Nga cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước Liên Xô cũ

Bình luận · 237 Lượt xem

Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và ngô sang các quốc gia láng giềng thuộc Liên Xô cũ.

Một chiếc máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở gần làng Suvorovskaya, thuộc vùng Stavropol, Nga ngày 17 tháng 7 năm 2021. Ảnh: RT

Một chiếc máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở gần làng Suvorovskaya, thuộc vùng Stavropol, Nga ngày 17 tháng 7 năm 2021. Ảnh: RT

Theo đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hôm qua đã ký một văn bản cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Phó Thủ tướng Viktoria Abramchenko cho biết, chỉ một số loại ngũ cốc nằm trong hạn ngạch của nước này sẽ được phép xuất khẩu theo môt loại giấy phép đặc biệt. Hãng tin Reuters dẫn lời bà Viktoria Abramchenko cho hay, lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc của chính phủ Nga nhằm mục đích đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ cho thị trường tiêu dùng trong nước.

Theo hãng tin Nga Interfax trụ sở tại thủ đô Moscow, Bộ Nông nghiệp và Thương mại Nga đã soạn thảo nghị quyết cấm xuất khẩu ngũ cốc từ ngày 15 tháng 3 kéo dài đến ngày 30 tháng 6.

Xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã bị cắt giảm mạnh do tình hình chiến sự và các cảng ở khu vực Biển Đen bị đóng cửa, tuy nhiên nước này vẫn là một trong số những nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), hiện Nga chiếm 16% sản lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới, 13% lượng lúa mạch xuất khẩu toàn cầu, 3% lượng ngô xuất khẩu toàn thế giới và 22% lượng bột hướng dương và 30% sản lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu.

Nguồn cung ngũ cốc thế giới càng bị thắt chặt hơn nữa do quốc gia láng giềng Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh, không thể xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực. Trong một năm bình thường, Ukraine sẽ chiếm 10% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 14% xuất khẩu ngô toàn cầu, 58% xuất khẩu bột hướng dương toàn cầu và 47% xuất khẩu dầu hướng dương toàn thế giới.

Hiện hợp đồng giao hàng tháng 5 tại Hội đồng Thương mại Kansas (Mỹ) đối với lúa mì đỏ cứng vụ đông đóng cửa ở mức 11 USD/giạ (35,2 kg).

Trong diễn biến liên quan, hôm nay Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật viện trợ khẩn cấp, trị giá 13,6 tỷ USD cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại nước này chưa có lối thoát. Theo đó, gói viện trợ này bao gồm 3,5 tỷ USD hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine cùng với hơn 3 tỷ USD để triển khai quân đội Mỹ đến các nước xung quanh Ukraine, và khoảng 4 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo như thực phẩm và thuốc men.

Theo các chuyên gia theo dõi thị trường, giá ngũ cốc quốc tế đang ở mức cao do tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra và sản lượng kém ở các quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn. Thống kê trung bình ở Hàn Quốc, giá nhập khẩu mỗi tấn lúa mì ở mức 369 USD trong tháng 2, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái và 46,6% so với cách nay hai năm. Giá ngô nhập khẩu hiện cũng tăng tới 40,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 335 USD vào tháng trước, tăng 63,4% so với cùng tháng năm 2020. Giá nhập khẩu ngũ cốc tăng cao đã khiến các công ty thực phẩm ở Hàn Quốc buộc phải tăng giá sản phẩm, tạo gánh nặng lớn hơn cho người tiêu dùng. Dự kiến đà tăng giá ngũ cốc ​​sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. (Yonhap)

Hà Dương

(Reuters;Agri-pulse. )

Bình luận