Loại hạt ít ai biết giúp nông dân Indonesia xây dựng kinh tế rừng bền vững

Bình luận · 231 Lượt xem

Với việc thu hoạch và bán loại hạt này, đời sống nông dân nghèo Indonesia được cải thiện. Nhờ đó, tình trạng phá rừng trồng các cây ít hiệu quả sẽ được hạn chế.

Ngoài tên gọi là hạt Pili thì chúng còn được gọi là hạt hạnh nhân Thái Bình Dương, hạt Canarium, Hạnh nhân Java… Ảnh minh họa: Getty.

Ngoài tên gọi là hạt Pili thì chúng còn được gọi là hạt hạnh nhân Thái Bình Dương, hạt Canarium, Hạnh nhân Java… Ảnh minh họa: Getty.

Nông dân Musdi Siraju, 19 tuổi, đi xuống sườn núi dốc, trơn trượt bằng chân trần, qua một lùm cây dừa, cây trám và cây nhục đậu khấu để tới nơi anh ta làm việc kiếm sống hàng ngày trên đảo Makian phía đông Indonesia.

Năm 1512, các thương nhân người Bồ Đào Nha, sau đó là người Hà Lan và người Anh, đến đảo Makian và quần đảo Maluku - từng được gọi là quần đảo Spice (Gia vị) vì có nhiều nhục đậu khấu và đinh hương - để khai thác tài nguyên thiên nhiên phong phú của các đảo này.

Ngày nay, người dân ở ngôi làng Sebelei quê hương của Musdi đang kiếm được nhiều tiền hơn từ những loại cây nông nghiệp phát triển ở đây, theo một mô hình kinh tế mới nổi, chính phủ hy vọng có thể thúc đẩy sinh kế nông thôn trong khi bảo vệ cảnh quan thiên nhiên ở quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới này.

Thông qua một doanh nghiệp do chính quyền làng thành lập, người dân đang thu hoạch và bán hạt kenari - loại hạt giàu khoáng chất mọc từ cây có tuổi đời cả thế kỷ cao khoảng 30 mét (98 ft).

Trưởng làng Samiun Asari, 60 tuổi, nói: “Hồi đó, họ đến để lấy gia vị bằng bạo lực. Ngày nay chúng tôi có quyền tự quyết”.

Hạt kenari, còn được gọi là hạt pili. Người dân trên đảo ăn sống hạt này, trộn với đường, nướng và thêm nó vào cà phê, cùng một số các cách sử dụng khác. Cho đến gần đây, với hàng trăm nông dân như Musdi, loại hạt này chỉ được giao dịch tại địa phương như một thực phẩm chủ yếu, có mức giá thấp.

Nhưng kể từ năm 2019, quan hệ đối tác với công ty thực phẩm Timurasa Indonesia có trụ sở tại Jakarta đã cho phép nông dân tăng sản lượng và thúc đẩy nhu cầu đối với loại lâm sản ít được biết đến. “Rất ít người (thậm chí) ở Indonesia biết về hạt kenari”, đồng sáng lập công ty Timurasa, Erdi Rulianto, cho biết.

Doanh nghiệp đã bắt đầu phát triển hơn vào tháng 8, khi Timurasa đặt hàng 500 kg, đơn đặt hàng lớn nhất từ ​​trước đến nay. Erdi hy vọng sẽ bắt đầu xuất khẩu hạt kenari sang châu Âu từ năm sau. Ông nói với Reuters: “Mọi người nghĩ đến hạnh nhân và hạt điều, còn sản phẩm này lại bị bỏ qua".

Làng kiểu mẫu

Hơn 1/4 người dân nông thôn ở khu vực phía đông kém phát triển của Indonesia sống trong cảnh nghèo đói, dữ liệu của chính phủ cho thấy. Điều đó có nghĩa là nhiều thanh niên ở quần đảo Maluku, một khu vực bị tàn phá bởi bạo lực giáo phái vào đầu thế kỷ này, coi "di cư là con đường thoát khỏi cuộc sống bế tắc", Samiun nói.

Hai năm gần đây, trưởng thôn đã ký giấy thay đổi chỗ ở của hơn 50 thanh niên để họ đi nhận công tác ở nơi khác. “Họ đi, nhưng với một trái tim nặng trĩu”, Samiun buồn bã.

Năm ngoái, Indonesia ghi nhận cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 1998, khi đại dịch Covid-19 chứng kiến ​​tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và lần đầu tiên đẩy tỷ lệ nghèo lên trên 10% kể từ năm 2017.

