Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 100 triệu tấn đậu tương trong niên vụ tiếp thị 2021-22 (tháng 9/2021 – tháng 8/2022). S&P Global Platts Analytics cũng nhận thấy khối lượng nhập khẩu ở mức kỷ lục 102 triệu tấn nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của đàn heo ở nước này.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy nghiền đậu tương có trụ sở tại Trung Quốc không lạc quan như vậy.
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào việc mua đậu tương vì nước này chế biến hơn 80% lượng đậu nhập khẩu thành thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, với việc đàn lợn nái của nước này đang có xu hướng giảm trong vài tháng qua, các nhà máy nghiền đậu tương dự kiến nhu cầu hạt có dầu sẽ giảm, ít nhất là trong nửa đầu của năm 2022.
Đàn lợn của Trung Quốc đang phục hồi sau tác động tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi - dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở nước này vào tháng 8/2018 và khiến hơn 50% đàn lợn mất đi trong vòng một năm.
"Người chăn nuôi lợn đã lỗ hàng trăm nhân dân tệ cho mỗi con lợn trong nửa cuối năm 2021, điều này đã buộc nhiều nhà chăn nuôi phải giảm công suất của họ", một nhà máy nghiền đậu tương có trụ sở tại Trung Quốc cho biết. "Và số lượng lợn giảm có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu đối với thức ăn chăn nuôi làm từ đậu tương".
Ngoài ra, nếu dữ liệu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc vào năm 2021 không có gì thay đổi, thì những lo lắng của các nhà máy nghiền có thể là có cơ sở.
Theo số liệu hải quan, tổng lượng đậu tương nhập khẩu của Trung Quốc từ tháng 1-11/2021 ước tính đạt 87,65 triệu tấn, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đàn lợn sụt giảm
Nhu cầu thức ăn chăn nuôi là cốt lõi nhu cầu đậu tương của Trung Quốc trong thập kỷ qua, nhưng đàn lợn sụt giảm trong nửa cuối năm 2021 đã dẫn đến nhu cầu thức ăn cho lợn làm từ đậu tương giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, đàn lợn nái của nước này tính đến cuối tháng 11 ước đạt 42,96 triệu con, giảm 1,2% so với tháng trước.
Dữ liệu của bộ này cho thấy, đàn lợn nái sinh sản đã tăng trưởng âm liên tiếp kể từ tháng 7/2021.
Thông thường, có khoảng thời gian 6 tháng giữa tốc độ tăng trưởng âm của đàn lợn và việc thu mua thức ăn cho lợn chậm lại. Do đó, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi làm từ đậu tương đang giảm, ít nhất là trong nửa đầu năm 2022.
Theo một nhà phân tích của công ty nghiền đậu tương có trụ sở tại Trung Quốc, xu hướng tăng trưởng âm của đàn lợn có thể sẽ kéo dài đến năm 2022. Ông cho biết: “Áp lực tồn kho có thể sẽ tăng lên trong quý 1 năm 2022, khi tiêu thụ thịt lợn sụt giảm sau Tết Nguyên đán".
Tình trạng dư cung lợn đã khiến giá thịt lợn trượt dốc trong năm 2021, đẩy tỷ suất lợi nhuận lợn hơi vào mức âm, từ đó gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của lĩnh vực sản xuất bã đậu tương.
Theo đánh giá của Platts, tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình hàng tháng của Trung Quốc được ước tính là âm 5,8 USD/tấn từ tháng 6-12/2021, so với 11,8 USD/tấn trong 5 tháng đầu năm.
Sản phẩm thay thế đậu tương
Nhu cầu đậu tương của Trung Quốc phải đối mặt với một trận khủng hoảng khác vào năm 2022 dưới hình thức chính phủ nỗ lực giảm sử dụng đậu tương để kiểm soát lạm phát.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã thiết lập tiêu chuẩn quốc gia về thức ăn hỗn hợp để nuôi heo con, nhằm cắt giảm tiêu thụ protein trung bình.
Bằng cách bổ sung các chất thay thế khô dầu đậu nành, chẳng hạn như lúa mì, chế độ ăn ít protein đã được áp dụng tốt trong các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, với mức protein thức ăn giảm xuống 13,6%, thấp hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với mức trung bình công nghiệp.
Qin Yinglin, Chủ tịch Muyuan Foodstuff, một công ty chăn nuôi lợn hàng đầu cho biết: “Nếu các sản phẩm thay thế ít protein được sử dụng trên toàn quốc làm thức ăn chăn nuôi, nhu cầu đậu tương của Trung Quốc có thể giảm 20,41 triệu tấn trong một năm”.
Sự biến động của giá cước có thể làm thay đổi mô hình mua hàng
Giá cước tăng cao đã chiếm một phần lớn hơn chi phí đầu vào cho hoạt động buôn bán đậu tương ở Trung Quốc. Và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2022.
Vào năm 2021, giá cước vận chuyển trung bình của Brazil đến Bắc Trung Quốc đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái do giá nhiên liệu tăng đột biến và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn trong bối cảnh cảng thường xuyên tắc nghẽn.
Do đó, các nhà máy nghiền đã phải đối mặt với áp lực không ngừng về tỷ suất lợi nhuận của họ kể từ đầu năm 2021.
Tỷ lệ bao phủ nhu cầu đậu tương cho lô hàng tháng 1/2022 chỉ đạt 76%, so với 100% cùng kỳ năm 2021, do chi phí vận tải biến động khiến các nhà máy nghiền rất thận trọng.
Đối mặt với tỷ suất lợi nhuận âm kể từ giữa năm 2021, các nhà máy nghiền đã hoãn việc mua đậu tương của họ và chờ đợi tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận không được cải thiện khi giá cước vận tải tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái trong hai quý cuối năm 2021, dữ liệu của Platts cho thấy.
Các thương nhân có trụ sở tại Trung Quốc lo ngại rằng giá cước vận tải không có dấu hiệu giảm bớt vào năm 2022, đặc biệt là với sự xuất hiện trở lại của Covid-19 ở nước này.
"Chi phí vận chuyển tăng cao, giá dầu thô biến động, chuỗi cung ứng không ổn định và các ca nhiễm virus Corona gia tăng đã gây ra sự không chắc chắn trong lĩnh vực nghiền của nước này", một nhà máy nghiền có trụ sở tại Trung Quốc cho biết. "Hơn nữa, bất kỳ sự thay đổi bất ngờ nào về nguồn cung dầu thô sẽ làm ảnh hưởng đến giá vận tải".
Sự không thể đoán trước về chi phí vận chuyển đã khiến các nhà nghiền rất thận trọng trong cách mua hàng của họ.
Một nhà kinh doanh đậu tương Trung Quốc cho biết: “Với những bất ổn hiện tại trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận nghiền giảm, người mua đậu tương Trung Quốc sẽ tiếp tục hoãn kế hoạch thu mua thông thường của họ và thực hiện các chiến lược để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận tốt hơn sau này”.
(Theo S&P Global)