Muôn lời thiên nhiên từ một tâm hồn trong trẻo

Bình luận · 192 Lượt xem

‘Muôn lời thiên nhiên’ là tập thơ thiếu nhi, được xem như món quà trung thu cho trẻ em của nhà thơ Ngọc Khương, vừa ra mắt công chúng tại TP.HCM sáng 22/9.

“Muôn lời thiên nhiên” được ấn hành khi nhà thơ Ngọc Khương đã 74 tuổi. Tổ chức giới thiệu “Muôn lời thiên nhiên”, Hội Nhà văn TP.HCM thông qua một ấn phẩm thơ thiếu nhi để nhìn lại hành trình sáng tạo của nhà thơ Ngọc Khương.

 

Những đồng nghiệp văn chương Trần Quốc Toàn, Nguyễn Thái Sơn, Cao Chiến, Tố Hoài, Xuân Trường, Lê Thị Kim, Nguyên Hùng, Bùi Phan Thảo, Lê Luynh, Phùng Hiệu, Phương Huyền, Nguyễn Thánh Ngã... đã tham dự tọa đàm “Muôn lời thiên nhiên” và trân trọng sự đóng góp lặng lẽ của nhà thơ Ngọc Khương cho dòng thơ thiếu nhi.   

 

Nhà thơ Ngọc Khương sinh năm 1949 tại làng Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Mảnh đất Quảng Bình đã góp cho nền văn chương Việt Nam hiện đại nhiều tên tuổi như Lưu Trọng Lư, Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Xuân Đố, Hải Kỳ, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật, Trần Quang Đạo…

 

Nhà thơ Ngọc Khương dự phần vào dòng chảy ấy và làm phong phú thêm dòng chảy ấy, như chính câu thơ ông viết: “Tôi lớn lên ngụp lặn dưới chân cầu/ Tay lấm láp bắt con còng làm bạn/ Chân tứa máu bởi mảnh hàu, mảnh hến/ Da cháy rần trong nắng quái miền Trung”.

 

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, nhà thơ Ngọc Khương có nhiều năm dạy học ở quê nhà trước khi chuyển vào TP.HCM định cư. Tính từ tập thơ đầu tay “Trăng nghiêng” xuất bản năm 1994 đến nay, nhà thơ Ngọc Khương đã có 30 năm tham gia trực tiếp với hoạt động sáng tác văn học tại đô thị phương Nam.

 

14 tập thơ đã xuất bản, không chỉ giúp công chúng và đồng nghiệp hình dung một nhà thơ Ngọc Khương luôn mang nặng ân tình trước cuộc đời: “Thương mẹ một đời cát vùi lút mặt/ Thương em bao lần sóng lật đò ngang/ Thương cây đa vết đạn đầy mình/ Vẫn đứng vững giữa muôn trùng bão tố”, mà còn chứng minh một nhà thơ Ngọc Khương luôn nỗ lực gìn giữ tâm hồn trong trẻo để viết những câu thơ trìu mến cho thiếu nhi.

 

Phẩm chất nhà giáo thường trực trong tư cách nhà thơ, khiến Ngọc Khương xem công việc sáng tác cho các em nhỏ cũng là một trách nhiệm cao quý. Nói cách khác, nhà thơ Ngọc Khương chưa bao giờ bỏ rơi đối tượng thiếu nhi trên con đường cầm bút của mình. Có lẽ, chính từ tuổi thơ bơ vơ phải chấp nhận hoàn cảnh cách xa cha mẹ mà sống lủi thủi với bà nội, nhà thơ Ngọc Khương thấu hiểu giá trị nâng đỡ của thi ca trong quá trình nuôi dưỡng sự khôn lớn cho trẻ em.

 

Cứ vài năm, nhà thơ Ngọc Khương lại chắt chiu ra mắt một tập thơ thiếu nhi. Sau các tập thiếu nhi như “Cây đàn và bông hồng” xuất bản năm 1995 , “Bim Bim và Mướp Vàng” xuất bản năm 2001, “Cò bay giữa phố” xuất bản năm 2017, nhà thơ Ngọc Khương vừa xuất bản tập thơ “Muôn lời thiên nhiên” với 27 bài thơ tươi tắn và hồn nhiên. 

