Nghề nuôi hươu lấy nhung lan tỏa mạnh mẽ

Bình luận · 218 Lượt xem

Từ mô hình nuôi hươu lấy nhung của ông Nguyễn Viết Nghĩa, nhiều người dân ở Quảng Bình đã học theo để vươn lên làm giàu hiệu quả.

Hươu vừa thu hoạch lộc nhung ở gia đình ông Nguyễn Viết Nghĩa. Ảnh: Tâm Phùng.

Hươu vừa thu hoạch lộc nhung ở gia đình ông Nguyễn Viết Nghĩa. Ảnh: Tâm Phùng.

Mê nghề nuôi hươu từ ngày ở quê vợ

Về nhà ông Nguyễn Viết Nghĩa và bà Lê Thị Cần ở thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cũng gần trưa. Ông Nghĩa vui vẻ khoe: "Hôm qua, tôi vừa bán cho người nuôi ba con hươu giống, lấy rẻ chỉ sáu chục triệu thôi. Mong cho bà con có được thu nhập cao”.

Thời trẻ, ông Nghĩa đi bộ đội và đóng quân ở vùng quê Quỳnh Lưu (Nghệ An). Những năm tháng quân ngũ, ông mến đất, mến người nên xây dựng gia đình với cô giáo Lê Thị Cần và sinh sống ở xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu.

Theo bà Cần kể lại, nghề nuôi hươu lấy nhung rất phát triển trên quê mình. Ông Nghĩa thích cái nghề này lắm nên cũng bàn với vợ làm chuồng nuôi hươu để tăng thêm thu nhập.

Có được kinh nghiệm nên khi ông bà nghỉ hưu và về quê ông sinh sống đã mạnh dạn mang theo hai con hươu giống từ Nghệ An về Quảng Bình để nuôi. Đó là vào năm 1996 và cặp hươu giống đó cũng được xem là những con hươu lấy nhung đầu tiên trên đất Quảng Bình.

“Hồi đó, khi tôi đưa hai con hươu về nuôi, cả làng ai cũng muốn đến xem. Nhiều người bảo hươu ở trên rừng bắt về nuôi sao được. Nó là loại quen chạy nhảy giờ đóng chuồng vậy làm sao sống”, ông Nghĩa kể lại.

Từ cặp hươu giống ban đầu, hươu mẹ sinh sản và đàn hươu của gia đình ông cứ tăng dần theo từng năm. Lúc nhiều nhất là 12 con, ông bà duy trì đàn như vậy và khi hươu mẹ sinh sản lại bán cho người có nhu cầu nuôi.

Những năm đầu tiên, bà con chưa quen với việc sử dụng nhung hươu nên khi cắt lộc, ông Nghĩa cho thêm vị thuốc bắc vào rồi xay nhuyễn cặp nhung, chia thành nhiều túi nhỏ làm quà tặng cho bạn bè cùng học, cùng quân ngũ.

Ông Nghĩa cười bảo: “Lộc bất tận hưởng” mà! Đó cũng là cách quảng bá đầu tiên của vợ chồng tôi với mọi người, với khách hàng về nhung hươu”.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa khoe: 'Cặp lộc nhung hươu này mới cắt trị giá khoảng 12 triệu đồng đã có người đặt tiền mua'. Ảnh: T âm Phùng.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa khoe: “Cặp lộc nhung hươu này mới cắt trị giá khoảng 12 triệu đồng đã có người đặt tiền mua”. Ảnh: T âm Phùng.

Những lần sau đó, khi cắt lộc nhung, ông cũng xay nhuyễn chia phần bán cho mọi người dùng để ngâm rượu bồi bổ sức khỏe. “Khi đó, biết tôi cắt lộc là khoảng chục người hùn tiền mua một cặp nhung rồi nhờ tôi xay ra chia đều. Vậy nhưng vui lắm. Người mua đến đông, tôi mời mọi người thưởng thức chén rượu, ai cũng khen ngon làm tôi cảm động”, ông Nghĩa nhớ lại.

Cũng theo ông Nghĩa, gần đây kinh tế được nâng cao, nhiều người dặn trước mua nguyên cặp về dùng chứ không chia nhau như trước. Khi ông cắt nhung, có người đặt chậm là cũng không có mà mua.

Là người “tay hòm chìa khóa” về nuôi hươu giúp chồng là ông Nghĩa, bà Cần vui vẻ trò chuyện và cho hay, khi về quê chồng, thấy nguồn thức ăn cho hươu khá dễ, có nhiều loại lá, rau, củ, quả đều là thức ăn tốt cho hươu nên tôi tính là sẽ thành công.

Theo bà Cần, nuôi hươu hiệu quả kinh tế cao hơn những vật nuôi khác rất nhiều. Hươu đực hàng năm cho nhung còn hươu cái để sinh sản, bán con giống, nuôi con đực hay con cái đều có lãi.

Bà Cần chia sẻ: “Chu kỳ sinh nở của hươu cái mỗi năm đẻ một con/lần, mỗi lần mang thai khoảng gần 4 tháng. Còn hươu đực 2 năm tuổi đã cho nhung. Nếu nuôi tốt mỗi năm một con hươu cho nhung hai lần. Lúc đàn hươi còn 12 con thu nhập hàng năm của gia đình khoảng 200 triệu đồng”.

