Mũi nhọn thúc đẩy phát triển sản xuất

Bình luận · 749 Lượt xem

Sau gần 20 năm triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Lâm Đồng đã từng bước xây dựng được nền tảng phát triển nông nghiệp thông minh và hiện đại. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học đã trở thành đ

Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giá thể trồng hoa.
Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giá thể trồng hoa.

Ða dạng ứng dụng công nghệ sinh học

Theo khẳng định của Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Nhâm, các kỹ thuật nhân giống trong ống nghiệm, lai vô tính, ứng dụng trong phương pháp canh tác màng dinh dưỡng và hệ thống thủy canh, ứng dụng công nghệ trong cấy chuyển phôi, tạo chế phẩm phòng bệnh cho vật nuôi, trong sản xuất phân bón, thức ăn gia súc... là những thế mạnh về ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Điển hình như công nghệ nhân giống cấy mô thực vật (invitro). Ngành invitro phát triển mạnh trong những năm gần đây giúp cung ứng nguồn cây giống sạch bệnh cho sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh Lâm Đồng có 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu hơn 72 triệu cây giống. Một số cơ sở (như: Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty Quang Nguyên-Đà Lạt, Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1…) đã hợp đồng xuất khẩu cây giống invitro sang các nước châu Âu, Mỹ, Australia… với hơn 35 triệu cây giống mỗi năm.

"Ngành công nghệ sinh học, nhất là lĩnh vực invitro của Lâm Đồng đã và đang phát triển rất mạnh, được các đối tác, khách hàng nước ngoài đánh giá xếp hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á", ông Hồ Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1, thông tin. Nhận thấy tiềm năng ngành invitro, cách đây gần 10 năm, ông Hồ Anh Dũng đã thành lập Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1 và đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm quy mô công nghiệp hiện đại, quy tụ hơn 50 kỹ sư và 70 nhân lực chất lượng cao. Hằng năm, doanh nghiệp này sản xuất từ tám đến 10 triệu cây giống. Trong đó, hơn 90% xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ.

Tương tự, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt được đánh giá là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành invitro và đã mạnh dạn đột phá xuất khẩu cây giống ra thế giới. Thành lập năm 2003, nhưng chỉ sau đó ba năm, hơn 10 triệu cây giống hoa, cây trang trí của công ty đã xuất hiện tại các thị trường châu Âu, Mỹ… Không dừng ở đó, những năm gần đây, Công ty Rừng hoa Đà Lạt đã tìm tòi, ứng dụng phương pháp sấy khô hoa theo công nghệ Nhật Bản, cho ra đời sản phẩm "hoa tươi mãi mãi" được thị trường nhiều nước ưa chuộng.

"Hiện quy mô sản xuất của công ty đã mở rộng gấp nhiều lần. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, hằng năm quy mô sản xuất đạt hơn 30 triệu cây giống. Trong đó, xuất khẩu hơn 85%", Phó Giám đốc kỹ thuật Lường Tú Nam chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, nuôi cấy mô là mũi nhọn trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc nhân nhanh nguồn giống chất lượng cao, sạch bệnh cung cấp cho sản xuất trong nước, địa phương đã từng bước hình thành ngành công nghiệp sản xuất giống xuất khẩu đến nhiều thị trường thế giới. Năm 2021, giá trị xuất khẩu cây giống invitro đạt 9 triệu USD.

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp tại Lâm Đồng sản xuất trà ô long theo công nghệ truyền thống. Để tạo sản phẩm khác biệt, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, Công ty cổ phần Trà Long Đỉnh đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lên men toàn phần của Đài Loan (Trung Quốc) để sản xuất dòng trà đen, với nguyên liệu chè ô long. "Hiện trong tổng số 45ha chè của công ty và nông hộ hợp tác (trong đó, 5ha chè hữu cơ có chứng nhận USDA), công ty dành 10% để sản xuất chè đen bằng nguyên liệu ô long, mục đích lâu dài là xuất khẩu với giá trị cao", Phó Giám đốc công ty Trần Phương Uyên chia sẻ.