 

Nhà thơ Ngọc Khương quan niệm: “Thơ là phần hồn, là tiếng nói tâm linh được phát sáng qua khoảnh khắc thăng hoa của cảm xúc, là tiếng vọng khẽ khàng của hạnh phúc và đắng cay. Thơ phải trong sáng, giản dị, chân thật và ngôn ngữ cần đạt tới sự lung linh, huyền ảo”. Và ông đã nhẫn nại viết theo đúng quan niệm của mình, mà không cần bận bịu với những trào lưu cách tân thi pháp hay ồn ào theo đuổi hình thức cầu kỳ.

 

Nếu viết cho người lớn, nhà thơ Ngọc Khương lắm lúc dằn vặt suy tư “Chân đi vấp bóng mây trời/ Đường đời sụp lở, bẫy người bủa vây”, thì khi viết cho thiếu nhi lại là thấy nhà thơ Ngọc Khương nhẹ nhàng, thư thái và bao dung “Diều còn níu được tay người/ Thương cô bong bóng tối trời về đâu”.

 

Tập thơ “Muôn lời thiên nhiên” tiếp nối mạch nguồn yêu thương của nhà thơ Ngọc Khương dành cho thiếu nhi. Qua mỗi bài thơ, từng “lời thiên nhiên” cũng là lời thầy nói với trò, lời cha nói với con, lời ông nói với cháu. Thơ thiếu nhi của Ngọc Khương không giáo điều mà thủ thỉ, không rao giảng mà tâm tình, không răn dạy mà sẻ chia. Vì vậy, mỗi thông điệp, mỗi câu chuyện đều đi thẳng vào độc giả nhí một cách mềm mại.

 

Nhà thơ Ngọc Khương nhắc các em cùng nghĩ về “Trăng Trường Sa” bằng sự tri âm: “Biển Đông/ Khuyết một vành trăng/ Đêm đêm nguyệt thực/ Chị Hằng còn đau/ Trăng non/ Từ đáy biển sâu/ Mọc lên giữa sóng bạc đầu/ Lung linh/ Bao người lính đã hi sinh/ Đảo thiêng xé sóng/ Hóa mình thành trăng”.

 

Nhà thơ Ngọc Khương khơi gợi “Sự tích Gành Đá Dĩa” cho các em bằng sự tưởng tượng: “Một ngày/ Nắng đổ/ Trời rung/ Tiên ùa xuống tắm/ Biển tung sóng lành/ Bao năm/ Say biển, say tình/ Đĩa Tiên quên dọn, hóa gành đá mơ”.

 

Và từ “Hương mít” thân quen, nhà thơ Ngọc Khương nhắc nhở các em về cội nguồn đạo lý ruột thịt và láng giềng: “Mít này từ dưới miền quê/ Năm xưa ông cố mang về bón chăm/ Bây giờ ông đã hóa trăng/ Hương còn ngây ngất lan sang mọi nhà”.

 

Đặc biệt, qua thơ thiếu nhi, nhà thơ Ngọc Khương đề cao ý thức bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, khi cánh cò mơ mộng trong ca dao trở thành món ăn trong nhà hàng, thì mất mát cả vẻ đẹp quê hương: “Bếp nhà hang/ Rụi những cánh thơ/ Thương bao chú Cò/ Quắt queo chảo lửa/ Đàn Cò trắng/ Bây giờ còn đâu nữa/ Đồng làng em/ Trống mảnh hồn quê”.

 

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhấn mạnh: “Thơ thiếu nhi chỉ là một mảng trong sự nghiệp của nhà thơ Ngọc Khương. Thế nhưng, thơ thiếu nhi được ông gửi gắm nhiều tâm tư sâu lắng, như sứ mệnh bồi đắp nhân cách trưởng thành cho thế hệ tương lai”.

 

Bình luận