Sau mấy năm thấy ông Nghĩa thành công với mô hình nuôi hươu, các hộ dân ở trong xã, huyện đã tìm đến gia đình ông bà học hỏi và mua hươu giống về phát triển kinh tế. Ngoài bán con giống, ông bà cũng không giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, kỹ thuật lấy nhung; đặc biệt là chế độ chăm sóc khi hươu bắt đầu mọc nhung để nhung đạt chất lượng.

Sau hơn 25 năm về Quảng Bình nuôi hươu, ông Nghĩa và bà Cần tuổi đã cao nên đàn hươu giảm còn 6-7 con. Tuy vậy, ông bà luôn hỗ trợ, chia sẻ, và góp vốn nuôi với những người nuôi hươu.

Lan tỏa hiệu quả phong trào nuôi hươu

Khi thấy nhiều gia đình đã mua giống hươu về nuôi và có kết quả kinh tế cao, ông Nghĩa đề xuất với Hội Nông dân huyện thành lập Chi hội Nuôi hươu huyện Quảng Ninh với 15 thành viên.

“Chúng tôi thành lập Chi hội nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nuôi hươu cũng như giúp người dân áp dụng mô hình nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập”, ông Nghĩa nói. Đến năm 2012, Chi hội Nuôi hươu chuyển thành Hợp tác xã (HTX) nuôi hươu sao huyện Quảng Ninh, do ông Nguyễn Viết Nghĩa làm giám đốc.

Để mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con yên tâm chăn nuôi, ông Nghĩa còn mời cán bộ khuyến nông huyện Quảng Ninh về tập huấn quy trình kỹ thuật, chăm sóc hươu cho hội viên. Ngoài ra, HTX còn đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An tuyển chọn và mua hươu giống bảo đảm chất lượng cung cấp cho bà con xã viên. Đồng thời, HTX cũng là đầu mối liên hệ với các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nhung hươu cho bà con.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa còn cho chúng tôi hay, không chỉ dừng lại trong địa phương huyện Quảng Ninh, HTX nuôi hươu sao Quảng Ninh còn mở rộng hội viên ra các huyện, thị xã khác để khuyến khích bà con phát triển nuôi hươu tăng thu nhập. 

“Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho mọi người tham gia. Hiện chúng tôi cũng đã có thành viên tại các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy. Phương châm là chúng tôi không phát triển đàn hươu ồ ạt mà phải có kế hoạch cho từng vùng, miền trên cơ sở có được nguồn ra chắc chắn mới tăng đàn. Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên các thành viên trong HTX đều là hộ khá giả, đời sống ngày càng được nâng cao, con cái học hành thành đạt, xây dựng nhà cửa khang trang”, ông Nghĩa nói thêm.

Hiện nay, hợp tác xã nuôi hươu sao huyện Quảng Ninh có 17 thành viên, nuôi gần 100 con hươu, tổng doanh thu mỗi năm khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng. Trong HTX còn lập Tổ hổ trợ thu hoạch, gồm có 5 người có kỹ năng, kỹ thuật nuôi, cắt nhung hươu và có sức khỏe.

“Khi những gia đình mới tham gia nuôi hươu được thu hoạch nhung, vì ban đầu nên họ chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nên phải nhờ đến Tổ thu hoạch giúp. Các thành viên trong Tổ sẽ bố trí nhân lực, kỹ thuật đến để hỗ trợ gia đình thành viên để làm sao thu hoạch nhanh gọn, không làm tổn hại đến đàn hươu", ông Nghĩa tâm sự.

Đàn hươu mới nuôi của xã viên HTX nuôi hươu sao huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) do ông Nguyễn Viết Nghĩa cung cấp con giống. Ảnh: Tâm Phùng.

Đàn hươu mới nuôi của xã viên HTX nuôi hươu sao huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) do ông Nguyễn Viết Nghĩa cung cấp con giống. Ảnh: Tâm Phùng.

Cho đến nay, gia đình ông Nghĩa đã giúp đỡ, hỗ trợ con giống cho nhiều hộ gia đình khó khăn muốn thoát nghèo. Ông Nghĩa cho biết, mỗi con hươu giống bán cho các hộ gia đình khoảng 20 triệu đồng nhưng ông bà chỉ lấy trước nửa tiền, phần còn lại khi nào hươu cho nhung các hộ sẽ trả dần.

“Để cho bà con khỏi áy náy, gia đình tôi cho nợ tiền mua hươu gọi là muôi rẹ. Tôi chuyển giao kỹ thuật nuôi cho bà con. Đến khi có kết quả thu hoạch tiền bán nhung được chia theo tỷ lệ đã cam kết. Như vậy, bà con rất yên tâm để chăm hươu”, ông Nghĩa bộc bạch.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Võ ở Lệ Thủy từng là đồng đội của ông Nghĩa. Thấy gia đình ông Võ còn khó khăn, vất vả nên ông Nghĩa hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi cho bạn. Sau mấy năm, nhờ chăm sóc tốt nên đàn hươu nhà ông Võ phát triển, cho thu nhập cao. Ông Võ cho biết, sau khi ổn định đời sống khá giả nhờ nuôi hươu, ông cũng hỗ trợ cho một số gia đình hàng xóm để họ cũng vượt khó vươn lên”. 

Với vợ chồng ông Nghĩa bà Cần không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình mà còn giúp đỡ, hỗ trợ và động viên đồng đội cũ, bà con nuôi hươu thoát nghèo và làm giàu cho quê hương. Nhiều năm liền, ông Nghĩa được các tổ chức như Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Hội Cựu chiến binh…, tặng nhiều giấy khen. Ông Nghĩa cũng vinh dự được UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, phát triển sản xuất.

Bình luận