 

Tại Lâm Đồng, sự ra đời của Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã thổi làn gió mới về khoa học-công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp. Được thành lập từ năm 1994, công ty có diện tích sản xuất hoa cao cấp đạt gần 320ha, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống hoa để cung ứng thị trường trên khắp thế giới. Tất cả các phế phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất đều được công ty ứng dụng công nghệ sinh học ủ phân hữu cơ để sử dụng trở lại trong canh tác. Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Bảo, doanh nghiệp định hướng sản xuất bền vững, việc sử dụng các phế phẩm nông nghiệp quay lại bồi đắp, gia tăng độ phì của đất là phần quan trọng trong nông nghiệp tuần hoàn.

Không những vậy, ứng dụng công nghệ sinh học còn lan tỏa đến nhiều nhà nông Lâm Đồng trong sản xuất rau thủy canh, rau cao cấp xuất khẩu. Tại huyện Đơn Dương, ông Bùi Ngọc Cung được ví như "nông dân số". Với thâm niên hơn 30 năm gắn với nghề nông, giờ ông cảm thấy nhàn nhã khi ứng dụng internet vạn vật (IoT) ở trang trại hơn 2,5ha của mình. Cùng với công nghệ số, điều đặc biệt lại nằm ở việc hạn chế sử dụng thuốc hóa học trừ côn trùng. Thay vào đó, ông là một trong những nông hộ đầu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý dịch hại. Ông Cung hợp tác với Dalat Hasfarm mua và thả một lượng lớn thiên địch ký sinh vào vườn rau. "Dùng chế phẩm nấm đối kháng, thiên địch ký sinh để quản lý sinh vật gây hại nhằm bảo đảm sản phẩm an toàn với người sử dụng và cả nông dân, góp phần giảm lượng thuốc hóa học khoảng 30% so trước đây", ông Cung chia sẻ.

Nâng tầm nông nghiệp

Lâm Đồng được đánh giá là địa phương tốp đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với tổng diện tích trên địa bàn ước đạt hơn 63,1 nghìn ha, chiếm 21% tổng diện tích canh tác. Trong đó, hơn 376ha ứng dụng công nghệ thông minh. Toàn tỉnh có bảy vùng nông nghiệp công nghệ cao và 13 doanh nghiệp được công nhận, với giá trị sản xuất bình quân đạt 400 triệu đồng/ha, chiếm tỷ trọng khoảng 35 đến 40% giá trị sản xuất toàn ngành. Nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt doanh thu hơn ba tỷ đồng/ha/năm.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng Phạm Thị Nhâm cho biết, hằng năm địa phương dành 0,7% chi thường xuyên từ ngân sách đầu tư cho hoạt động khoa học-công nghệ. Trong 5 năm qua, đã có gần 200 nhiệm vụ cấp nhà nước, cấp tỉnh và dự án ứng dụng khoa học-công nghệ được ngành nghiên cứu, ứng dụng trên các lĩnh vực. Trong đó, chú trọng vào nông nghiệp, với việc tập trung cho nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống, xử lý dịch hại trên các giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh; sản xuất đông trùng hạ thảo, nuôi trồng và phát triển tảo xoắn, cây dược liệu; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ tưới, bón phân tự động và chế biến, bảo quản, phân loại sản phẩm sau thu hoạch.

Cùng với đó, Lâm Đồng tập trung ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, như công nghệ sấy bông, thân và rễ cây atisô xắt lát, đã được chuyển giao cho Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Công nghệ rút ngắn thời gian sấy cho gỗ thông, keo lai và keo lá tràm đã được ứng dụng tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Di Linh cũng mang lại hiệu quả cao.

Có thể khẳng định, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là định hướng phát triển và là một trong các trọng tâm nghiên cứu tại Lâm Đồng. Qua đó, giúp nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Bình luận