từ 24 đến 720 triệu đồng tùy loại cây trồng.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với diện tích cây ăn quả khoảng 40.919ha. Trong đó, cây ăn quả chủ lực là 25.153ha gồm: Xoài, nhãn, cây có múi... Năm 2022, áp dụng quy trình sản xuất rải vụ bốn loại cây ăn trái là: Xoài, nhãn, thanh long, sầu riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn.
Đến nay, diện tích áp dụng trồng rải vụ trên xoài 5.836ha, nhãn 1.935ha, thanh long 110ha, sầu riêng 190 ha. Đặc biệt, diện tích sản xuất rải vụ thu hoạch xoài tăng liên tục từ năm 2015 đến nay. Mặc dù vốn đầu tư để xoài ra hoa trái vụ cao hơn so với chính vụ từ 15 đến 20% nhưng giá bán tốt nên lợi nhuận cũng cao hơn so với chính vụ.
Hết tháng 5/2023, diện tích cây ăn quả ở tỉnh Hậu Giang đạt 45.528ha, tăng 2.178ha so với cùng kỳ 2022. Qua điều tra giá thành một số loại cây ăn quả chính trên địa bàn như: Mít, cam, chanh, quýt, nhãn, xoài, mãng cầu trong năm 2022 cho thấy hầu hết đều tăng. Thống kê cho thấy, lợi nhuận trung bình một hécta đạt từ 54 đến 184 triệu đồng/ha tùy theo loại cây trồng.
Đến nay, bà con nông dân trên địa bàn đã trồng rải vụ các loại cây xoài, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, thanh long giúp giá bán cao do tiêu thụ dễ dàng, lợi nhuận cao hơn chính vụ từ 10 đến 15%.
Đổi mới tư duy sản xuất và tiêu thụ trái cây để khai phá tiềm năng
Đa dạng hóa sản phẩm
Theo đánh giá của các sở nông nghiệp Hậu Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang…mặc dù sản xuất cây ăn quả thời gian qua mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, sản xuất loại cây trồng này cũng đang còn nhiều hạn chế do diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu diện tích chuyên canh lớn; một số nơi sản xuất còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch nên việc sản xuất, tiêu thụ trái cây thiếu ổn định và ẩn chứa nhiều rủi ro. Người nông dân thường tự chọn và trồng những loại cây ăn quả theo kinh nghiệm, theo phong trào.
Bên cạnh đó, lao động thuê chăm sóc, thu hoạch thiếu khi vào vụ thu hoạch; một số nơi chưa có khu vực để sơ chế, bảo quản tập trung sau thu hoạch ảnh hưởng đến chất lượng quả và giá trị khi bán ra thị trường; giữa sản xuất và tiêu thụ chưa gắn kết chặt chẽ, thiếu thông tin về thị trường nên nông dân bán sản phẩm chưa đúng với giá trị thực; các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân còn ít hoặc hoạt động chưa hiệu quả nên liên kết bao tiêu trực tiếp với doanh nghiệp thu mua, chế biến gặp khó khăn.
Hiện nay, nho và táo là hai loại cây ăn quả chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Ninh Thuận. Năm 2022, diện tích trồng nho trên địa bàn hơn 1.000 ha, năng suất 256,8 tạ/ha, sản lượng 25.705 tấn. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ giữa người dân và doanh nghiệp hiệu quả chưa cao; hầu hết sản phẩm của nhà vườn chủ yếu tiêu thụ bán qua thương lái hoặc vựa thu mua; thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và hơn 70% nho tiêu thụ vẫn là sản phẩm ăn tươi.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, để phát triển bền vững cây ăn quả ngày 27/10/2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2030, diện tích cây ăn quả cả nước khoảng 1,3 triệu ha, sản lượng hơn 16 triệu tấn.
Để làm được điều đó, các địa phương cần phát triển cây ăn quả trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ.
Đẩy mạnh liên kết tại vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây ăn quả; tăng cường chế biến sâu đa dạng hóa sản phẩm; phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc...