Mô hình sản xuất nấm ăn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm tại xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái

Bình luận · 732 Lượt xem

Thái Bình là một trong những tỉnh có nghề trồng nấm phát triển trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng. Tiềm năng nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu rất phù hợp với người nông dân Thái Bình


Mô hình sản xuất nấm ăn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm

Nguyên liệu trồng nấm rất sẵn có như: rơm rạ, mùn cưa, thân cây gỗ, thân lõi ngô, bông phế loại ở các nhà máy dệt, bã mía ở các nhà máy đường ước tính cả nước có khoảng 40 triệu tấn nguyên liệu nói trên, chỉ cần sử dụng khoảng 10-15% lượng nguyên liệu này để nuôi trồng nấm đã tạo ra trên 1 triệu tấn/năm và hàng trăm ngàn tấn phân hữu cơ.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chọn tạo được nhiều loại giống nấm ăn, nấm dược liệu có khả năng thích ứng với điều kiện môi trường ở Việt Nam; cho năng suất, giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm ngày càng được hoàn thiện. Trình độ và kinh nghiệm của người nông dân được nâng cao. Năng suất trung bình các loại nấm đang nuôi trồng hiện nay cao gấp 1,5 - 2 lần so với 10 năm về trước. Vốn đầu tư để trồng nấm so với các ngành sản xuất khác không lớn vì chi phí đầu vào chủ yếu là công lao động (chiếm khoảng 30 - 40% giá thành 1 đơn vị sản phẩm). Thị trường tiêu thụ nấm trong nước và xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Giá bán buôn nấm tươi ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn khá cao (nấm mỡ 30.000đ - 35.000đ/kg; nấm sò 25.000 - 30.000 đ/kg). Nhu cầu ăn nấm của nhân dân trong nước ngày càng tăng. Thị trường xuất khẩu nấm mỡ, nấm rơm như nấm muối, sấy khô, đóng hộp của Việt Nam còn chưa đáp ứng nhu cầu. Phát triển nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì theo thói quen của nông dân ở một số địa phương, sau khi thu hoạch lúa phần lớn rơm rạ đều bị đốt bỏ ngoài đồng ruộng hoặc ném xuống kênh rạch, sông ngòi gây tắc nghẽn dòng chảy.

Hiện nay nghề trồng nấm ở Thái Bình đang phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm tại một số địa phương như xã Văn Lang, Dân Chủ - Huyện Hưng Hà, Xã An Mỹ, An Vinh - Huyện Quỳnh Phụ, xã Đông Cơ, Đông Hoàng - Huyện Tiền Hải; xã Bình Minh, Thị trấn Thanh Nê - Huyện Kiến Xương.... Tiêu biểu trong các hộ trồng nấm với quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại đó là hộ ông Đinh Văn Vỵ - Thôn Vĩnh Truyền, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà. Gia đình ông vào nghề trồng nấm từ năm 2008, đến nay quy mô sản xuất đã mở rộng với diện tích nhà xưởng nuôi trồng nấm gần 500 m2; lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất lên tới 80-100 tấn/năm (20-25 tấn/đợt, 3-4 đợt/năm).

Hiện tại gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và thuê 7-10 lao động theo thời vụ. Tháng 8/2018 ông đã vào giống nấm Sò cho 20 tấn nguyên liệu từ bông. Đến thời điểm này nấm đã cho thu hoạch 40 - 50 kg/ngày, vào thời điểm nấm rộ thu hoạch 120-150kg/ngày; giá bán nấm Sò 25.000-30.000đ/kg; sau khi trừ chi phí sản xuất (Công lao động 200.000-250.000đồng/1 công; tiền giống 330.000 đồng/1 tấn nguyên liệu, nguyên liệu bông 3.500.000 đồng/1 tấn; khấu hao nhà xưởng, máy móc 250.000 đồng/1 tấn nguyên liệu, chi phí khác như điện, nước...). Năng suất nấm đạt trung bình 550-580 kg/1 tấn nguyên liệu, vì vậy gia đình ông thu lãi ròng trung bình 10 triệu đồng/tháng, ước đạt doanh thu hàng năm từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/vụ sản xuất từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình

Bình luận