Năm 2016, kinh tế của tỉnh Kiên Giang chỉ tăng trưởng 6,57% trong khi kế hoạch đề ra là 7,2%. Một số chỉ tiêu đạt thấp như: Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 6,12%, xuất khẩu chỉ đạt 84,8%, huy động vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt 97,8%, giá trị giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 94,3%...
Trình bày báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng: Những yếu tố chủ quan trong nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chưa hiệu quả, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, công tác quản lý điều hành và tổ chức thực hiện nhiều nơi không linh hoạt; kỷ cương, kỷ luật hành chính tuân thủ không nghiêm, trong đó vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhiều nơi chưa cao, chưa quyết liệt…
Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến nông nghiệp phát triển không bền vững, chưa có giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Năm qua, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đã được dự báo trước, UBND tỉnh đã có chỉ đạo ngay từ đầu năm, nhưng ngành nông nghiệp chậm tham mưu đề xuất các giải pháp đối phó, gây ra những thiệt hại đối với con người và cây trồng, vật nuôi.
Xuất khẩu đạt thấp trong nhiều năm liền là do công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả thấp, thị trường thu hẹp, chất lượng sản phẩm hàng hóa thấp, giá trị mang lại không cao. Trong khi đó việc tham mưu, đề xuất công tác xúc tiến thương mại chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu thị trường…
Trong xây dựng cơ bản, kế hoạch vốn được giao ngay những tháng đầu năm, nhưng cơ quan tham mưu không làm tốt vai trò tham mưu xử lý, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Một số chủ đầu tư không sâu sát, các ban quản lý không thường xuyên tại công trình nên chậm đôn đốc, đề xuất thay thế những nhà thầu năng lực kém.
Từ đó nhiều công trình, dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ, khối lượng hoàn thành và giải ngân nguồn vốn thấp. Đến nay, vẫn còn 117 dự án dưới 50% kế hoạch.
Năm 2017, tỉnh Kiên Giang sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định và thúc đầy kinh tế tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Kiên Giang triển khai nhanh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp-nông thôn theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch nhằm phù hợp điều kiện phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu cho từng vùng, từng khu vực.
Tập trung giải quyết khó khăn vướng mắc để đầu tư đẩy mạnh nuôi tôm công nghiệp, nhất là ở vùng tứ giác Long Xuyên; phát triển các mô hình nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường… Xúc tiến triển khai đầu tư Trung tâm nghề cá Kiên Giang, gắn với ngư trường Tây Nam bộ, khu neo đậu tranh trú bão cho tàu cá Nam Du (Kiên Hải); Cảng cá An Thới, Gành Dầu (Phú Quốc); dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản An Biên-An Minh…