Hội nghị “Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc”

Bình luận · 725 Lượt xem

Sáng 30/9 tại tỉnh Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp UBND tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị “Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc” sự tham gia của 14 tỉnh toàn vùng


 

Dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh; ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La; ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Theo thống kê của Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2013-2020, dự kiến tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của vùng đạt bình quân 3,68%/năm (cả nước đạt 2,95 %/năm). Trong nội bộ ngành nông lâm thủy sản vùng diễn ra quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành, sản phẩm có dư địa lớn và giá trị gia tăng cao.

Phương thức chăn nuôi chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, tự phát sang công nghiệp, bán công nghiệp quy mô lớn; chăn nuôi nông hộ an toàn dịch bệnh và bền vững. Vùng có 2.519 trang trại chăn nuôi, tăng 3 lần so với năm 2013; có nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu lại ngành và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chưa trở thành phổ biến.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp; làm cho giá trị, năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp vùng hạn chế.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, vùng trung du miền núi Bắc Bộ là khu vực có vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng, năng lượng, an ninh nguồn nước và môi trường của đất nước.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường 14 tỉnh TDMNPB có ý nghĩa vô cùng quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng của nước Việt Nam, với diện tích khoảng 10 triệu ha, dân số 12,5 triệu người, vùng tập trung đông đảo bà con dân tộc thiểu số. Đây là vùng quan trọng về an ninh năng lượng. Đây là vùng liên quan đến an ninh nguồn nước, toàn bộ tuyến hệ thống lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình đều lệ thuộc vào hệ thống lưu vực ở đây.

"Chính vì thế trong tái cơ cấu nông nghiệp ở vùng này, ta định rõ hướng để khai thác tiềm năng phát triển. Đó là kinh tế rừng, lâm nghiệp ở vùng này là có tiềm năng lợi thế. Thứ 2, kinh tế. Sản phẩm ocop vùng này có lợi thế; phát triển du lịch gắn với bản sắc dân tộc thì sẽ biến một vùng vốn chưa giàu thành vùng từng bước giàu có"- Bộ trưởng Cường cho biết.

Theo Bộ trưởng, trong tái cơ cấu nông nghiệp, vùng cần xác định rõ 4 định hướng quan trọng là kinh tế đồi gò, phát triển sản phẩm OCOP, gắn nông nghiệp với du lịch và bản sắc dân tộc. "Đây là những cơ sở biến vùng vốn chưa giàu từng bước trở thành vùng kinh tế giàu có", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, việc đổi mới tư duy chiến lược, chuyển dần sản xuất theo tín hiệu thị trường, khai thác, kết hợp lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư, khơi dậy và phát huy các nguồn lực trong dân… là những yếu tố quan trọng giúp tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong giai đoạn 2013-2020 đạt bình quân 3,68%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng, để duy trì đà phát triển, ngành nông nghiệp trung du và miền núi Bắc Bộ cần triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản; tập trung sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết quy mô lớn theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực.

Mục tiêu phát triển tái cơ cấu nông nghiệp các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 – 2025:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng đạt trung bình khoảng 3,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025;

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 20%;

- Tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt khoảng 54,2%;

- Có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.

Nhiệm vụ trọng tâm:

- Trồng trọt: Phát triển các cây ăn quả chủ lực, cây công nghiệp có lợi thế, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, lúa bản địa có giá trị kinh tế cao. Sản xuất với quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

- Chăn nuôi: Phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê, ngựa), phục tráng giống và phát triển các loại vật nuôi đặc sản, bản địa cung cấp cho thị trường trong nước; hình thành các vùng chăn nuôi an toàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao.

- Lâm nghiệp: Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả rừng sản xuất theo hướng trồng rừng thâm canh bằng các giống mới, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; chuyển mạnh từ khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn; trồng cây dược liệu, cây bản địa có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng, nhất là tại các huyện miền núi; từng bước phát triển chế biến tinh, sâu, giảm dần chế biến thô, xây dựng nhà máy chế biến hiện đại trên địa bàn vùng.

- Thủy sản: Phát triển nuôi thủy sản ở các hồ thủy lợi, thủy điện và trên các vùng nước ven sông, đưa diện tích nuôi trồng đạt khoảng 50 nghìn ha. Nuôi trồng một số loài có giá trị kinh tế cao, như cá hồi, cá tầm, cá tiểu bạc và cá nước lạnh có lợi thế về địa hình, khí hậu.

V.A (tổng hợp)

Bình luận