Theo kế hoạch phát triển trung hạn, chính phủ muốn giảm tỷ lệ nghèo xuống 7% vào năm 2024. Dani Usadi, người chuyên về các sản phẩm có giá trị cao tại Bộ Làng và Phát triển Indonesia, cho biết, một phần của nỗ lực này nhằm thành lập khoảng 75.000 doanh nghiệp thuộc sở hữu của làng giống như doanh nghiệp ở Sebelei trong vòng 3 năm tới. "Cho đến nay, khoảng 42.000 doanh nghiệp đã được thiết lập", Usadi lưu ý.

Dự án Sebelei bao gồm tài trợ xây 6 nhà kính nhỏ, nơi các hạt kenari xếp trên khay nhôm sẽ khô trong một hoặc hai ngày - nhanh hơn và tốt hơn so với phương pháp truyền thống là để chúng bên đường. Sau đó, các loại hạt này được chất lên các con thuyền đến cảng Ternate, từ đó chúng được chuyển đến thủ đô Jakarta của Indonesia để đóng gói thành các sản phẩm bán lẻ.

Erdi tại Timurasa cho biết, lãng phí do độ ẩm trong quá trình vận chuyển đã giảm một nửa kể từ khi các nhà kính bắt đầu hoạt động, trong khi kế hoạch chuyển từ vận tải hàng không sang vận chuyển container có thể cắt giảm 60% chi phí hậu cần.

Hardy Yasim, một thành viên khác của doanh nghiệp thuộc sở hữu của làng ở Sebelei, cho biết dự án sẽ giúp gia đình anh có đủ tiền mua sách và đồng phục khi con anh bắt đầu đi học. Năm ngoái, trung bình Hardy kiếm được khoảng 500.000 rupiah (35 USD) mỗi tháng, nhưng anh hy vọng nỗ lực dự trữ kenari lâu hơn có thể khiến con số đó tăng lên 2 triệu rupiah. “Chúng tôi sẽ được bảo đảm hơn”, Hardy tin tưởng.

Hỗ trợ của chính phủ

Được thúc đẩy phần lớn bởi việc mở rộng giấy phép khai thác và cọ dầu, tỉnh Bắc Maluku, nơi có Đảo Makian, đã mất gần 7% số cây cổ thụ trong hai thập kỷ qua, theo dịch vụ giám sát Global Forest Watch.

Rừng nhiệt đới đóng một vai trò quan trọng trong việc làm chậm sự nóng lên của khí hậu, lưu trữ 250 tỷ tấn carbon sưởi ấm hành tinh nhờ cây rừng - tương đương với 90 năm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu ở mức hiện tại, theo một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí Nature.

Các nhà khoa học lâm nghiệp cho biết năng suất thấp của những nông dân quy mô nhỏ trồng mọi thứ từ cọ dầu đến cà phê có nghĩa là nhiều người phải giải phóng mặt bằng để kiếm đủ cho nhu cầu hàng ngày của họ.

Nhưng khi các dự án như vậy ở Sebelei tăng thu nhập, chúng cũng có thể giảm bớt áp lực lên rừng ở một số khu vực - với sự hỗ trợ thích hợp của chính phủ, Ani Adiwinata Nawir, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế cho biết.

Nawir, người đã làm việc với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của làng ở miền đông Indonesia, cho biết cộng đồng cũng cần được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ khuyến nông, đào tạo kinh doanh và công nghệ sau thu hoạch. "Điều đó sẽ cho phép nông dân cải thiện năng suất từ ​​những cây hiện có hơn là mở thêm đất mới để trồng nhiều hơn", bà nói.

Còn quá sớm để biết kế hoạch kinh tế rừng bền vững của Indonesia sẽ thành công như thế nào trong dài hạn, nhưng thu nhập tăng thêm đã giúp Musdi giữ gia đình bên nhau. Anh đã định bỏ nhà đi tìm việc làm, cho đến khi bố anh mất năm ngoái và anh biết mình sẽ phải ở lại để nuôi mẹ và hai đứa em.

 Anh nói, doanh nghiệp thuộc sở hữu của làng đã giúp quyết định đó dễ dàng hơn. “Sau khi (doanh nghiệp) bắt đầu, tôi không muốn rời đi nữa”, Musdi chia sẻ.

Hương Lan

(Theo Reuters)

Bình luận